- Mục tiêu lớn nhất của việc độc quyền vàng miếng - dưới sự quản lý trực tiếp của NHNN - không gì khác hơn là tạo sự ổn định cho thị trường vàng, chấm dứt những bất ổn cũng như những tác động nó lên nền kinh tế. Tuy nhiên, cơn sốt vàng hiện nay cho thấy những bất ổn vẫn còn đó và dấu hỏi lớn về hiệu quả của cơ chế này.
Sau 25/11, dân ôm vàng về nhà cất?
Xếp hàng mua vàng ở SJC
USD tăng mạnh, vàng neo giá cao nhất năm
Thách thức: Chênh lệch giá
Sáng ngày 4/10, giá vàng trong nước tăng theo từng giờ và tiến sát ngưỡng 48 triệu đồng/lượng. Tới cuối giờ chiều cùng ngày, giá vàng đã tăng thêm 180.000 đồng/lượng lên mức 48,15 triệu đồng/lượng.
Như vậy, chỉ trong 4 ngày giao dịch, giá vàng trong nước đã tăng thêm gần 680.000 đồng/lượng. Tính từ đầu năm, giá vàng SJC đã cao hơn 4,5 triệu đồng/lượng.
Thị trường quốc tế chiều nay, sau khi giá leo lên 1.790 USD đã quay đầu giảm. Lúc gần 13h30 giờ Việt Nam, vàng giao ngay phiên Âu đã giảm về trên 1.785 USD mỗi ounce, tương đương 44,97 triệu đồng tiền Việt.
Các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn để giá bán ra 48,13 triệu đồng, tức cao hơn quốc tế hơn 3,1 triệu đồng mỗi lượng. Nhận định về chênh lệch này, chuyên gia Phạm Đỗ Chí cho rằng, đó là do sự 'độc quyền vàng miếng' hiện nay, cộng với việc các ngân hàng đang ra sức gom vàng vào để cân bằng trạng thái, chuẩn bị cho việc ngừng huy động vào 25/11 tới.
Vàng trong nước tăng theo thế giới là chuyện không có gì bàn cãi. Tuy nhiên, như thường lệ, mỗi khi vàng trong nước tăng thì đều kéo giãn khoảng cách với giá vàng thế giới. Vàng trong nước chiều tối nay đang đắt hơn giá thế giới hơn 3 triệu đồng mỗi lượng, một con số không nhỏ.
Như vậy, trong chiều 4/10, người dân đang thiệt hại mỗi lượng vàng tới hơn 3 triệu đồng. Và thiệt hại đó không phải do người dân thiếu hiểu biết và không có sự bình tĩnh để lựa chọn khôn ngoan mà thực tế họ phải chấp nhận một quy luật là do giá thế giới cứ tăng một chút thì trong nước tăng xa hơn thế để cho chắc ăn, tránh thiệt hại cho danh nghiệp vàng. Các doanh nghiệp vàng vẫn thản nhiên để khoảng cách rất rộng so với giá bán ra từ trước, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lợi ích của mình.
Giá vàng tăng chiều nay một lần nữa cho thấy, giải pháp chữa trị sốt vàng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra vào chiều 19/9 không có tác dụng. Khi đó, cơ quan này đã yêu cầu Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chuẩn bị kế hoạch để triển khai gia công hơn 350.000 lượng vàng, tương đương 13 tấn vàng. Nhưng có vẻ như lượng vàng này đã không có nhiều tác dụng đối với cung cầu thị trường.
Ai hưởng lợi nhất?
Theo cơ chế mới, nhà nước cấm mọi loại vàng miếng trừ vàng miếng mang logo SJC. Như vậy, SJC chỉ nhờ cơ chế mà SJC đã gần như được hưởng độc quyền về vàng miếng đồng thời lại được trực tiếp định giá và mua bán can thiệp thị trường vàng… Đây được cho là một kẽ hở khiến cho DN này được lợi lớn từ cơ chế mới và từ đây có thể gây ra nhiều lo ngại về những nguy cơ khác.
TS Phạm Đỗ Chí - nguyên Chuyên gia Kinh tế và Đầu tư cao cấp của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng: Tình hình hiện nay gây khó khăn, tạo tâm lý bất ổn cho cả doanh nghiệp và một số lượng lớn dân cư giữ vàng. Trước mắt, khi giá vàng của các thương hiệu khác ngoài SJC giảm mạnh, người dân sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất và sau đó khó khăn sẽ đè nặng lên các doanh nghiệp, nhất là áp lực về vốn và giải quyết việc làm cho người lao động tham gia sản xuất vàng miếng.
NHNN đã tiến hành biện pháp quản lý mạnh mẽ, cụ thể là dẹp bỏ các thương hiệu vàng miếng khác, chỉ duy trì thương hiệu SJC và kiểm soát chặt việc sản xuất vàng miếng SJC. Nhưng thực tế cho đến nay, hình ảnh dễ thấy vẫn là “ngổn ngang thị trường vàng”.
Tại sao khoảng cách về giá này lại cứ ngày một doãng ra, bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách, biện pháp để quản lý thị trường vàng? Mục tiêu đưa khoảng cách giá vàng thế giới và trong nước về mức 400 ngàn đồng/lượng giờ đây trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
Còn hiện nay giá vàng trong nước đang “nhảy múa” và tuột khỏi tầm kiểm soát của những người nắm giữ vàng. Trong khi giá vàng thương hiệu SJC luôn duy trì mức cao hơn giá thế giới khoảng 2,5 triệu đồng/lượng thậm chí chênh lệch đến 4 triệu đồng/lượng, thì các thương hiệu vàng khác lại ngang bằng, có lúc thấp hơn giá thế giới 1 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá vàng trong nước với giá thế giới quá cao như hiện nay cho thấy, quản lý thị trường vàng của NHNN chưa hiệu quả. Dư luận đặt câu hỏi lợi nhuận từ chênh lệch giá quá cao như vậy “chảy” về đâu?
Kinh nghiệm cho thấy mọi việc sẽ không quá nan giải nếu chính sách ban hành tôn trọng đúng thực tế khách quan, xem xét thấu đáo diễn biến thị trường. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam, việc áp dụng một số biện pháp quản lý kiểm soát là cần thiết, nhưng phải có lộ trình phù hợp, đồng bộ và nhất quán. Có những vấn đề mà ý chí chủ quan không chi phối được mà phải có giải pháp mang tính thị trường.
Nhật Vy