STEM - phương pháp giáo dục mới có mặt tại Việt Nam đang được đón nhận như một ‘cơn gió lạ’ đem đến những sự thay đổi tích cực cho hiệu quả học tập của học sinh.
STEM- thay đổi tư duy giáo dục
Ở các nước phát triển, nhiều phương pháp giáo dục phù hợp cho thời đại 4.0 đã được áp dụng trong suốt những năm qua. Hiện nay, rất nhiều phụ huynh, học sinh chọn phương pháp đào tạo mới cho con em mình. Phương pháp STEM, đào tạo năng lực tư duy, ESL (English as a second language)…là số ít nổi trội trong những chương trình đó.
STEM- “cơn gió lạ” có thể trở thành cú hích thay đổi tư duy giáo dục tại Việt Nam |
STEM là viết tắt: Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Maths (toán học). STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.
Cách học truyền thống hiện nay đang truyền đạt cho học sinh cách "giải bài tập" chứ chưa đưa được cho học sinh cách "giải quyết vấn đề - Problem Solving". Phương pháp STEM mang đến cho trẻ cách tiếp cận vấn đề, tư duy vấn đề, để từ đó có những cách giải quyết phù hợp với từng tình huống của cuộc sống.
STEM và những cơ hội của người Việt trẻ
Tại Việt Nam, nhu cầu nhân sự trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ và kỹ thuật đang tăng nhanh. Nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, thông thạo tiếng Anh sẽ tạo ra nhiều sự thay đổi cho kinh tế đất nước.
STEM sẽ mang đến những cơ hội việc làm rõ rệt cho người trẻ trong đa dạng các lĩnh vực (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học…) |
Tại Hội nghị Khoa học - Công nghệ- Kỹ thuật - Toán học (STEMCON) Việt Nam 2017, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Trần Văn Tùng phát biểu: “Giáo dục STEM là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN chất lượng cao, rất cần sự quan tâm của chính phủ để thúc đẩy hoạt động này”.
Vừa qua, Hội thảo Quốc tế “STEM – Hành trang vững chắc cho học sinh trong kỷ nguyên số” được tổ chức bởi Tập đoàn giáo dục Egroup đã mang đến những thông tin hữu ích cho những người làm giáo dục về tầm ảnh hưởng của các phương pháp giáo dục mới, cũng như thực trạng ứng dụng của những phương pháp này tại Việt Nam.
Thay đổi như thế nào để phù hợp với kỷ nguyên số?
Với sự hội ngộ của các diễn giả hàng đầu thế giới về giáo dục, những vấn đề xoay quanh phương pháp STEM, năng lực tư duy, ESL lần lượt được gợi mở và phân tích.
Tiến sĩ Diana Wehrell-Grabowski - chuyên gia hàng đầu thế giới về STEM cho biết, “Học sinh hiện đang được tiếp nhận kiến thức ở 2 mức độ: ghi nhớ, hiểu biết. Tuy nhiên, bà Diana có đưa ra thêm 4 mức độ hiệu quả hơn: Ứng dụng; Phân tích; Đánh giá; Sáng tạo”.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia Toán học, ông Lee Chung Kook - Phó chủ tịch Hiệp hội Olympiad Toán học thế giới WMO, nhà sáng lập CMS Edu đã phát biểu về năng lực tư duy sáng tạo như sau: “Hệ thống giáo dục cần dạy cho học sinh cách tư duy, sử dụng kiến thức hoặc nhận thức hơn là chỉ tập trung vào các kiến thức tiếp thu được…”.
Ông Lee Chung Kook và bài toán vui để giải thích về phát triển tư duy sáng tạo cho trẻ |
Trong tương lai, những công việc đơn giản, đòi hỏi tính toán hay có thể lập trình được sẽ được thay thế bởi robot.
Giáo dục STEM, đào tạo năng lực tư duy, hay tư duy ngôn ngữ không hướng đến đào tạo để học sinh trở thành những nhà toán học, nhà khoa học, kỹ sư mà các phương pháp này nhằm tạo ra những con người có thể đáp ứng được nhu cầu công việc của thế kỷ 21, tạo ra những đứa trẻ là công dân toàn cầu trong thời đại kỷ nguyên số.
Nam Long