TS. Nguyễn Thị Thủy Minh, hiện đang giảng dạy Văn học và ngôn ngữ tiếng Anh ở ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore, có bài viết về việc tiếng Anh như một Ngôn ngữ Quốc tế và sự cần thiết phải xem xét lại khái niệm “chuẩn mực” của thứ tiếng này.
Năm 1992, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Kachru mô tả hiện tượng phổ cập tiếng Anh bên ngoài biên giới các nước nói tiếng Anh truyền thống trong mô hình vẫn được giới nghiên cứu tiếng Anh như một Ngôn ngữ Quốc tế gọi là “Ba vòng tròn đồng tâm Kachru” (Kachru’s Three Concentric Circles)
Mô hình này phân loại người nói tiếng Anh trên thế giới theo ba nhóm sau:
Ba vòng tròn đồng tâm Kachru |
(1) Nhóm những người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, đến từ các quốc gia nói tiếng Anh truyền thống: Anh, Mỹ, Úc, Ca-na-đa, Niu Di-Lân. Các quốc gia này được Kachru gọi là các quốc gia vòng trong (inner circle countries).
(2) Nhóm những người nói tiếng Anh như ngôn ngữ hai, đến từ các nước thuộc địa cũ của Anh hoặc Mỹ nơi tiếng Anh được sử dụng như ngôn ngữ quốc gia/ chính thức nhưng không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ, như Xing-ga-po, Ma-lai-xia, Ấn Độ, Phi-líp-pin, Nam Phi, vân vân. Đây là các quốc gia vòng ngoài (outer circle countries).
(3) Nhóm những người nói tiếng Anh như một ngoại ngữ, đến từ các nước nơi tiếng Anh không có vị thế chính thức trong nhà nước, hành chính, hay giao tiếp xã hội mà được dạy như một môn học trong nhà trường, như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, và một số nước châu Âu khác. Các quốc gia này được Kachru gọi là các quốc gia vòng mở rộng (expanding circle countries).
Theo Kachru, các quốc gia nói tiếng Anh truyền thống là nơi cung cấp chuẩn mực giao tiếp (norm-providing). Trong khi đó các nước vòng mở rộng là nơi tiếp nhận các chuẩn mực này (norm-dependent).
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi số lượng người nói tiếng Anh bên ngoài biên giới các quốc gia nói tiếng Anh truyền thống đã vượt trội số lượng người nói tiếng Anh tại các quốc gia này, và việc giao tiếp liên văn hóa thường diễn ra giữa những đối tượng đến từ các nền ngôn ngữ khác nhau sử dụng tiếng Anh như công cụ giao tiếp chung, thì nhận định trên của Kachru không còn được coi là phù hợp nữa.
Có ba lý do chính sau đây.
Sự bình đẳng giữa các phương ngữ tiếng Anh
Việc tiếng Anh được sử dụng rộng rãi như một công cụ giao tiếp bên ngoài biên giới các nước nói tiếng Anh truyền thống đã dẫn đến sự đa dạng hóa trong cách thức ngôn ngữ này được sử dụng trên thế giới.
Ở các quốc gia vòng ngoài nơi tiếng Anh có vị thế chính thức trong nhà nước, giáo dục và giao tiếp xã hội như Xing-ga-po, Ma-lai-xia, Phi-líp-pin, Ấn Độ, tiếng Anh được cho là đã “bản địa hóa”, do sự tiếp xúc lâu dài với các ngôn ngữ địa phương.
Phương ngữ tiếng Anh được sử dụng ở các quốc gia này có sự khác biệt có tính hệ thống về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, và ngữ dụng so với phương ngữ tiếng Anh của Anh và Mỹ (tuy nhiên chú ý là ngay cả tiếng Anh ở Anh hay ở Mỹ cũng không phải là một ngôn ngữ đơn nhất, mà tồn tại các phương ngữ địa phương và xã hội khác nhau với những đặc trưng riêng), nhất là trong văn phong nói và ngữ cảnh không trang trọng.
Cách sử dụng khác biệt này có thể bị người nói tiếng Anh từ các quốc gia vòng trong coi là “lỗi”, tuy nhiên lại được coi là hoàn toàn phù hợp cho mục đích giao tiếp giữa các thành viên cộng đồng trong bối cảnh văn hóa xã hội của các quốc gia vòng ngoài.
Những phương ngữ tiếng Anh này ngày càng được công nhận rộng rãi và được coi là bình đẳng với các phương ngữ tiếng Anh của các quốc gia vòng trong, xét từ góc độ ngôn ngữ xã hội học. Ví dụ, tiếng Anh Xing-ga-po, tiếng Anh Phi-líp-pin, Tiếng Anh Ma-lai-xia, vv được nghiên cứu như các phương ngữ độc lập, hợp pháp trong giới nghiên cứu ngôn ngữ xã hội học.
Ảnh: Thanh Hùng |
Quan điểm coi tiếng Anh như ngôn ngữ hai, hoặc không phải ngôn ngữ mẹ đẻ ở các quốc gia vòng ngoài cũng không còn được coi là phù hợp, bởi các phương ngữ tiếng Anh ở các quốc gia này đã có đời sống riêng, định hình rõ nét. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Xing-ga-po, khoảng 50% trẻ em bản địa nói tiếng Anh như ngôn ngữ gia đình. Đối với các em bé này, tiếng Anh được coi như ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhiều người Xing-ga-po coi mình là người bản ngữ của phương ngữ tiếng Anh Xing-ga-po.
Sự phổ cập tiếng Anh ở các bối cảnh văn hóa xã hội khác
Số lượng người sử dụng tiếng Anh ở các quốc gia vòng mở rộng đang gia tăng mạnh mẽ. Năm 2003, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Crystal ước tính đã có khoảng 500-1.000 triệu người nói tiếng Anh ở các quốc gia vòng mở rộng, một con số vượt trội gấp nhiều lần so với số lượng người nói tiếng Anh ở các quốc gia vòng trong và vòng ngoài, và con số này vẫn tiếp tục gia tăng mỗi năm.
Ở một số quốc gia vòng mở rộng, chức năng sử dụng của tiếng Anh cũng có những thay đổi quan trọng. Thay vì chỉ phục vụ cho mục đích giao tiếp bên ngoài biên giới, tại các quốc gia này tiếng Anh ngày càng được sử dụng rộng rãi cho các mục đích giáo dục, học thuật, kinh doanh, truyền thông báo chí trong nước.
Tại Việt Nam, tiếng Anh được sử dụng như phương tiện giảng dạy ở các trường phổ thông và đại học quốc tế, các chương trình đào tạo đại học tiên tiến hay liên kết với nước ngoài, trên một số kênh truyền hình quốc gia.
Trong quá trình xâm nhập vào cuộc sống bản địa, tiếng Anh đã bắt đầu có những thay đổi nhất định khi được sử dụng ở các quốc gia vòng mở rộng. Nếu như trước đây người ta vẫn cho rằng người sử dụng tiếng Anh ở các quốc gia mở rộng phụ thuộc vào chuẩn mực của tiếng Anh “bản ngữ”, thì việc xuất hiện các chuẩn mực địa phương (local norms) mới trong các phiên bản tiếng Anh được sử dụng ở các quốc gia này khiến chúng ta khó có thể coi chúng là nơi hoàn toàn chỉ tiếp nhận các chuẩn mực “bản ngữ”.
Nói cách khác, các quốc gia vòng mở rộng đang có xu hướng trở nên giống như các quốc gia vòng ngoài, tức là dần phát triển các phương ngữ tiếng Anh riêng của họ. Thậm chí, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Graddol còn dự đoán rằng tương lai của tiếng Anh sẽ không do ai khác ngoài những người nói tiếng Anh tại châu Á quyết định vì lục địa này là nơi sẽ có nhiều người sử dụng tiếng Anh nhất trong 50 năm tới.
Sự không phù hợp của chuẩn mực “bản ngữ” trong giao tiếp đa văn hóa
Người nói tiếng Anh ở các quốc gia vòng ngoài và vòng mở rộng không chỉ sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với người nói tiếng Anh ở các quốc gia vòng trong mà còn để giao tiếp với nhau. Xu hướng này ngày càng rõ rệt. Do đó, chuẩn mực của các quốc gia vòng trong không phải lúc nào cũng là một thước đo có giá trị trong giao tiếp toàn cầu.
Khi phần lớn những người nói tiếng Anh không phải là người “bản ngữ” theo nghĩa truyền thống, thì “chuẩn mực” tiếng Anh cũng không còn do người “bản ngữ” quyết định, nhất là trong các bối cảnh giao tiếp đa văn hóa không có sự tham gia của người “bản ngữ”.
Ảnh: Đỗ Quang Đức |
Ví dụ khi một người Nhật, một người Hàn Quốc và một người Việt Nam giao tiếp, họ sẽ không cần thiết phải tuân theo “chuẩn mực” giao tiếp chỉ phù hợp với văn hóa Anh-Mỹ mà không phù hợp với các giá trị văn hóa của họ. Ngôn ngữ và bản sắc văn hóa luôn gắn liền với nhau. Không phải người học tiếng Anh nào cũng mong muốn tuân thủ theo các giá trị văn hóa Anh-Mỹ, mà có thể mục đích của họ khi học tiếng Anh chỉ là sử dụng thuần thục ngôn ngữ này để thể hiện bản sắc văn hóa của họ trong giao tiếp đa văn hóa.
Các nghiên cứu về Tiếng Anh như một Ngôn ngữ Quốc tế cũng cho thấy việc không tuân thủ theo các chuẩn mực ngôn ngữ của người bản ngữ không phải lúc nào cũng dẫn đến giao tiếp bị phá vỡ. Ví dụ về mặt ngữ âm, dựa trên các nghiên cứu về giao tiếp liên văn hóa giữa những người nói tiếng Anh đến từ các nền văn hóa và ngôn ngữ mẹ đẻ khác nhau, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Jenkins đề xuất danh sách các yếu tố ngữ âm cốt lõi sẽ góp phần vào việc thấu hiểu lẫn nhau trong giao tiếp quốc tế, gọi là Lingua Franca Core.
Những yếu tố này bao gồm tất cả các phụ âm (trừ phụ âm xát /θ/ và /ð/), các cụm phụ âm đầu, phân biệt nguyên âm ngắn và nguyên âm dài, và nhấn tông (nuclear stress) đúng. Những yếu tố ngữ âm này cần sử dụng với độ chính xác cao để đảm bảo tính dễ hiểu của lời nói (intelligibility).
Những yếu tố ngữ âm nằm ngoài danh sách này, nếu sử dụng không giống với chuẩn phát âm của các phiên bản tiếng Anh “bản ngữ”, đều không gây phá vỡ giao tiếp, nhất là nếu những người sử dụng có cách phát âm giống nhau.
Jenkins cũng nhấn mạnh rằng sự thành công trong giao tiếp không phụ thuộc vào việc phát âm các âm tiết chính xác theo chuẩn “bản ngữ” mà được quyết định bởi khả năng thích nghi với người cùng đối thoại.
Các nghiên cứu về tiếng Anh như một Ngôn ngữ Quốc tế cũng cho thấy ngay cả khi không tuân thủ phong cách giao tiếp của người “bản ngữ”, những người nói tiếng Anh như ngôn ngữ hai vẫn có thể giao tiếp thành công với nhau, nếu họ biết cách thương lượng sự khác biệt trong các phương ngữ tiếng Anh mà họ sử dụng.
Xem xét lại khái niệm “chuẩn” trong bối cảnh toàn cầu hóa tiếng Anh
Sự đa dạng hóa trong cách thức sử dụng tiếng Anh trong các bối cảnh văn hóa xã hội khác nhau nói trên đã thách thức quan điểm truyền thống về “tiếng Anh chuẩn” trong sử dụng thực tế. Ngày càng nhiều các nhà nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng cần coi tiếng Anh như một ngôn ngữ có nhiều phương ngữ khác nhau thay vì nhìn nhận tiếng Anh như một ngôn ngữ chỉ có duy nhất một phương ngữ chuẩn mực thuộc về người “bản ngữ”.
Trong dạy và học tiếng Anh, “năng lực bản ngữ” không còn được coi là mục đích cần đạt được. Trên thực tế, đòi hỏi “năng lực bản ngữ” hiểu theo cách truyền thống là điều khó khả thi, nhất là đối với những người học ngôn ngữ khi đã lớn tuổi và không có môi trường thuận lợi để tiếp xúc lâu dài như đa số người học tiếng Anh ở Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu về giảng dạy tiếng Anh ngày nay đều đồng tình rằng thay vì lấy “năng lực bản ngữ” làm mục đích dạy học, cần hướng tới chuẩn mực chấp nhận được về mặt quốc tế (internationally acceptable), nghĩa là khả năng sử dụng ngôn ngữ trôi chảy, chính xác, dễ hiểu (intelligible) và phù hợp với mục đích, đối tượng và bối cảnh giao tiếp trong tương tác quốc tế.
Ngoài ra, để tham gia hiệu quả vào giao tiếp quốc tế, quan trọng hơn cả người sử dụng tiếng Anh cần có năng lực giao tiếp liên văn hóa (intercultural communicative competence), tức là có sự hiểu biết và khoan dung với các khác biệt văn hóa, cũng như khả năng thương lượng khác biệt giữa các giá trị văn hóa và phong cách diễn đạt để không gây phá vỡ giao tiếp mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng của mình.