Vợ đẻ đúng lúc tàu gặp sự cố
Ông Nguyễn Cảnh Dương (SN 1964), Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội có 34 năm trong nghề, nhưng số lần được ăn Tết cùng vợ con chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông kể, lái tàu ngày Tết thường gặp 2 áp lực chính. Đó là áp lực về công việc do lượng khách đi tàu đông, đồng thời lượng người lưu thông tại các đường ngang dân sinh nhiều nên dễ xảy ra tai nạn giữa tàu và các phương tiện đường bộ.
Ngày Tết mọi người sum vầy bên gia đình, lái tàu vẫn phải tiếp tục công việc phục vụ hành khách đi tàu |
Bên cạnh đó, các lái tàu cũng có áp lực về tâm lý khi vào những ngày Tết người người, nhà nhà sum họp, họ vẫn mải miết với các chuyến tàu Bắc Nam.
“Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cận Tết là vợ con lại hỏi: Năm nay bố có được ăn Tết ở nhà không? Mặc dù biết việc đó rất hiếm hoi nhưng vợ con vẫn chứ hỏi khiến mình cũng chạnh lòng”, lái tàu có 34 năm cầm lái kể.
Lịch chạy tàu ngày Tết được bố trí luân phiên. Người này đã lái tàu Tết năm này thì năm sau có thể được nghỉ Tết.
Tuy nhiên ngày nghỉ Tết của các lái tàu không kéo dài 9 ngày như với cán bộ, công nhân viên chức mà chỉ từ 30 Tết đến hết trưa mùng 1.
Sau thời gian ngắn ngủi đó, họ lại phải lên đường. Thậm chí, có những năm dù nằm trong danh sách nghỉ Tết nhưng anh cũng không được hưởng cái Tết sum vầy với gia đình vì những sự cố đặc biệt.
“Đó là những lúc máy của một lái tàu nào đó hỏng, gặp tai nạn thì chúng tôi lại bị điều động đi thay”, ông chia sẻ.
Lái tàu Nguyễn Hải Nam |
Với ông, cái Tết không thể nào quên là vào năm 2008. Vợ ông mang thai con gái thứ hai, dự sinh vào dịp Tết nguyên đán. Ông Dương dự kiến chạy tàu đến ngày mùng 2 sẽ về đến Hà Nội để đưa vợ vào bệnh viện sinh con.
Tuy nhiên, một sự cố đã xảy ra. Tàu chạy đến ga Đồng Hới (Quảng Bình) thì máy hỏng. Tàu phải ghép đầu máy vào một tàu khác chạy được đến Thanh Hóa thì phải dừng, chờ tại đấy.
“Đến Thanh Hoá tôi cùng các đồng nghiệp phải ở lại canh giữ đầu máy. Lúc này vợ tôi gọi điện từ Hà Nội vào báo tin đau bụng chuyển dạ. Sau cuộc điện thoại ấy, tôi gửi đầu máy lại cho các đồng nghiệp trông coi, còn mình bắt ô tô từ Quảng Bình ra Hà Nội.
Về đến Hà Nội, tôi lao ngay đến bệnh viện thì cũng đúng thời điểm cô con gái ra đời. Thú thực lúc đó rất mệt nhưng thấy mẹ tròn con vuông, mọi mệt mỏi đều tan biến”, ông Dương nhớ lại.
Áy náy vì thất hứa với vợ con
Tương tự, ông Nguyễn Hoài Nam, lái tàu hơn 30 năm kinh nghiệm tại Xí nghiệp đầu máy Hà Nội, cũng có những trải nghiệm đáng nhớ khi đi làm vào những ngày chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
“Tết năm 2015, theo lịch phân công tôi sẽ về đến nhà vào ngày 30 Tết và được nghỉ từ đêm 30 đến hết trưa mùng 1.
Sau đó, ngày mùng 2 tôi mới phải lên đường làm nhiệm vụ. Trước Tết tôi dõng dạc hứa với vợ và các con: Năm nay, bố được nghỉ Tết, nếu về sớm, bố sẽ cùng các con đi chọn cành đào trang trí nhà cửa và giúp mẹ mua sắm". Thế nhưng mọi việc đều không như sắp đặt.
Ông Nguyễn Cảnh Dương có 34 năm làm nghề lái tàu nhưng chưa một lần được đón Tết trọn vẹn với gia đình |
Lần đó, tàu của anh Nam về đến ga Minh Khôi (Nông Cống, Thanh Hóa) thì gặp sự cố. Anh và 3 đồng nghiệp khác phải ở lại canh giữ đầu máy.
“Ở lại nhưng chúng tôi lòng như lửa đốt vì những ngày Tết đang cận kề. Mãi tối mùng 1 Tết đầu máy của chúng tôi mới được đưa về đến ga Giáp Bát. Làm thủ tục bàn giao xong đúng nữa đêm tôi mới về nhà.
Khi về nhà thấy thất hứa với các con mình rất áy náy, nhưng vì công việc nên chẳng thể lường trước được. Cái hẹn về sum vầy giao thừa, thắp nén hương cho tổ tiên và có một ngày đón năm mới với gia đình đã không thực hoàn thiện, bởi theo lịch ngay trưa mùng 2 mình đã phải tiếp tục hành trình lái tàu đưa khách vào Nam”, anh Nam nhớ lại.
Phút hãm phanh đứt cánh tay, cứu 300 hành khách của người lái tàu
Gặp tình huống xe tải cắt ngang đoàn tàu đang chạy, lái tàu Trương Xuân Thức đã hy sinh cánh tay trái, hãm phanh tàu, cứu hơn 300 hành khách.
Vũ Điệp