Vào thời điểm này đúng 60 năm trước đây, quân Pháp bị Việt Minh đánh bại tại Điện Biên Phủ.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Hãng BBC dẫn lời nhà sử học Julian Jackson giải thích, đây là một thời điểm mang tính bước ngoặt trong lịch sử của cả hai quốc gia, và trong Chiến tranh Lạnh – một trận chiến mà một số người ở Mỹ có vẻ như đã suy tính đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

{keywords}
Lính Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh: BBC/AP

“Ông có muốn hai quả bom nguyên tử không?” – Đây là những lời mà một nhà ngoại giao cấp cao của Pháp nhớ lại, khi Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles hỏi Ngoại trưởng Pháp Georges Bidault vào tháng 4/1954. Bối cảnh của lời đề nghị đặc biệt này chính là cơn tuyệt vọng khốn cùng của quân đội Pháp khi giao tranh với các lực lượng yêu nước của Hồ Chí Minh tại Điện Biên Phủ ở các vùng cao tây bắc Việt Nam.

Trận chiến Điện Biện Phủ ngày nay bị phủ bóng bởi sự can dự sau đó của người Mỹ vào Việt Nam những năm 1960. Nhưng trong khoảng 8 năm từ 1946-1954, người Pháp đã phải chật vật trong cuộc chiến đẫm máu của chính mình để duy trì vị thế thống trị ở Viễn Đông.

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền vào năm 1949, cuộc chiến ở thuộc địa này đã trở thành chiến trường chính của Chiến tranh Lạnh. Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam về mặt vũ khí và quân nhu, còn hầu hết phí tổn của Pháp trong chiến tranh lại do Mỹ chịu. Nhưng những người cầm súng và chết trận là lính Pháp. Năm 1954, quân Pháp ở Đông Dương là trên 55.000 người.

Cuối 1953, chỉ huy Pháp là Tướng Navarre quyết định thành lập một pháo đài đồn trú tại thung lũng ở Điện Biên Phủ, cách Hà Nội 280 dặm. Bao quanh thung lũng là các vùng rừng, đồi núi. Vị trí này có thể phòng thủ được, nên Pháp có thể kiểm soát tốt các vùng đồi bên trong và duy trì tiếp viện trên không. 

Điều mà Pháp đã đánh giá thấp là khả năng quân Việt Nam có thể kéo pháo lên đồi. Pháo được hàng chục ngàn người vận chuyển. Họ mang vác thiết bị hàng trăm cây số xuyên rừng, thâu đêm suốt sáng. Ngày 13/3, quân Việt Nam đã thực hiện một loạt tấn công bằng pháo trên diện rộng và chỉ trong hai ngày, hai quả đồi quanh đó đã bị chiếm, sân bay Pháp bị vô hiệu. Hàng phòng thủ của Pháp bị cắt đứt và thòng lọng siết chặt quanh họ.

Đây là thời điểm mang tính sống còn, khiến Pháp tuyệt vọng cầu cứu Mỹ giúp đỡ. Nhân vật diều hâu nhất bên phía Mỹ là Phó Tổng thống Richard Nixon – người không có sức mạnh về chính trị, và Đô đốc Radford - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân. Một nhân vật diều hâu khác là Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles – một người bị ám ảnh bởi cuộc chiến chống lại Chủ nghĩa Cộng sản. Dè dặt hơn là Tổng thống Eisenhower – người sau đó đã tiến hành họp báo vào đầu tháng Tư, và tuyên bố ‘thuyết domino’ đáng hổ thẹn về khả năng Chủ nghĩa Cộng sản lan rộng từ quốc gia này sang quốc gia khác.

“Bạn có một dãy quân cờ domino được dựng nên, bạn làm đổ quân thứ nhất, và những gì xảy ra với quân cuối cùng là chắc chắn nó sẽ bị đổ rất nhanh chóng” – Eisenhower nói. “Do đó, đây sẽ là khởi đầu cho một sự tan rã có tác động sâu xa”.

{keywords}
Chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: BBC

Thứ Bảy ngày 3/4/1954 đã đi vào lịch sử Mỹ như là ‘ngày chúng ta không tiến hành chiến tranh’. Hôm đó, Dulles gặp các lãnh đạo Quốc hội Mỹ - những người đanh thép nói rằng họ không ủng hộ bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào trừ khi Anh tham gia. Eisenhower gửi thư cho Thủ tướng Anh Winston Churchill cảnh báo về hậu quả cho phương Tây nếu như Điện Biên Phủ thất thủ. Cùng lúc, trong một cuộc họp ở Paris, Dulles được cho là đã đưa ra đề nghị lạ lùng với người Pháp về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Thực tế, Dulles không bao giờ được phép đưa ra một đề nghị như vậy, và cũng không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy ông ta làm vậy. Có thể là trong bầu không khí sôi sục của những ngày đó, phía Pháp do quá hoang mang nên đã hiểu lầm ý của Dulles. Hoặc đơn giản là lời của ông đã bị phiên dịch sai ý.

“Ông ấy không hẳn là đề nghị. Ông ấy đưa ra gợi ý và đặt một câu hỏi. Ông ấy thốt ra mấy từ chết người là ‘bom nguyên tử” - Maurice Schumann, một cựu ngoại trưởng, nói trước khi qua đời năm 1998. “Ngay lập tức Bidault phản ứng lại như thể ông ấy không để tâm nhiều tới việc đó”.

Theo giáo sư Fred Logevall của Đại học Cornell, Dulles ‘ít nhất đã nói một cách chung chung nhất về khả năng là người Pháp nghĩ gì về việc có thể sử dụng hai hoặc ba quả bom nguyên tử để đối phó lại với tình thế đối địch như vậy”.

Theo Logevall, Bidault từ chối là vì ‘ông ấy biết rõ… rằng nếu như (vũ khí đó) giết vô số quân Việt Minh, thì về cơ bản nó cũng tiêu diệt cả đơn vị (của Pháp) đồn trú’.

Rốt cuộc, Mỹ không có sự can thiệp nào như vậy, và người Anh cũng từ chối tham gia.

Những tuần cuối cùng của trận Điện Biên Phủ diễn ra khốc liệt. Mặt đất trở thành sình lầy khi mùa mưa tới, và binh lính bám víu vào các hố bom và hào trong những điều kiện khắc nghiệt y như trận Verdun năm 1916 trong Thế chiến I.

Ngày 7/5/1954, sau 56 ngày vây hãm, quân đội Pháp bại trận. Về tổng thể, phía Pháp có 1.142 người thiệt mạng, 1.606 người mất tích và khoảng trên dưới 4.500 người bị thương.

Và trong năm nay, với hai lễ kỷ niệm quan trọng khác – 100 năm ngày nổ ra Thế chiến I và 70 năm ngày D-Day (đổ bộ Normandy), chúng ta không thể quên trận chiến đã diễn ra cách đây đúng 60 năm này. Trong lịch sử thực dân, đây là lần duy nhất mà một đội quân châu Âu chuyên nghiệp đã bị đánh bại hoàn toàn trong một trận đánh chính quy.

Cuộc chiến này cũng là dấu chấm hết cho Đế chế Pháp ở Viễn Đông, và truyền cảm hứng cho những chiến sĩ chống thực dân. Cũng không phải ngẫu nhiên mà một vài tuần sau đó, một làn sóng phản kháng bạo lực bùng nổ ở Algeria – khởi đầu một cuộc chiến đẫm máu và đau thương khác kéo dài 8 năm.

Quân đội Pháp tuyệt vọng bám trụ ở Algeria, một phần là muốn gỡ gạc thể diện bị mất sau khi thất trận ở Điện Biên Phủ. Quân đội Pháp bị ám ảnh bởi ý nghĩ này đến mức năm 1958, họ đã hậu thuẫn cho một cuộc nổi dậy chống chính quyền, vì họ nghĩ là chính quyền đang chuẩn bị cho điều mà các tướng lính chỉ trích là ‘ngoại giao Điện Biên Phủ’. Cuộc nổi dậy đã đưa Tướng Charles de Gaulle trở lại và thiết lập nên nền Cộng hòa thứ 5 tại Pháp kéo dài cho tới nay. Do vậy, Điện Biên Phủ vẫn còn sức lan tỏa cho tới bây giờ.

Cũng trong năm 1954, Pháp bắt đầu xây dựng tiềm lực hạt nhân độc lập của riêng mình.

Tuy nhiên, về phía Việt Nam, Điện Biên Phủ mới chỉ là vòng đấu đầu tiên. Còn với người Mỹ - những người từng từ chối tham chiến vào năm 1954 - lại dần dần sa lầy vào cuộc chiến trong suốt những năm 1960 tại Việt Nam.

Lê Thu (theo BBC)