Về mặt khoa học thì lịch sử là tôn trọng sự thật. Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 và cuộc thảm sát Gạc Ma 1988 cần được trả về đúng với sự thật lịch sử. Vì đã là một sự thật lịch sử thì việc công khai nó trên các chương trình học và thậm chí các phương tiện thông tin là hết sức bình thường.

{keywords}
Sự kiện Gạc Ma 1988 là một trang sử bi tráng của dân tộc mà chúng ta không được phép lãng quên.

Về vấn đề này, tướng Lê Kế Lâm (trong một cuộc trò chuyện trực tuyến với VietnamNet), chia sẻ: 

Không rõ lý do vì sao nhưng thực tế đúng là sự kiện Chiến tranh Biên giới tháng 2/1979 và Gạc Ma 14/3/1988 chưa được truyền thông rộng rãi, nhất là nếu so với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Chúng ta hay nói dân tộc phải trải qua cuộc trường chinh 30 năm nhưng với tôi và nhiều nhà quân sự khác, cũng như những người đã từng chứng kiến cuộc chiến 1979, cuộc trường chinh của dân tộc trong thế kỷ XX phải kéo dài đến hơn 40 năm. Bao xương máu đã đổ xuống. Trên biên giới phía Bắc, hang vạn cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh. Rồi trong cuộc thảm sát ngắn ngủi ở Gạc Ma, 64 chiến sĩ đã ngã xuống.

Tôi đề nghị các nhà lãnh đạo xem xét đưa hai sự kiện này vào chính sử để giáo dục cho con em chúng ta hiểu và biết được đất nước chúng ta còn trải qua hai cuộc chiến đấu khốc liệt. Không một lí do gì mà chúng ta quên công lao, quên xương máu của những người đã ngã xuống vì bảo vệ từng tấc đất biên cương, từng hòn đảo của Tổ quốc.

Chúng ta cũng phải nói rõ cho nhân dân Trung Quốc biết. Tôi tin có nhiều người dân Trung Quốc lương thiện, chính trực cũng không đồng tình với việc làm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc năm 1979 và 1988.

Thứ hai, tôi đề nghị ngày 17/2 và ngày 14/3 phải là ngày kỷ niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì đất nước. Như vậy mới xứng đáng và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cả nước. Đây đó từng có ý kiến là những ngày kỷ niệm đó nói lên nợ máu của Trung Quốc đối với Việt Nam và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc. Tôi cho rằng ý kiến đó mới chỉ nhìn một phía phiến diện. Bởi chúng ta vẫn nói nhiều về cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ nhưng điều đó đâu ảnh hưởng đến hữu hảo hiện tại với nhân dân Pháp và Mỹ?

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn chúng ta, chúng ta chống thực dân Pháp, Mỹ nhưng không chống nhân dân những nước này. Trong hai cuộc kháng chiến đó, bao nhiêu người Pháp, người Mỹ đã xuống đường đấu tranh cho Việt Nam. Nhân dân Trung Quốc cũng vậy. Những người hiểu biết và chính trực họ sẽ phản đối những nhà lãnh đạo Trung Quốc có tham vọng bành trướng và bá quyền, có tham vọng muốn biến biển Đông thành ra ao nhà của họ.

Một minh chứng rõ ràng là ông Lý Lệnh Hoa, một nhà sử học Trung Quốc đã lên tiếng công khai phản đối đường lưỡi bò. Và còn nhiều ông Lý Lệnh Hoa khác.

Bởi vậy, chúng ta kỷ niệm những ngày này để tôn vinh tinh thần tự hào dân tộc, để mỗi người dân ghi nhớ mà đoàn kết lại với nhau. Nhưng chúng ta không bài Hoa, không chống nhân dân Trung Quốc. Việt Nam luôn luôn bắt tay hữu nghị và làm ăn với Trung Quốc.

Trước việc tàu chiến Trung Quốc xâm nhập vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, tháng 3/1988 Việt Nam thực hiện chiến dịch CQ-88, cử các tàu vận tải HQ-604, 605, 505 cùng công binh ra cắm cờ tại cụm đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao (có tên trên bản đồ Việt Nam).

Sáng 14/3, khi bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma thì Trung Quốc đưa nhiều tàu hộ vệ tên lửa đến ngăn cản. Lính Trung Quốc mang vũ khí xông lên đảo cướp cờ, xả súng giết hại các chiến sĩ, bắn chìm tàu HQ 604.

Tại Cô Lin, bị Trung Quốc tấn công, thuyền trưởng cho tàu HQ 505 lao thẳng lên đảo, thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền.

Tại Len Đảo, HQ 605 bị tàu Trung Quốc bắn cháy và chìm vào sáng 15/3/1988.

Sau trận đụng độ, 64 chiến sĩ hy sinh, 9 người khác bị bắt làm tù binh. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đảo, còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ đó.

Mỹ Hoà

Ảnh: Thu Hà