Với tính gọn nhẹ, độ chính xác cao, dễ sử dụng, cơ động nhanh, khả năng tàng hình tốt và tiến công bất ngờ, giá thành thấp, TLPK vác vai không chỉ dùng để tiêu diệt các máy bay tầm thấp và rất thấp, mà còn đảm nhiệm vai trò giao chiến với nhiều vũ khí trang bị công nghệ cao như tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái, bom, đạn có điều khiển...

TLPK vác vai có quá trình hơn 70 năm phát triển với ba thế hệ.

{keywords}
SA-7 là hệ thống tên lửa vác vai rất phổ biến trên chiến trường. Ảnh: Word Press

Những tên lửa thế hệ đầu tiên có Redeye (Mỹ), SA-7 (Liên Xô), Blowpipe (Anh)…, đều sử dụng đầu dẫn hồng ngoại không làm lạnh, độ nhạy thấp, bay với tốc độ thấp, uy lực sát thương kém và chỉ có thể bám theo nguồn nhiệt phát ra từ máy bay, không có khả năng bắn đón, chủ yếu dùng để chống các mục tiêu bay thấp với vận tốc khoảng 900 km/giờ, đầu dẫn không lọc được nhiễu hồng ngoại nên dễ bị đánh lừa.

Kiểu TLPK vác vai đầu tiên trên thế giới là Redeye của Mỹ, bắt đầu nghiên cứu từ năm 1949, năm 1954 bắt đầu sản xuất loạt nhỏ, năm 1956 đưa vào sản xuất lớn và trang bị cho lục quân và hải quân đánh bộ Mỹ. Không lâu sau, các nước khác cũng bắt đầu nghiên cứu phát triển loại TLPK gọn nhẹ cơ động cao, thời gian phản ứng nhanh, có khả năng sống còn tốt, sử dụng đơn giản thuận tiện.

Tháng 8/1969, trong chiến tranh Trung Đông lần 3, lần đầu tiên quân đội Ai Cập sử dụng tên lửa SA-7 đã bắn rơi 6/10 chiếc máy bay của Israel ở khu vực kênh đào Suez. Đến chiến tranh Trung Đông lần 4 (1973), không quân Israel áp dụng các biện pháp đối phó có hiệu quả, các nước Ả-rập đã bắn 4.356 tên lửa SA-7 mà chỉ tiêu diệt được 6 máy bay của Israel.

Thế hệ TLPK vác vai thứ hai được phát triển từ đầu những năm 1970, đến đầu những năm 1980 đưa vào sử dụng, như Stinger (Mỹ), SA-14 và SA-16 (Liên Xô). Do được trang bị thêm hệ thống nhận biết “địch- ta”, đầu tìm hồng ngoại tương đối tiên tiến, sensor làm lạnh có khả năng tác chiến toàn phương vị, nên đến nay loại tên lửa này vẫn còn trong trang bị của quân đội nhiều nước trên thế giới.

{keywords}
Stinger RMP được coi là vũ khí phòng không tầm ngắn lợi hại của quân đội Mỹ. Ảnh: wearethemighty.com

TLPK vác vai thế hệ 3 ra đời những năm 1990, tiêu biểu có Stinger RMP của Mỹ và Mistral của Pháp. Đặc trưng của tên lửa thế hệ này là được dẫn bằng tạo ảnh hồng ngoại, nên không chỉ có khả năng trinh sát phát hiện và bám đuổi mục tiêu mà còn có khả năng ghi nhớ các đặc trưng dáng ngoài của mục tiêu, khả năng chống nhiễu tương đối mạnh, được lắp đầu tìm đa chức năng, hoạt động đồng thời ở giải hồng ngoại và tử ngoại. Đạn “con mồi” hồng ngoại cũ không còn tác dụng đối với nó, vì bộ truyền cảm của tên lửa này có thể nhận biết được đặc trưng tín hiệu hồng ngoại của con mồi, nhận biết được tốc độ bị giảm dần và lao xuống đất của con mồi - nhờ đó mà nâng cao xác suất trúng.

Đến cuối những năm 1990, nhiều nước trên thế giới chủ yếu là Mỹ, Nga, Anh, Pháp đã sản xuất trên 800.000 hệ thống TLPK, trong đó loại TLPK vác vai là 470.000 quả. Trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, cùng với pháo phòng không, hệ thống tên lửa vác vai đã đánh chặn trên 40 tên lửa hành trình. Trong cuộc chiến 78 ngày đêm năm 1999, lực lượng phòng không Nam Tư bắn 106 TLPK vác vai và cùng với pháo phòng không đã bắn hạ 1 máy bay F-117A, 1 máy F-16, cản phá 238 tên lửa hành trình của Mỹ.

Ngày nay, TLPK vác vai thế hệ 4 đang được phát triển theo xu hướng “thông minh hóa” với tính năng tiên tiến hơn, có khả năng bắn ở tất cả các hướng, tất cả các góc. Đầu tìm của loại hệ thống tên lửa này có thể tiếp nhận dữ liệu điều khiển của mục tiêu bằng các cảm biến bên ngoài.

Theo các chuyên gia khoa học và công nghệ quân sự trên thế giới, những xu hướng và yêu cầu chính phát triển TLPK vác vai hiện nay gồm:

Một là, giảm rủi ro cho các xạ thủ cả về thời gian bộc lộ trong quá trình tìm, bắt và bắn vào mục tiêu cũng như giảm dấu hiệu của tên lửa khi bắn.

Hai là, cải thiện khả năng nhận biết “địch-ta”, đặc biệt nâng cao độ tin cậy để chúng có thể tác chiến với mục tiêu trên không ngoài tầm quan sát.

Ba là, tăng cường hơn nữa tính cơ động chiến thuật và chiến lược; cần có các hệ thống nhỏ, gọn nhẹ, khả năng cao hơn để đối phó với số lượng ngày càng tăng các phương tiện tiến công đường không đơn giản, rẻ tiền và những phương tiện tinh vi phức tạp được trang bị nhiều biện pháp đối phó hiệu quả, như máy bay trực thăng, phương tiện bay không người lái, tên lửa hành trình..

Bốn là, mô-đun hóa kết cấu để tăng tính kinh tế đối với cả khâu mua sắm và huấn luyện xạ thủ sử dụng tên lửa.

Nguyên Phong

Video người Ukraine chế 'nhím gai' ngăn xe tăng Nga

Video người Ukraine chế 'nhím gai' ngăn xe tăng Nga

Khi quân Nga khép chặt vòng vây Kiev, người dân tại thủ đô Ukraine gấp rút chế tạo "nhím gai" nhằm chặn đường tiến của xe tăng đối địch.