Thói quen tỳ phanh: vô hại hay có hại?
Trao đổi với Xe VietNamNet, anh Vũ Duy Hoàng (29 tuổi, Uông Bí, Quảng Ninh)- một chủ xe gặp rắc rối cứng phanh trên Honda CR-V cho biết cảm thấy khó hiểu với lời khuyên không nên tỳ nhẹ chân phanh trong lúc bật cruise control (tính năng rảnh chân ga) từ công ty Honda Việt Nam.
Anh Hoàng nói: “Tôi có bằng từ năm 2011 và bắt đầu chạy xe nhà là Toyota Camry 2008. Sau có dùng qua các xe Lexus ES350, Mercedes-Benz GLK, Lexus GX470, Ford Ranger Wildtrak, Toyota Land Cruiser 2018. Các xe đều có cruise control và thói quen lái của tôi là cứ rời chân ga là chuyển sang để hờ phanh như một cẩn tắc đề phòng. Chưa có chiếc xe nào gặp vấn đề như chiếc Honda CR-V”.
Theo anh Hoàng, khi lái xe và chân tỳ nhẹ phanh, anh mới cảm thấy tự tin xử lý mọi tình huống khẩn cấp trên đường.
Chiếc Honda CR-V của anh Hoàng đã 4 lần xảy ra hiện tượng báo lỗi khi dùng cruise control |
Cùng quan điểm với anh Hoàng, chủ xe Hoàng Đăng Tùng (25 tuổi, Phường 1, Đông Hà, Quảng Trị), người đã phản ánh hiện tượng khó đạp phanh trên Honda CR-V của mình hồi đầu tháng 6 cũng cho rằng, việc tỳ phanh là thói quen dễ hiểu khi cầm lái. Bất cứ ai lái xe cũng đều có tâm lý đề phòng mọi tình huống bất ngờ trong giao thông.
Chia sẻ với Xe VietNamNet, anh Nguyễn Xuân Đạt, một giáo viên dạy lái xe ở Bắc Ninh nhận định việc đặt chân lên bàn đạp phanh với lực nhẹ là hoàn toàn vô hại, thường thấy ở lái mới, kể cả lái lâu năm cũng thường có thói quen này.
“Điều này dễ hiểu vì giao thông ở Việt Nam không hề đơn giản, ý thức lái xe kém, thói quen điền chỗ trống xảy ra như cơm bữa”, anh Đạt nói.
Tuy nhiên, theo thầy giáo dạy lái xe này, lái xe nếu tỳ chân lên bàn đạp phanh lâu sẽ dễ gây mỏi vì vị trí này thường cao hơn sàn tới 20cm. Thay vào đó, người lái có thể đặt chân xuống sàn ở tư thế dễ dàng xoay trở đạp phanh hoặc ga.
Anh Đạt cho rằng cruise control rất tiện lợi nhưng không nên dùng ở khu vực có nhiều đường giao cắt, khu dân cư.
Tỳ nhẹ phanh khi đang dùng cruise control là thói quen của không ít người |
Nghi vấn cắt giảm ACC
Trong khi đó, anh Phạm Mạnh Lân, huấn luyện viên đua xe Gokart ở Tp.HCM bày tỏ sự ngạc nhiên trước các thông tin Honda Việt Nam giải thích cho người dùng về hiện tượng cứng phanh ở Honda CR-V.
Anh dẫn lại trích đoạn thông báo của hãng cho hay: “Khi cảm biến vấn đề bất thường với hệ thống trợ lực phanh hoạt động, hệ thống trợ lực phanh sẽ chuyển đổi sang một hệ thống thay thế nhằm đảm bảo an toàn. Trong trường hợp đó, khách hàng sẽ có cảm giác không thoải mái khi đạp phanh”.
Phân tích điểm này, anh Lân cho biết, hệ thống phanh trên xe hơi ngày nay đều cần trợ lực, không trợ lực điện thì bằng cơ khí dùng khí thải từ động cơ. “Khi cần phải giảm tốc mà xe tự động vô hiệu hệ thống phanh mà thay bằng hệ thống khác để đảm bảo an toàn thì hệ thống đó là hệ thống nào?” anh Lân đặt dấu hỏi.
Anh Phạm Mạnh Lân đã kỳ công lục tìm tài liệu và đưa ra nhận định rằng hệ thống cruise control trên Honda CR-V mới bán tại Việt Nam đã bị thay đổi so với phiên bản ở Thái Lan, nơi nhập xe.
Anh Lân chia sẻ: “Honda CR-V gốc ở Thái Lan được trang bị Adaptive Cruise Control (ACC- một tính năng ga hành trình chủ động cao cấp hơn Cruise Control – PV) tích hợp trong một gói các thiết bị an toàn mà Honda gọi là Honda Sensing Package. Khi về Việt Nam, hệ thống ACC không còn nguyên vẹn dẫn tới chỉ còn tính năng rảnh chân ga bình thường. Qua việc một số xe nghi lỗi được cài lại ECU đã hoạt động bình thường thì có thể nhận định nhà nhập khẩu đã không điều chỉnh phần mềm cho tương thích với thay đổi cắt giảm trang bị, dẫn đến một số sự cố như khách hàng phản ánh”.
Khi gặp lỗi, màn hình tap-lô trên xe Honda CR-V 2018 nổi các đèn cảnh báo |
Hiện nay, với những chủ xe đã được cài lại ECU như trường hợp anh Hoàng Đăng Tùng, bước đầu chạy thử với cruise control chưa lặp lại hiện tượng cũ.
Tuy nhiên, anh Tùng và nhiều khách hàng dùng Honda CR-V bày tỏ, tạm thời không dùng tính năng cruise control nữa và đồng loạt kiến nghị hãng phải có động thái rà soát toàn bộ xe trong diện nghi vấn để tiến hành cài đặt lại phần mềm.
“Với số lượng Honda CR-V mới đã tiêu thụ tới con số hàng ngàn chiếc, không phải ai cũng dùng internet để cập nhật thông tin. Còn nhiều trường hợp cho mượn, thuê xe hay người mới lái, nếu không quen xử lý tình huống mất trợ lực phanh thì sẽ là mối nguy không nhỏ”, anh Cao Việt Dũng (44 tuổi, phường Ô Chợ Dừa, Q.Đống Đa, Hà Nội) cho hay.
Theo các kỹ sư ô tô, Cruise Control là hệ thống tự động giúp duy trì tốc độ cố định của xe ô tô trên một chặng đường dài, nhằm giúp người lái thư giãn, tiết kiệm nhiên liệu, thường được gọi là rảnh chân ga. Công nghệ ACC là sự nâng cấp từ tính năng ga tự động này. Thông thường, chế độ Cruise Control sẽ tự động ngắt nếu như có tín hiệu từ bàn đạp phanh, bàn đạp ga, bàn đạp côn (xe số sàn) hoặc nút ngắt CNL (trang bị trên một số dòng xe hiện đại). Trong khi đó, chế độ ACC được trang bị thêm một rada phía trước xe nhằm quét khoảng cách và xác định vật cản. Sau khi người lái cài đặt khoảng cách thích hợp, xe ô tô sẽ luôn luôn giữ khoảng cách an toàn với xe trước. Ga hành trình chủ động còn kết hợp với những hệ thống an toàn như: cảnh báo va chạm, phanh chống bó cứng ABS, hệ thống cân bằng điện tử ESP,… để nâng cao khả năng vận hành trong điều kiện an toàn. |
Đình Quý
Honda Việt Nam lý giải nguyên nhân xe CR-V cứng chân phanh
Hiện tượng bị cứng chân phanh khi chạy Cruise Control trên xe Honda CR-V là lái xe đã vô tình kích hoạt cảm biến vấn đề bất thường đối với hệ thống trợ lực phanh khi đạp nhẹ phanh liên tục trong quá trình lái.