Tại Myanmar, giá xe đắt hơn cả Việt Nam; đa số xe ô tô là xe cũ và thô sơ; tuy cho phép lưu thông cả tay lái nghịch và tay lái thuận nhưng ý thức tham gia giao thông của người dân Myanmar rất tốt…

Xe tải …chở khách

Giao thông ở Myanmar nói chung và Yangon nói riêng thường mang lại một ấn tượng lớn trong lòng du khách. Các số liệu thống kê cho thấy số xe đăng ký ở Myanmar tính đến tháng 11/2012 đã đạt 3,6 triệu chiếc, trong đó có 3,1 triệu chiếc xe máy, 308.983 chiếc xe du lịch, 69.953 chiếc xe tải, 19.440 chiếc xe buýt.

{keywords}
Xe tải - phương tiện vận chuyển hành khách chủ yếu ở Myanmar

Tại Yangon (thủ đô cũ và là thành phố lớn nhất của Myanmar), chính quyền thành phố cấm xe máy lưu thông đã được hơn 5 năm và người dân nghiêm chỉnh chấp hành lệnh cấm để giảm mật độ giao thông, đảm bảo an toàn cho khách du lịch.

Vì vậy, ô tô là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân. Tuy nhiên, ô tô ở đây cũ nát và phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân là những chiếc xe tải có thùng với những mảnh gỗ dài gác 2 bên thùng xe để làm ghế, mỗi hàng ghế ngồi tới 7 người.

Trước năm 2009, Myanmar cấm nhập khẩu ô tô nên đa số xe hơi tại nước này đều là xe cũ và rất cũ, chủ yếu xuất xứ từ Nhật Bản từ các thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, thậm chí có nhiều xe thập niên 50, 60. Chỉ từ năm 2010 trở lại đây, các công ty tư nhân được phép nhập khẩu xe, giúp cho chủng loại, chất lượng xe tại Myanmar đa dạng hơn.

{keywords}
Khá nhiều xe máy tại Mandalay

Mặc dù xe cũ vẫn áp đảo nhưng không hề có khói nhờ chuyển sang chạy bằng gas. Thương hiệu ô tô cũng đủ loại, từ Honda, Toyota, Mitsubishi…, cứ có xe 4 bánh là chạy. Đặc biệt, Myanmar cho phép cả xe tay lái nghịch và tay lái thuận lưu thông trên đường nhưng dù tay lái nghịch hay thuận thì lái xe tham gia theo Luật quốc tế (tay lái thuận), một cách rất trật tự, nhường nhau, rẽ trái rẽ phải đều quan sát kỹ càng…

Khác với Yangon, thành phố lớn thứ hai Mandalay khá đa dạng về chủng loại, chất lượng xe hơi, và đặc biệt nơi đây rất nhiều xe đạp, xe máy. Sự phát triển của xe máy ở đây góp phần đẩy thị trường xe hai bánh ở Myanmar bùng nổ với hơn 3 triệu chiếc từ chỉ khoảng 600 nghìn chiếc năm 2007.

Giá xe đắt hơn cả Việt Nam

Do các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt cao nên giá xe tại Việt Nam nói chung đang cao gấp 2,5-3 lần so với giá thế giới. Tuy nhiên giá xe tại Myanmar còn cao gấp rưỡi, gấp đôi so với Việt Nam.

{keywords}
Giá xe đắt gấp rưỡi, gấp đôi tại Việt Nam

Xe mang thương hiệu Toyota chiếm ưu thế tuyệt đối tại Myanmar, kế đến là Honda, Mitsubishi…Tham khảo trên một số website chuyên mua bán xe hơi ở Myanmar như http://www.myanmarcarmarket.com/ , http://mmcarmart.com/, giá một chiếc Toyota RAV4 đời 2001 đi được 11 vạn km là 14,5 triệu kyat, tương đương 16.500 USD.

Trong khi đó, một chiếc Toyota Camry đời 2006 màu đen, động cơ xăng 2,4 lít, tay lái bên phải, đi được 10 vạn km có giá 34,2 triệu kyat, tương đương gần 39.000 USD; 600 Hyundai Genesis 3 cửa đời 2010, đi được 21 vạn km, màu trắng giá tương đương 51.000 USD. Một chiếc Toyota Altis đời 2008 giá 42.000 USD…

Dàn siêu xe hùng hậu

Dù giá xe đắt đỏ và thu nhập bình quân của người dân rất thấp nhưng số lượng siêu xe, xe sang tại Myanmar khiến giới mê xe phải bất ngờ.

{keywords}
Siêu xe Lamborghini

Tại đây có khá đầy đủ các siêu xe, xe sang đình đám thế giới như Ferrari, Audi R8, Nissan GT-R, Mercedes-Benz SL-Class, Lamborghini, Ford Mustang, Rolls-Royce Phantom, Bentley Arnage, hay cả những hàng hiếm như Lexus LFA và đặc biệt là siêu xe Bugatti Veyron sử dụng trọn bộ body-kit làm từ hợp chất sợi các bon thương hiệu Linea Vincero của hãng xe độ nổi tiếng Mansory.

{keywords}
Siêu xe Bugatti Veyron độ tại Myanmar

300 nhà máy hay gara ô tô?

Tới nay chưa có số liệu nào công bố về số lượng nhà máy sản xuất ô tô tại Myanmar dù nơi đây có sự hiện diện của một số thương hiệu ô tô lớn như Toyota, Isuzu tới từ Nhật Bản, Chery của Trung Quốc, Tata của Ấn Độ.

{keywords}
Một xưởng dịch vụ ô tô tại Myanmar

Theo nhiều người đã tới Myanmar, khó có thể có con số 300 nhà máy sản xuất ô tô như một số nguồn thông tin đưa ra. Điều này cũng không khó hiểu khi đất nước này chủ yếu sử dụng xe cũ, trong khi doanh số của các hãng xe nước ngoài tại đây rất thấp, chỉ tính bằng một vài nghìn chiếc/năm, chưa kể Myanmar cũng không phải là nơi xuất khẩu ô tô…

Ngay tại khu công nghiệp Mandalay, con số 30 “nhà máy” tồn tại ở đây được dẫn tới thực tế có tên tiếng Anh là private auto factory – xưởng ô tô tư nhân. Vì thế, khả năng thông tin 300 xưởng sản xuất phụ tùng ô tô hay 300 gara ô tô lớn trên toàn lãnh thổ Myamar sẽ sát với thực tế hơn.

(Theo VnMedia)