- Đoạn clip dài hơn 30 giây ghi lại cảnh một SV bị phạt hít đất trong lớp học vì không thuộc bài ở Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Nhà trường khẳng định đây là bài tập rèn thể lực cần thiết để sinh viên đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng người Nhật.

Theo người chia sẻ video, nếu sinh viên nào không thuộc bài sẽ bị cô giáo phạt chống đẩy, gập bụng. Cảnh quay ở đây là lớp học của những du học sinh chuẩn bị đi Nhật. Nếu sinh viên nào không thuộc bài sẽ bị cô giáo phạt chống đẩy, gập bụng. Như thế thì lần sau, các sinh viên không dám không thuộc bài lại vừa có thể lực tốt.

Sự việc đã gây ra những ý kiến trái chiều. Một số người ủng hộ cô giáo trẻ đưa ra hình phạt này, song cũng có ý kiến cho rằng làm như vậy là không nên vì các sinh viên không phải trẻ con. Bên cạnh đó, có người thắc mắc nếu nữ sinh viên thì có bị phạt chống đẩy không.

Không phải hình phạt?

Sáng 15/9, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Trường ĐH Công nghiệp xung quanh sự việc này.

Phó Trưởng phòng tổ chức hành chính nhà trường-bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, khi nhận thông tin nhà trường đã tiến hành xác minh và khẳng định đoạn clip này diễn ra tại trường. Tuy nhiên “không có chuyện giảng viên bắt phạt sinh viên”.

{keywords}
Hình ảnh cắt ra từ clip.

Bà Vũ Diễm Ngọc, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Công ty TNHH Một thành viên Đào tạo và cung ứng nhân lực (Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) - HaUI là đơn vị trực tiếp quản lí và đào tạo các sinh viên có trong đoạn clip cho biết thêm: “Clip được quay tại lớp 8A vào buổi tối thứ 6 ngày 12/9 vừa qua”.

Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính của HaUI-ông Nguyễn Quang Vinh cho hay: “Đây không phải là hành động bắt phạt của giảng viên. Giảng viên N.T.T người đứng lớp buổi học hôm đó cho biết chị cho sinh viên hít đất giữa buổi học kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ vừa để các em rèn thể chất vừa để giảm căng thẳng trong quá trình học”.

Bà Ngọc cho hay: “Từ năm 2006 trường đã kết hợp với các doanh nghiệp bên Nhật Bản để thường xuyên đào tạo sinh viên có tay nghề chất lượng cao phục vụ nhu cầu của họ. Người Nhật yêu cầu rất tỉ mỉ, tuyển chọn kĩ càng.

Ngoài việc dạy sinh viên kĩ năng giao tiếp, kĩ năng phỏng vấn, học tiếng, thực hành các bài kiểm tra thì yêu cầu thể lực cũng được các doanh nghiệp coi trọng. Trong các phần học chuyên môn, sinh viên sẽ được rèn cả về thể lực”.

“Bài tập hít đất rèn thể lực” như trong clip, theo bà Ngọc “được sự cho phép của công ty, giáo viên yêu cầu sinh viên thực hiện và không có gì ghê gớm cả”.

“Tuy nhiên, từ sự việc clip trên chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, lấy ý kiến người học về việc tổ chức các buổi học rèn luyện thể chất như thế nào, ở đâu cho thích hợp và tạo cảm giác thoải mái nhất” – lời bà Ngọc.

Sự khắt khe của người Nhật

Nói thêm về những yêu cầu gắt gao của người Nhật, ông Vinh chia sẻ: “Tùy vào các đơn đặt hàng mà phía Nhật có yêu cầu khác nhau với sinh viên. Trước hết các em phải đủ chiều cao, cân nặng: từ 1m65 trở lên với nam, 1m50 trở lên với nữ, tuổi từ 19 đến 26, sức khỏe tốt, không mắc các bệnh truyền nhiễm,…

Sau đó ở bài kiểm tra thể lực, có lần họ yêu cầu sinh viên phải chống đẩy, phải chạy, có lần phải thi vác bao tải cát vài chục kg đi quãng đường dài hay nắm bóp cái kiềm để kiểm tra sức khỏe các cơ. Lần thì họ sang yêu cầu sinh viên luồn sợi chỉ qua lỗ kim nhỏ để kiểm tra sự khéo léo”.

Vượt qua vòng tuyển dụng này, sinh viên sẽ phải ăn ở và sinh hoạt 6 tháng tại cơ sở của HaUI với cách quản lí và rèn luyện không khác nhiều so với đời sống quân đội. Sinh viên có quản lí 24/24, sáng đúng 5h30 phải dậy để tập thể dục.

Tiếp đó là các tiết học ngoại ngữ, các kĩ năng khác. Buổi chiều sinh viên tiếp tục học thể lực. Buổi tối đúng 22h mọi người phải lên giường đi ngủ. Sinh viên cũng phải học lại cách gấp chăn màn, quần áo cho vuông vức.

  • Văn Chung