Theo South China Morning Post, khi bắt đầu trở thành một game thủ chuyên nghiệp, Chen Zebin - chàng trai người Trung Quốc - đã bị sốc. Giống nhiều người khác, trước đó anh bị mê hoặc bởi viễn cảnh tương lai rộng mở bằng thu nhập khủng và sự nổi tiếng nhờ thị trường đầy tiềm năng.
Nhưng sau khi chuyển đến Thượng Hải từ Thâm Quyến và gia nhập đội King eSports, tham vọng đó dần nguội lạnh bởi Chen vấp phải một rào cản lớn. Anh không được thi đấu trong suốt 10 tháng.
“Màn trình diễn của tôi không hề thua kém các tuyển thủ khác. Tuy nhiên tôi không được thi đấu vì thiếu kinh nghiệm”, tuyển thủ 22 tuổi nói. Quãng thời gian không được thi đấu khiến Chen Zebin cảm thấy chán nản. Anh trở về nhà và bị khó ngủ.
Dần dần, anh mắc chứng trầm cảm. “Tôi đã rất buồn. Có những lần tôi khóc và không thể dừng lại được”, Chen thừa nhận.
Cuối cùng Chen cũng có cơ hội được thể hiện. Ở tựa game QQ Speed, Chen đã có những màn trình diễn kỹ năng xuất sắc. Đó chính là bước ngoặt. Giờ đây, anh và 9 đồng đội được thi đấu ở nhiều giải khác nhau do Tencent - nhà phát hành QQ Speed - tổ chức.
Hiện tại, Chen đã kiếm được hàng chục nghìn NDT mỗi tháng. Đó là mức thu nhập ổn, nhưng câu chuyện của Chen đã cho người ta thấy rằng cuộc sống không hề dễ dàng trong làng eSports, lĩnh vực có khoảng 350 triệu người hâm mộ ở Trung Quốc.
Những người kiếm được số tiền khổng lồ là rất ít, số còn lại vất vả hơn nhiều. “Nếu bạn không phải là một trong những người giỏi nhất, bạn không thể kiếm được nhiều tiền”, Yang Zhikun - game thủ 22 tuổi ở tựa game sinh tồn PUBG - khẳng định.
Tháng 11/2018, bước ngoặt trong lịch sử eSports Trung Quốc đã đến. Invictus Gaming (IG) đánh bại đại diện của châu Âu Fnatic với tỷ số 3-0 trong trận chung kết để lên ngôi vô địch chung kết thế giới bộ môn Liên Minh Huyền Thoại (LMHT).
IG chính là đội Trung Quốc đầu tiên vô địch giải đấu danh giá này, đồng thời cũng là đội chấm dứt chuỗi thống trị của LMHT Hàn Quốc từ năm 2013.
Chen chứng kiến cảnh tượng IG nâng chiếc cúp lên giữa cơn mưa hoa giấy và sự hò reo của 23.000 người hâm mộ tại sân vận động Munhak ở Incheon (Hàn Quốc). Có đến 100 triệu người trên thế giới xem trực tiếp trận đấu này.
“Tôi choáng ngợp đến nỗi tôi cảm thấy như chính mình đang chơi trận đấu đó vậy”, Chen kể.
Thị trường eSports của Trung Quốc được ước tính có quy mô lên đến 13,8 tỷ NDT (tương đương 2 tỷ USD), tăng 63% so với năm ngoái. Nguồn tiền phần lớn đến từ các nhà tài trợ và đơn vị truyền thông.
Những giấc mơ như vậy được xây dựng bởi các số liệu thống kê. Theo Bộ Tài nguyên và An sinh xã hội Trung Quốc, 86% người làm việc trong ngành eSports, bao gồm các tuyển thủ, huấn luyện viên, nhà phân tích... có tiền lương cao gấp 3 lần bình quân cả nước.
Liu Liu - người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành eSports với tư cách là tuyển thủ, cũng đồng thời là người sáng lập và quản lý của một số đội chuyên nghiệp - cho biết bối cảnh thể thao điện tử đã thay đổi đáng kể.Cũng theo bài báo cáo đó, một số game thủ chuyên nghiệp hàng đầu kiếm được 1 triệu NDT (145.000 USD) mỗi năm.
"Vào năm 2006, khi tôi bắt đầu tham gia các giải thi đấu eSports, nó chỉ được xem là một cuộc thi cá nhân chứ không phải nghề nghiệp", anh nói.
Trước khi các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc và công ty Internet bắt đầu bơm tiền vào lĩnh vực này, người chơi phải sống trong các tầng hầm, nhà ở cho thuê giá thấp, luyện tập hàng ngày trong các quán cà phê Internet.
Nhưng khoảng 5 năm trước, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Một số nền tảng phát trực tiếp cho các trò chơi trực tuyến, bao gồm Douyu và Huya, đã xuất hiện ở Trung Quốc, giúp game thủ thu hút hàng triệu người hâm mộ khi livestream.
Các nền tảng phát trực tiếp bắt đầu lao vào cuộc đua giành chữ ký của các tuyển thủ. Trong quá trình đó, họ dần tăng mức đãi ngộ dành cho các game thủ chuyên nghiệp.
Chẳng hạn, đội Liu Liu đã mua một tuyển thủ tên Mlxg vào đầu năm 2014 với giá 300.000 NDT (43.600 USD). Sáu tháng sau, Mlxg gia nhập Royal Never Give Up với giá 5 triệu NDT (727.000 USD).
Tuy nhiên, những người quyết định theo đuổi con đường game thủ chuyên nghiệp cần nhìn vào một thực tế. Đó là có hơn 100.000 tuyển thủ trên cả nước Trung Quốc. Esports không phải là bức tranh màu hồng, nó có sự cạnh tranh khốc liệt và khiến người ta mệt mỏi.
Chen là trường hợp điển hình. Anh nhận được sự khích lệ từ bạn bè khi dễ dàng đánh bại họ khi chơi game ở nhà. Do đó, anh đưa ra một quyết định quan trọng của cuộc đời. Đó là chuyển đến Thượng Hải, nơi tập trung hầu hết đội tuyển eSports của Trung Quốc.
Khi gia nhập team King eSports, Chen dành mỗi ngày 12 tiếng để tập luyện. “Những gì tôi quan tâm là kết quả. Tôi không bao giờ nói với người khác rằng tôi đã luyện tập chăm chỉ như thế nào ngoài việc muốn họ nhìn vào thành tích của tôi”, Chen nói.
Sau đó, Chen trở thành tuyển thủ quan trọng của team King eSports. Anh được thi đấu thường xuyên và có thể kiếm được 20.000 NDT (2.900 USD) mỗi tháng từ tiền lương và thưởng. Con số đó cao gấp đôi mức lương trung bình hàng tháng năm 2018 của Thượng Hải, một trong những thành phố đắt đỏ nhất Trung Quốc.
Sau gần một năm chỉ ngồi dự bị, Chen có cơ hội thể hiện khả năng của mình tại một giải đấu. Anh đã chơi rất tốt, và rồi thoát khỏi cơn ác mộng mang tên trầm cảm. “Khi bạn đủ mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, để mọi người phải tôn trọng bạn, mọi thứ sẽ ổn”, Chen chia sẻ khi được thể hiện.
Tuy nhiên, con số Chen có được không phải là mức chung dành cho các tuyển thủ. Chỉ những người chơi giỏi nhất mới chạm ngưỡng 10.000 NDT mỗi tháng. Một số tuyển thủ với những tố chất đặc biệt sẽ có thể kiếm được gấp 2, 3 lần các đồng đội.
Số còn lại, thu nhập của họ chỉ từ 2.000-3.000 NDT. Nếu không đủ sự nỗ lực, bạn sẽ không thể trang trải cuộc sống từ những đồng lương ít ỏi đó.
"Giấc mơ của mọi tuyển thủ chuyên nghiệp là vô địch, không ai nhớ đến những kẻ về nhì", Yang Zhikun nói. Những game thủ chuyên nghiệp luyện tập bất kể ngày đêm, họ hy sinh cả quỹ thời gian cá nhân và sức khỏe của mình để trở thành nhà vô địch.
Yang chia sẻ rằng vì áp lực trước một giải đấu, anh không quan tâm đến bản thân và mắc bệnh tiểu đường. Tuyển thủ này đổ lỗi cho căn bệnh đã làm an thất bại trong thi đấu.
Việc tập luyện với cường độ cao khiến tuổi nghề của các tuyển thủ trở nên rất ngắn. Liu chia sẻ rằng độ tuổi tuyệt vời nhất của người chơi chuyên nghiệp là 18-22, khi sức khỏe và sự nhanh nhạy còn ở mức cao nhất.
"Một khi thất bại trong việc duy trì phong độ, bạn sẽ phải bị thay thế. Điều này rất tàn nhẫn nhưng nó chính là quy luật sinh tồn trong ngành eSports", Yang nói. Trong khi đó, Yang Zhikun, người bỏ học đại học ở năm thứ 2 để thi đấu chuyên nghiệp, đưa ra lời khuyên cho thế hệ đi sau rằng phải suy nghĩ thật kỹ khi bước chân vào con đường này.
Những người thật sự tài năng và đam mê như Liu có thể tiếp tục gắn bó với eSports bằng việc quản lý và huấn luyện. Nhưng số còn lại thường không biết làm gì sau khi giải nghệ.
Rõ ràng, để gắn bó với ngành công nghiệp eSports đầy tiềm năng, những người trẻ cần nhiều yếu tố hơn là việc chơi game giỏi. Họ cần phải chuẩn bị tâm lý để đối mặt với những khó khăn, rủi ro mà thể thao điện tử mang lại. Và hơn hết, họ cần xác định được tương lai của mình sẽ đi về đâu nếu không còn thi đấu.