Những lời dối trá của hai gián điệp Iraq là tâm điểm của cáo buộc Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), cái cớ đã khiến Mỹ và liên quân dấn vào cuộc chiến tại đất nước Vùng Vịnh năm 2003.
TIN BÀI KHÁC:
Những ảnh hiếm về chiến tranh liên Triều
Những phi cơ Không lực Mỹ không muốn bị chụp gần
Cuộc chiến Iraq đã được Mỹ và liên quân tiến hành dựa trên cái cớ sai sự thật |
Sáu tháng trước cuộc chiến, Thủ tướng Anh khi đó, Tony Blair, đã cảnh báo về mối đe dọa từ WMD của Saddam Hussein. Cùng ngày, 24/9/2002, Chính phủ Anh công bố hồ sơ gây tranh cãi về WMD của lãnh đạo Iraq thời đó. Nhằm thuyết phục công luận, hồ sơ này đăng kèm lời tựa của chính ông Blair, đảm bảo với độc giả rằng "chắc chắn" Saddam Hussein vẫn tiếp tục sản xuất WMD.
Nhưng thực tế không hề "chắc chắn" mà có rất nhiều nghi ngờ. Thông tin tình
báo nguyên bản từ MI6 và các cơ quan tình báo khác mà hồ sơ căn cứ vào đều đã
nêu rõ điều đó và việc loại bỏ ý kiến này đã gắn cho hồ sơ một sự khẳng định
không hề được đảm bảo.
Hai gián điệp lừa đảo
Hầu hết các thông tin tình báo chủ chốt mà Phố Downing và Nhà Trắng sử dụng đều là bịa đặt và dối trá. Như tướng Mike Jackson, khi đó là chỉ huy quân đội Mỹ, nói: "Những gì có vẻ quý giá về thông tin tình báo hóa ra chỉ là trò hề, bởi vì nó trông giống như vàng nhưng lại không phải thế".
Bên cạnh đó còn có một thông tin khác nhưng ít gây hoang mang hơn. Lord
Butler, người mà sau cuộc chiến Iraq đã tiến hành cuộc điều tra đầu tiên của
chính phủ về vấn đề tình báo WMD, nhận xét rằng ông Blair và cộng đồng tình báo
đã "tự lừa phỉnh mình".
Nhưng cả Lord Butler và ông Mike đều nhất trí Blair không dối trá bởi vì họ cho
rằng Thủ tướng Anh thực sự đã tin rằng Saddam Hussein có WMD.
Lord Butler cho biết ông không hay biết về thông tin tình báo nào đó rằng Saddam Hussein không có WMD. |
Nhân vật khét tiếng đã lừa cả thế giới là Rafid Ahmed Alwan al-Janabi, một kẻ đào tẩu khỏi Iraq. Những câu chuyện bịa đặt và những lời dối trá của ông ta là một phần quan trọng trong thông tin tình báo được dùng để phát động chiến tranh Iraq, một trong những cuộc chiến gây chia rẽ nhất trong lịch sử gần đây. Và chúng đã góp phần vào một trong những thất bại tình báo lớn nhất từ trước đến nay.
Janabi được biết đến là Curveball, mật danh do tình báo Mỹ đặt. Ông ta xuất hiện như một kẻ tìm nơi trú ẩn tại một trung tâm tị nạn ở Đức năm 1999 và tự nhận là một kỹ sư hóa học nên nhận được sự chú ý của cơ quan tình báo Đức BND. Janabi tuyên bố đã tận mắt thấy nhiều phòng thí nghiệm sinh học di động trên những chiếc xe tải. Người Đức đã nghi ngờ những lời này và chia sẻ với người Mỹ và người Anh. MI6 cũng ngờ vực và họ đã bày tỏ trong một bức điện mật gửi cho CIA: "Các yếu tố hành vi [của ông ta] khiến chúng tôi ấn tượng là điển hình của các cá nhân mà chúng ta vẫn thường xem như những kẻ bịa đặt [nhưng chúng tôi] có xu hướng tin rằng một phần quan trọng trong báo cáo [của Curveball] là thật".
Người Anh quyết định bám lấy Curveball, và người Mỹ cũng vậy. Sau đó, ông này
thừa nhận mình là một kẻ bịa đặt và dối trá.
Sự hợp tác từ một gián điệp khác dường như cũng góp phần lừa cả thế giới. Đó là
một sĩ quan tình báo, thiếu tá Muhammad Harith, người tuyên bố rằng việc phát
triển các phòng thí nghiệm sinh học di động là ý tưởng của chính ông ta. Nhân
vật này còn tự nhận đã ra lệnh lắp đặt các phòng thí nghiệm này trên 7 xe tải
Renault. Harith đã tìm đường sang Jordan và sau đó tiết lộ thông tin cho người
Mỹ.
Muhammad Harith dường như đã chế ra câu chuyện của mình bởi vì ông ta muốn
một nơi ở mới. Tuy nhiên, 10 tháng trước cuộc chiến Iraq, những gì ông ta nói đã
được khẳng định chỉ là bịa.
Sự thật bị loại bỏ
Nhưng không phải tất cả các thông tin tình báo đều sai sự thật. Từ trước khi cuộc chiến bắt đầu, hai nguồn cấp cao của Iraq đều cho rằng lãnh đạo của họ không hề có WMD.
Nguồn của CIA là Ngoại trưởng Iraq Naji Sabri. Cựu thành viên CIA Bill Murray - người khi đó làm giám đốc trụ sở CIA ở Paris - đã gặp gỡ ông Sabri qua trung gian, một phóng viên Ảrập. Murray đã đưa ra một danh sách các câu hỏi và gửi cho vị Ngoại trưởng Iraq, với WMD được nêu đầu tiên. Người trung gian đã gặp Naji Sabri ở New York vào tháng 9/2002 khi ông chuẩn bị phát biểu tại Liên Hợp Quốc - 6 tháng trước khi cuộc chiến bắt đầu và chỉ một tuần trước khi hồ sơ của Anh được công bố.
Bill Murray nói thông tin "tình báo tốt nhất" đã không được sử dụng. |
Murray cho hay, kết luận được đưa ra Saddam Hussein "có vũ khí hóa học còn lại từ đầu thập niên 1990, [và] đã giao chúng cho các bộ tộc trung thành với ông ta. [Ông ta] đã dự định có các vũ khí hủy diệt hàng loạt - hóa học, sinh học và hạt nhân - nhưng lúc này ông ta hầu như không có gì cả".
Nguồn tin cấp cao thứ 2 là giám đốc tình báo Iraq Tahir Jalil Habbush Al-Tikriti. Một sĩ quan MI6 đã gặp gỡ ông này ở Jordan vào tháng 1/2003 - hai tháng trước cuộc chiến. Habbush được cho là muốn đàm phán một thỏa thuận ngăn chặn cuộc chiến tranh sắp xảy ra. Ông này cũng khẳng định Saddam Hussein không có WMD hoạt động.
Nhưng thật ngạc nhiên, Lord Butler - người khẳng định rằng người Anh "có quyền" cảm thấy bị lừa đảo bởi Thủ tướng của họ - chỉ hay biết về thông tin từ Habbush sau khi báo cáo của ông được công bố.
"Tôi không thể giải thích điều đó", ông Butler nói. "Đây là điều tôi nghĩ đánh giá của chúng tôi đã bỏ qua. Nhưng khi chúng tôi hỏi về nó thì chúng tôi được bảo rằng đó không phải là một thực tế quan trọng, bởi vì SIS [MI6] coi đó là điều mà Saddam bịa ra để lừa đảo".
Lord Butler nói thêm rằng ông không hay biết gì về thông tin do Naji Sabri cung cấp.
Cựu thành viên CIA Bill Murray không hài lòng với cách thức mà thông tin tình
báo từ hai nguồn cấp cao kể trên được sử dụng. "Tôi nghĩ chúng tôi có lẽ đã đưa ra
thông tin tình báo tốt nhất so với bất cứ ai vào thời điểm trước chiến tranh, và
tất cả hóa ra là sự thật. Nhưng thông tin đó không được sử dụng và đã bị loại
bỏ".
Thanh Hảo (Theo BBC)