Thật sự Hatsune Miku là ai?

Hatsune Miku theo tiếng Nhật có nghĩa là “Âm nhạc của tương lai”. Miku là đứa con của công nghệ và cú làm ăn lịch sử của Hãng Crypton Future Media (CFM). Ban đầu Miku chỉ là mô hình 3D được Yamaha tạo bằng máy tính với phần mềm có tên là Vocaloid, được diễn hoạt và ghi hình lại từ trước. Sau đó Hãng CFM đánh hơi thấy đây là một thương vụ ăn nên làm ra nên từ 2004 quyết định hợp tác với Yamaha để nâng cấp Vocaloid lên phiên bản 2.0 có nhiều đột phá: tạo hình cho ca sĩ ảo để xây dựng nhân vật có đời sống riêng bằng công nghệ tái hiện hình ảnh lập thể 3 chiều (hologram), một kiểu “giọng hát đóng gói” theo đó ai cũng có thể sáng tác nhạc và đưa cho Miku hát. “Nó giống như kiểu bạn sáng tác và muốn Lady Gaga hát nhưng cô ấy từ chối và giờ thì Miku sẽ lãnh trách nhiệm này”, Kanae Muraki, Giám đốc tiếp thị của CFM cho biết. Thêm nữa, nếu như các ca sĩ thật phải mất thời gian để thay trang phục biểu diễn giữa giờ thì tốc độ thay đổi trang phục của Hatsune chỉ bằng cú nhấp chuột…  



Lúc đầu, CFM tìm đến các ca sĩ danh tiếng nhưng mọi cuộc thương lượng đều thất bại vì các “ngôi sao” không muốn giọng hát của mình được dùng tùy tiện cho bài hát bất kỳ. Sau cùng, họ đạt được thỏa thuận sẽ dùng giọng hát của nữ diễn viên Saki Fujita, người từng lồng tiếng cho nhiều phim hoạt hình và hát trên phim cũng rất ấn tượng. Tất nhiên giọng hát của Fujita chỉ là một phần, phần còn lại sẽ được mix thêm bằng công nghệ tổng hợp âm thanh. Ai cũng có thể là nhà sản xuất của Miku, không cần hợp đồng ràng buộc, không sợ cô phá vỡ hợp đồng, xù show và tất nhiên, không lo bị tăng cát-sê. Với giá bán ra là 194 USD cho một bộ phần mềm, từ 2007 tới nay Miku trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho CFM. 



Miku 16 tuổi, cao 1m58, nặng 42 kg, thích ca hát, nhảy múa, yêu màu xanh lá cây. Trên YouTube cô có 16 triệu lượt người xem, có khoảng 600 nghìn nhân vật Miku đã được tạo ra và có rất nhiều bài hát của Miku đã thành hit ở Nhật Bản. 

Trong các buổi biểu diễn, không khí lúc nào cũng cực kỳ sôi động. “Khán giả không quan trọng trên sân khấu là một cô gái không có thật, họ đang thưởng thức âm nhạc của chính mình và chúng tôi nghĩ đó là một cách thức thưởng thức khá mới mẻ. Tôi không nghĩ Miku có thể “phá hủy” nền công nghiệp âm nhạc nhưng tôi tin chúng tôi đang tạo ra một cách thức hoàn toàn mới”, Hiroyuki Itohm, Chủ tịch của CFM phát biểu. 



Rebecca Suter, giảng viên nghiên cứu cấp cao về Nhật Bản tại Đại học Sydney cho rằng Miku không phải là một ca sĩ nhưng cô đang đại diện cho một đám đông rất lớn. Cô không xuất hiện kiểu “từ trên trời rơi xuống” như các ngôi sao Got Talent hay Idol mà cô được ra đời và được yêu thích bởi đám đông, có nghĩa là cô từ đám đông đi ra và đó là sự khác biệt.
Trong khi đó, những nhà kinh tế học lại nhìn thấy ở Miku sự khởi đầu của việc xóa nhòa ranh giới giữa nhà cung cấp (provider) và người tiêu dùng (consumer), từ đó hình thành khái niệm prosumer.

Xem thêm: Những bản hit hay nhất của Hatsune Miku

 

Wendy