- “Không phải rắn thần gì cả, chỉ là con rắn hổ mang trắng bình thường sống dưới giếng nhà ông Trần Sỹ Thuận, xóm 3, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa”, ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Lý cho biết.
>> Đổ xô đi xem con rắn biết... múa
Như VietNamNet đã đưa tin, khoảng một tuần trở lại đây tại nhà ông Thuận, xóm 3, xã Hợp Lý xuất hiện một con rắn dưới giếng nước.
Con rắn này ngoài nghe được tiếng người gọi, nó còn biết “múa” uốn lượn. Thấy lạ, người dân xã Hợp Lý gọi nó là “rắn thần”.
Chiều ngày 17/4, nhiều người dân vẫn đổ về xem rắn. |
Xe dựng tràn lan khắp đường làng |
Trước thông tin trên, chiều 17/4, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Lý.
Ông Tuyến khẳng định: “Không có chuyện rắn thần ở đây, cũng như không có chuyện con rắn biết múa”.
Ông Tuyến khẳng định “không có chuyện rắn thần ở đây”. |
Lý giải về điều này ông Tuyến cho rằng, đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó nên mới có con rắn xuất hiện ở giếng nước nhà ông Thuận. Ông Tuyến cũng khẳng định, vùng đất nhà ông Thuận đang ở là 'vùng đất thần'.
Thần ở đây theo nghĩa, xưa vua Đinh từng nghỉ chân ở đây trong lúc đi đánh giặc. Khi về đến khu vực này thì có một vị quan cận thần đánh giặc bị thương và chết.
Sau khi quan cận thần chết, nhà vua cho lập miếu thờ tại đây. Đồng thời nhà vua cho đào giếng nước vừa để lấy nước thờ cúng và phục vụ cho quân lính ăn uống, tập trận.
Tuy nhiên, khi có con rắn xuất hiện thì người dân lại cho rằng đó là rắn “thần”. Trước thông tin rắn “thần” xuất hiện, rất nhiều người dân địa phương và các nơi khác đổ về khấn bái, thắp hương…
Lập tức, UBND huyện cũng đã phối hợp với chính quyền xã xuống tận nơi để xác minh.
Theo ông Tuyến, con rắn ở trong giếng nước đó chỉ là con rắn hổ mang trắng.
Có thể tình cờ khi nhà ông Thuận xây giếng xong con rắn từ đâu bò tới. Do thành giếng được bao quanh kín mít nên khi con rắn xuống không có đường lên nên suốt ngày nổi trên mặt nước.
“Đặc thù của loài rắn hổ mang là chúng sống trên khô. Khi nằm ở dưới giếng nó không thể ngâm mình dưới đáy lâu được mà phải nổi trên mặt nước. Chính vì vậy mà người dân cứ tưởng đó là rắn thần”, ông Tuyến nói.
Người dân làm thuyền để rắn lên trú ngụ |
Thời gian gần đây con rắn có vẻ đã yếu dần. Người dân nơi đây đã làm một cái thuyền bằng xốp để cho con rắn trườn lên nghỉ ngơi.
Ghi nhận của VietNamNet, đến chiều ngày 17/4, tại khu giếng nhà ông Thuận vẫn có rất nhiều người từ khắp nơi về khấn, bái. Nhiều người ở xã khác còn mang cả chiếu đến để được chiêm ngưỡng thần rắn “múa” gây mất ANTT ở địa phương
Lê Anh