Khi những cánh đồng đã trơ cuống rạ, những rẫy mì cuối cùng đã thu hoạch xong, cũng là lúc những người được mệnh danh là thợ săn “rượu tiên” ở xã Đăk Pling (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) lên núi bắt đầu hành nghề.
Theo chân cao thủ săn "rượu tiên”
Có người gọi là “rượu tiên”, có người lại gọi với cái tên dân dã hơn là . Rượu lấy từ phần ngọn cây rừng, có vị cay, nồng giống như rượu cần. Người Ba Na ở xã Đăk Pling xem rượu đoák như một thức uống do mẹ đại ngàn ban tặng. Và thức uống đó không thể thiếu trong đời sống thường ngày của bà con, đặc biệt là dịp lễ hội, lễ Tết.
Sau nhiều lần tìm hiểu và muốn được cùng với những người đồng bào Ba Na đi tìm hương vị “rượu tiên”, chúng tôi được ông Đinh Ngân - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Pling dẫn xuống làng Tbưng gặp 1 người có tiếng trong nghề. Anh là Đinh Liêu năm nay chỉ mới 38 tuổi nhưng có đến 24 năm kinh nghiệm săn rượu đoák.
Khi trình bày nhã ý được dẫn đi tìm rượu đoák, Đinh Liêu vui vẻ đồng ý.
Dùng con dao sắc lẹm cắt 1 lát thật gọn vào ngọn cây |
Khi mặt trời bắt đầu ló rạng trên các triền đồi ở miền rẻo cao, nhóm chúng tôi gồm 4 người, tay mang theo can, gùi, dao lỉnh kỉnh kéo nhau vào rừng. Trước khi lên xe, chúng tôi được trưởng nhóm Đinh Liêu dặn dò phải bám sát nhau, không được tách đoàn vì rất dễ bị lạc. Khi chọn được khu vực dừng chân săn rượu đoák, chúng tôi phải để xe máy lại và đi bộ thêm mấy cây số trong rừng.
Đến con suối phía dưới chân núi, Đinh Liêu ra hiệu cho mọi người nghỉ chân. Lấy con dao nhọn trong chiếc gùi ra, anh Liêu tìm đến hòn đá rồi mài. Con dao nhỏ dài chừng khoảng 30cm, đầu lưỡi chừng 15cm.
Vừa mài, anh Liêu vừa cho biết: “Mình được người trong làng phong cho biệt danh “cao thủ săn rượu đoák” là có công của con dao này. Con dao được cha mình dùng để lấy rượu đoák, sau này ông mất để lại cho mình. Dao bình thường đã sắc, được mài nó càng sáng bóng và sắc lẹm. Giờ chỉ cần vật gì chạm khẽ vào đầu lưỡi là bị đứt đôi ngay”.
Từ suối, chúng tôi di chuyển thêm hơn 1 cây số nữa là đến khu rừng già. Ngay từ bìa rừng, những cây đăk đoák dần hiện ra. Chúng nằm ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi. Lúc này, mặt trời đã đứng bóng, từng tia nắng xuyên qua tán lá rừng ken dày sương và khí núi vón thành từng mảng.
Thưởng thức “rượu tiên” ngay trên cây để lấy thêm năng lượng |
Trưởng nhóm Liêu giục mọi người rảo bước: “Mọi người cố gắng vượt qua con dốc là sẽ đến được rừng đăk đoák. Ở đây cũng có mấy cây nhưng chưa đủ tuổi để lấy được rượu”.
Khi đến lưng chừng núi, anh Liêu chỉ tay về phía cây đăk đoák trước mặt và nói: “Tìm được cây cần tìm rồi. Nhìn bền ngoài, cây khá to, có tán lá rộng, quả mọc thành chùm”. Đứng ngắm nghía một hồi, anh Liêu bằng kinh nghiệm đã đoán cây này sẽ cho nhiều rượu, ít nhất mỗi ngày cũng được 15 lít.
Cây cao khoảng 12m, việc dùng tay không leo lên cây rất khó khăn nên buộc phải làm thang để tiếp cận. Mấy người trong nhóm bắt đầu công việc của mình. Anh Đinh Nên một thành viên ở phía dưới cột can vào 1 chiếc dây dù, còn anh Liêu trèo lên cây. Với sự trợ giúp của anh Liêu, tôi cũng trèo được lên đến gần ngọn để chứng kiến cảnh săn “rượu tiên”.
Khi đã cột sợi dây thừng trên cành cây, anh Liêu tìm cho mình một thế thoải mái nhất, rồi dùng con dao mang theo cắt một lát dứt khoát ngay ở ngọn. Con dao nhỏ, ăn vào ngọn cây thật sâu. Khi vừa rút dao ra, 1 dòng nước như sữa tươi ứa ra thành dòng.
Anh Liêu cầm sợi dây thừng, lôi chiếc can được buộc sẵn đưa lên ngọn cây để hứng. Đợi khoảng 10 phút, anh Liêu lấy toàn bộ nước vừa chảy cho tôi nếm ngay trên ngọn cây. Nước không mùi nhưng ngọt, mát và rất dễ uống.
Sau gần 1 ngày trời vất vả, nhóm của anh Liêu thu hoạch được mẻ đầu tiên |
Anh Liêu giải thích: “Đây chưa phải là rượu thật sự nên nó có vị thế. Phía trong can đang hứng kia có 1 ít rễ và lá cây rừng chỉ người Ba Na mới biết, có tác dụng lên men.
Mình hứng từ giờ tới trưa mai, nước trong can sẽ hòa cũng rễ - lá cây bên trong rồi lên men, khi đó mới thành rượu đoák. Với cây mới lấy lần đầu, mỗi ngày, nó sẽ cho mình từ 10 đến 15 lít rượu đoák”.
Công đoạn lấy rượu từ cây đoák mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Nhóm chúng tôi lại tiếp tục sang vạt rừng mới, cách đó khoảng nửa cây số. Tại đây, có 1 cây đăk đoák đã được nhóm của Liêu lấy rượu khoảng 10 ngày. Do là cây đang khai thác nên mọi công đoạn được nhóm thực hiện nhanh và gọn hơn.
Chỉ mất có 5 phút, anh Liêu đã lên đến ngọn cây. Phía trên cây đã có một vết cắt ngang, những dòng nước trắng đục nhỏ liên hồi vào can. Một chiếc can 10 lít đã sắp đầy ắp rượu. Anh Liêu tiếp tục rút con dao nhỏ ra, cắt thêm 1 vết chéo rồi đưa chiếc can vào hứng. Chiếc can 10 lít gần đầy rượu được buộc vào dây thừng thả xuống đất cho người đang chờ phía dưới.
Loại rượu này uống nhiều cũng sẽ say nhưng rất sảng khoái |
Anh Liêu giải thích: “Hơn 10 ngày nay, đều đặn sáng nào, nhóm mình cũng đi săn rượu đoák. Chiếc can này được mình hứng từ chiều qua, giờ lên lấy về để thay cái mới. Ở đây, nhóm mình có 2 cây đang khai thác, mỗi ngày thu được khoảng 20 lít rượu. Chuyến đi này, vừa thu hoạch vừa khai thác thêm 1 cây mới”.
Với thành quả thu được, chúng tôi nhanh chóng xuống núi. Về tới nơi, ai cũng cảm thấy mệt rã rời. Vợ anh Liêu mừng rỡ: "Đi đường không có chuyện gì chứ. Thấy mặt trời đã lặn phía sau núi, nhưng không thấy anh em về làm tôi lo".
"Đệ nhất tửu" ở đại ngàn
Lấy ít lá mì xào và luộc thêm ít quả trứng gà, nhóm chúng tôi bắt đầu thưởng thức rượu đoák vừa thu được. Lúc này, ông Đinh Ngân, Bí thư Đảng ủy xã đi xe máy qua, thế là vào nhập cuộc luôn.
Nhấc cốc rượu đoák sủi đầy tăm mà cả ngày vất vả mới có được, tôi uống cạn một hơi. Một cảm giác nồng nồng như uống rượu cần nhưng lại dịu mát ngay sau đó. Uống vào tinh thần rất phấn chấn, tan biến đi sự mệt mỏi vừa trải qua.
Cây cho loại rượu đặc sản này có rất nhiều ở cánh rừng huyện Kông Chro |
Anh Liêu vừa uống vừa chia sẻ, mình lên hơn 10 tuổi đã theo cha đi lấy rượu đoák. Mỗi lần đi theo cha, Liêu uống liền mấy hơi rượu đoák, khi đó đi rừng không thấy mệt.
Ông Đinh Ngân cho biết thêm, rượu đoák được người Ba Na ở đây sử dụng từ lâu như 1 thứ nước uống. Ở trong các làng, rất nhiều người biết lấy rượu đoák về dùng. Nhưng tùy vào kỹ thuật có người lấy được nhiều, có người được ít.
Rượu đoák lấy xong là phải uống liền. Nếu để quá 2 ngày trở lên, rượu mất mùi vị trở nên đắng và khó uống. Người dân ở đây, bán tại chỗ 1 lít chỉ có 15.000đ. Nhưng phần lớn, rượu lấy về là để phục vụ hằng ngày và các lễ hội chứ không bán bao nhiêu.
Khi mọi người đã là ngà thấm men “rượu tiên”, Bí thư Đinh Ngân vẫn hào hứng mời khách uống tiếp: “Uống đi! Rượu này là “của Yàng ban tặng cho vùng đất này” nên có say cũng không đau đầu, không mất kiểm soát, 30 phút sau là tỉnh táo, sảng khoái liền.
(Theo báo CA TP.HCM)