Bắc Kinh ít nhất cần phải thừa nhận, thông điệp về "sự trỗi dậy hòa bình" của họ đang thất bại.

>> TOÀN CẢNH Phản đối TQ xâm phạm chủ quyền Việt Nam

TQ luôn từ chối thừa nhận các nước láng giềng có thể có những lí do chính đáng để quan ngại về cách hành xử của họ.

Tại Đối thoại Shangri-La tuần trước ở Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã cảnh báo về các hành động khiêu khích và thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế của TQ. Đại diện TQ, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Vương Quán Trung đã đáp trả bằng cách cáo buộc Mỹ và Nhật Bản phối hợp các phát biểu của họ nhằm bôi nhọ TQ.

{keywords}
Tàu TQ phun vòi rồng vào tàu VN. Bằng hành xử hăm dọa và khiêu khích trên biển, TQ đã thất bại trong việc trấn an láng giềng về “trỗi dậy hòa bình”

Khẩu chiến có thể dự đoán được tại Đối thoại Shangri-La và thực sự chúng rất hữu ích trong việc hiểu rõ một vấn đề cơ bản - thuyết "sự đe dọa TQ" của TQ. Ý tưởng này, vốn luôn được các quan chức TQ thuộc cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nói đến, ám chỉ, các lực lượng ở Mỹ và Nhật Bản đang thổi phồng "sự đe dọa TQ" để đạt được mục tiêu chính trị của họ.

Trong trường hợp của các chính trị gia Mỹ, động cơ được giả định là xác lập các ứng cử viên sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo, như một bài bình luận hậu Đối thoại Shangri-La đã đề cập đến trên Tân Hoa Xã. Một giả thuyết khác cho rằng, "sự đe dọa TQ" là một cái cớ để giúp những người trong ngành công nghiệp quốc phòng duy trì quyền lực và uy tín họ đã giành được trong Chiến chiến tranh lạnh, bằng cách tạo ra một mối đe dọa hiện hữu mới, được cho là Mỹ đang phải đối mặt.

Trong khi đó, các nhà phân tích TQ nhận định, Thủ tướng Shinzo Abe và những người ủng hộ ông đã sản sinh ra "sự đe dọa TQ" để họ có thể theo đuổi giấc mơ lâu nay về việc tái vũ trang Nhật.

Vấn đề với thuyết “sự đe dọa TQ” của Bắc Kinh là, nó hoàn toàn giảm trừ khả năng rằng, các nước khác trong thực tế có thể cảm thấy bị đe dọa trước các hành động của TQ. Phát biểu trước báo giới, bản thân ông Vương nói ý tưởng về "sự đe dọa TQ" là "hoàn toàn vô căn cứ và không phù hợp". Nói cách khác, thuyết "sự đe dọa TQ" đã bào chữa cho chính phủ TQ trước mọi trách mắng đối với những quan ngại bắt nguồn từ việc sử dụng sức mạnh của TQ, cả về kinh tế và quân sự.

Đối với các chuyên gia phân tích của TQ, sự trỗi dậy của nước này tất nhiên sẽ mang tính hòa bình (mặc dù đi kèm với lời cảnh báo, TQ sẽ bảo vệ mọi tấc đất chủ quyền lãnh thổ của mình). Họ nhìn vào bề dày lịch sử của TQ, coi nó không có các cuộc xâm lược hay chủ nghĩa đế quốc (!), và tin rằng việc TQ có thể tìm cách lợi dụng sức mạnh của mình là không thể tưởng tượng được. Các quan chức TQ dường như không thể mường tượng rằng, các nước khác có thể không coi tuyên bố về "sự trỗi dậy hòa bình" này có giá trị danh nghĩa.

Đe dọa thay trấn an

Trong thực tế, có một lời giải thích đơn giản hơn, dù gây khó chịu hơn nhiều đối với Bắc Kinh: Thông điệp “trỗi dậy hòa bình” của TQ không còn đủ để trấn an các nước láng giềng. Cho dù có thể các lợi ích chính trị giành được từ việc thổi phồng “sự đe dọa TQ” là có thật, Bắc Kinh cũng cần phải thừa nhận, ít nhất một số quan ngại đang hiện hữu. Đối mặt với một TQ đang phát triển nhanh chóng, Mỹ và các nước khác trong khu vực còn ngờ vực về các tham vọng của TQ. Sự ngờ vực có thực cũng như những lo lắng mà nó tạo ra.

Đối với chủ tịch hội đồng tư vấn Biển Đông của TQ, phát biểu tại Shangri-La của Tướng Vương Quán Trung “đã đưa ra thông điệp rằng, một TQ đang trỗi dậy không phải là mối đe dọa đối với thế giới”. Việc các tờ báo của Mỹ và Nhật coi bài phát biểu của ông Vương mang tính thù địch đã minh chứng rằng, thông điệp đó đã không được đón nhận.

Thay vì bác bỏ quan ngại của những nước láng giềng, TQ cần phải hiểu các hành động của chính họ đã góp phần dẫn tới nhận thức “sự đe dọa TQ” như thế nào.

Không quốc gia nào có thể hoàn toàn trấn an các nước láng giềng của họ về những ý định và mục tiêu của mình. Tuy nhiên, Bắc Kinh ít nhất cần phải thừa nhận, thông điệp về “sự trỗi dậy hòa bình” của TQ đang thất bại và không được nhiều nước láng giềng chấp nhận.

Tuyên bố rằng người TQ “không có gen xâm lược”, như TQ đã làm, chỉ được coi là sự xảo trá, thay vì mang tới sự trấn an.

Thái An (theo Diplomat)