Trong khi thế giới đang phải vật lộn và chống chọi lại những cơn bão của khủng
hoảng kinh tế toàn cầu thì tại châu Phi, rất nhiều quốc gia được tận hưởng
“hương vị ngọt ngào“ của giai đoạn tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong nhiều
thập kỷ qua.
Theo thống kê của The Economist, 6/10 nước có tốc độ phát triển nhanh nhất trong năm 2011 đến từ lục địa đen. Nợ nước ngoài trung bình của khu vực đã giảm ấn tượng từ 63% GDP năm 2000 xuống còn 22,2% trong năm nay và lạm phát bình quân hiện giảm xuống còn 8% từ mức 15% vào năm 2000.
Về dài hạn, các nhà kinh tế cho rằng, xu hướng tăng trưởng tích cực có thể vẫn được duy trì trong những năm tiếp theo vì châu Phi có các thế mạnh về vị trí địa lý, các nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào và các yếu tố về dân số.
Năm 2012, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của toàn bộ khu vực được dự báo ở mức 6%, nhưng kinh tế của Nam Phi được kỳ vọng sẽ chỉ tăng 3,6%, trong khi Côte d'Ivoire tăng 8,5%. Vì vậy, để chính sách kinh tế của mỗi quốc gia phát huy được hiệu quả và ảnh hưởng tích cực đến toàn bộ khu vực, các nhà hoạch định chính sách cần phải xác định những hướng đi dài hạn và các yếu tố có thể gây trở ngại cho quá trình tăng trưởng ở mỗi quốc gia.
Trong những năm qua, tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội và môi trường đầu tư của châu Phi đã gây ấn tượng mạnh đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bởi họ là những nhân tố góp phần vào sự phát triển bùng nổ về nguồn vốn đầu tư. Từ năm 2008-2011, các nước châu Phi khu vực cận Sahara đã đón nhận trung bình 4,4% giá trị của tất cả các quỹ đầu tư vào các nước đang phát triển trên thế giới, và 3,1% giá trị chi tiêu cho đầu tư. Trên thực tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi đã tăng kể từ đầu những năm 2000 và tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2000-2010.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ý thức được các thách thức họ phải đối mặt tại một số quốc gia như tại vùng Sừng châu Phi, đặc biệt là Somalia, Mali, Guinea Bissau, nơi luôn hiện diện sự bất ổn về chính trị.
Các chỉ số kinh tế lại cho thấy xu hướng lạc quan để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong những năm tiếp theo, đó chính là điều kiện cần thiết góp phần thay đổi hình ảnh và vị thế quốc tế của châu Phi.
Năm 2011, 67% các nhà đầu tư tiềm năng được phỏng vấn đã cho rằng họ tìm thấy
những cơ hội kinh doanh hấp dẫn khi tiếp cận châu Phi, trong khi 50% đã lên kế
hoạch đầu tư vào các nước khu vực cận Sahara trước năm 2013, và ngày càng nhiều
hơn các tập đoàn lớn coi châu Phi là mục tiêu chiến lược để phát triển kinh
doanh.
Cải cách để vươn lên
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính phủ các nước ở châu Phi đã nỗ lực
nhiều hơn để giảm bớt các thủ tục hành chính và cơ sở pháp lý cho các doanh
nghiệp vừa và nhỏ. Từ năm 2000-2010, thời gian trung bình cần thiết để đăng ký
quyền sở hữu tài sản đã giảm từ 120 ngày xuống còn 65 ngày, thời gian cần thiết
để có được một giấy phép xuất khẩu giảm trung bình từ 230 ngày năm 2005 xuống
còn 212 ngày vào năm 2010. Và so với cùng kỳ năm trước, thời gian cần thiết để
một hợp đồng kinh tế có hiệu lực đã giảm xuống gần một tháng.
Chính phủ các nước châu Phi biết rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể giúp
sản xuất các loại sản phẩm cho thị trường trong nước, do đó tạo ra giá trị gia
tăng một cách đáng kể. Thị trường trong nước thường khuyến khích đa dạng hóa các
sản phẩm, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và giúp bình ổn
giá cả hàng hóa trên thế giới, điều này làm cho nền kinh tế có sức đề kháng tốt
hơn và hạn chế tối đa các tổn thương trước những cú sốc đến từ những thị trường
bên ngoài.
Định hướng cởi trói nền kinh tế nội địa và thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế
khu vực thay vì tiếp tục lệ thuộc vào sự thống trị nền kinh tế của châu Âu và
Bắc Mỹ đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Vì vậy các nước châu Phi khu vực cận
Sahara đang tăng cường theo đuổi các chính sách thân thiện với các nước láng
giềng. Chính sách này đã phát huy hiệu quả và giúp tăng trưởng thương mại của
các nước châu Phi khu vực cận Sahara từ 7% vào năm 1990 lên 15% vào năm 2010.
Thay đổi hướng tới hội nhập khu vực của chính phủ các nước ở châu Phi là một
hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, để vươn lên trở thành một khu vực năng động của thế
giới thì châu Phi vẫn cần sự chung tay của toàn xã hội để cùng bước trên một
chặng đường dài.
Sự nỗ lực hơn bao giờ hết của chính phủ các nước ở châu Phi nhằm thực thi các
chính sách tự do hóa thương mại trong khu vực, hội nhập thể chế, và phát triển
cơ sở hạ tầng đang là động lực cốt lõi để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp tục
phát triển mở rộng thị trường và dấn thân sang các lĩnh vực, vùng, miền khác
nhằm góp phần cải thiện đời sống cho tất cả mọi người.
Nguyễn Công Huân (tổng hợp)