- Hàng ngàn DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được thành lập theo luật Đầu tư nước ngoài trước đây chưa làm thủ tục đăng ký lại để hoạt động theo quy định của luật Doanh nghiệp năm 2005 vì nhiều lý do khách quan.

Số DN này đang phải xem xét chấm dứt hoạt động, nếu chiểu theo quy định của luật, gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế và việc làm của hàng ngàn lao động.

“Ngồi trên đống lửa”

Sáng 25/5, QH nghe tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày về dự án sửa đổi, bổ sung điều 170 luật Doanh nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đến ngày 31/5/2013, có 2.916/6.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo luật Đầu tư nước ngoài trước đây chưa làm thủ tục đăng ký lại để hoạt động theo quy định của luật Doanh nghiệp năm 2005.

Trong số này, 41 DN sẽ hết thời hạn hoạt động từ ngày 31/5/2013; còn lại chưa hết thời hạn hoạt động, nhưng có khả năng bổ sung, mở rộng ngành nghề kinh doanh.

{keywords}
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh. Ảnh: Minh Thăng


Trong các năm 2014-2015, số lượng DN hết thời hạn hoạt động sẽ tăng đáng kể (đến 31/12/2014 là 142 DN, đến 31/12/2015 là 269 DN). Phần lớn hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Nếu không thực hiện thủ tục đăng ký lại để hoạt động theo quy định của luật Doanh nghiệp năm 2005 thì toàn bộ số DN trên phải xem xét ngừng hoạt động, chẳng khác nào “đang sống bình thường bị bắt phải chết”.

Điều này sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế và lực lượng lao động do tổng vốn đăng ký của các DN nêu trên hiện là 18,5 tỷ USD với số lượng lao động sử dụng 446.000 người.

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tuy thời hạn đã rất gần kề, DN FDI đang “ngồi trên đống lửa” nhưng việc đăng ký lại theo quy định của điều 170 luật Doanh nghiệp không nhận được sự “mặn mà” từ phía các DN là do lý do khách quan.

Một số muốn tiếp tục duy trì mô hình hoạt động cũng như phương thức quản lý đã tồn tại ổn định trong nhiều năm. Tuy nhiên, họ này không lường trước được việc không được phép gia hạn hoạt động hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh nếu không đăng ký lại trong thời hạn quy định.

Ngoài ra, một số DN không đạt được nhất trí giữa các bên liên doanh trong việc thực hiện thủ tục đăng ký lại.

Sửa gấp, ban hành ngay

Trước thực tế này, Chính phủ đề nghị sửa đổi khoản 2 điều 170 luật Doanh nghiệp theo hướng sau: Bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của DN có vốn đầu tư nước ngoài để cho phép các họ được lựa chọn không đăng ký lại hoặc đăng ký lại tại thời điểm thích hợp.

Nội dung sửa đổi này nhằm đảm bảo quyền tự chủ của DN trong việc quyết định phương thức tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh.

Theo báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi điều 170 của luật Doanh nghiệp do Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày, đa số thành viên UB Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi khoản 2, điều 170 như tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo ông Giàu, có đề nghị cần rà soát cụ thể và chỉ cho phép DN đăng ký lại hoặc mở rộng ngành nghề nếu hoạt động đầu tư không vi phạm pháp luật (về bảo vệ môi trường, thực hiện nghĩa vụ thuế...), phù hợp với quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Nhà nước Việt Nam. Trong trường hợp này Chính phủ cần quy định cụ thể.

Một số ý kiến khác cho rằng, nội dung này đã được sửa đổi, gia hạn thời gian 1 lần năm 2009, nay tiếp tục sửa đổi sẽ không thể hiện được tính tôn nghiêm pháp luật.

Dự án luật doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, cho nên chưa cần thiết phải sửa đổi riêng điều 170.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, việc xem xét sửa đổi điều 170 luật Doanh nghiệp là cấp bách, do đó, trong điều kiện thời gian quá gấp, để đảm bảo trình dự án luật theo đúng tiến độ, góp phần tháo gỡ khó khăn, giải quyết ngay vấn đề bức xúc của DN có vốn đầu tư nước ngoài, Chính phủ đề nghị thực hiện dự án luật này theo thủ tục rút gọn để QH cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp đang diễn ra.

Ngoài ra, để đảm bảo tính khả thi của luật, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng nghị định quy định chi tiết để ban hành ngay sau khi luật này được QH ấn nút thông qua.

Cẩm Quyên