Giá sữa bột ngoại không ngừng tăng trong những năm qua trong khi hai bộ có trách nhiệm trong việc quản lý là Tài chính và Y tế chưa có tiếng nói chung. Lỗ hổng ở đây phải chăng là trách nhiệm với người tiêu dùng?!

Trong văn bản gửi Bộ Y tế mới đây, Bộ Tài chính cho biết, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trước đây được ghi là sữa thuộc danh mục bình ổn giá và đăng ký giá tại Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính thì hiện nay hầu hết đã chuyển đổi tên gọi và ghi nhãn hàng hóa mới là: Thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng...

Trong khi đó, Luật Giá có hiệu lực từ 1/1/2013 chỉ quy định mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục bình ổn giá của Nhà nước. “Với tên gọi mới như thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng... thì theo quy định các sản phẩm này không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá của Nhà nước”- Bộ Tài chính lo ngại.

Thực tế, báo cáo của 14/18 DN (chiếm hơn 90% thị phần sản xuất, kinh doanh, phân phối của hầu hết các loại sản phẩm sữa có mặt trên thị trường) gửi về Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cuối tháng 8/2013, thì hầu hết không còn sản phẩm nào có tên là sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Lý do được các DN này đưa ra là việc đổi tên theo quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng của Bộ Y tế.

{keywords} 

Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại, chính Bộ Y tế đã tạo điều kiện cho các DN sữa “lách” Luật Giá.

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Lê Văn Giang khẳng định, không thể nói là DN “lách” luật mà ngược lại các DN kinh doanh các sản phẩm sữa và các sản phẩm có chứa sữa đang bắt buộc phải chấp hành đúng các quy định của luật pháp. Theo ông Giang, kể từ ngày 1/1/2011 khi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa bột có hiệu lực, việc sản phẩm trước đây với tên gọi là sữa bột dành cho trẻ em nay được thay đổi gọi là sản phẩm dinh dưỡng công thức là phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam cũng như tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex) mà các nước thành viên WTO phải tuân thủ. “Sự thay đổi này hoàn toàn chỉ về tên gọi còn về bản chất hàng hóa là không thay đổi. Trách nhiệm của DN là vẫn phải thực hiện kê khai giá với cơ quan chức năng theo quy định”- ông Giang khẳng định.

Giá tăng do đâu?

Trả lời báo chí mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn nêu một trong những lý do quan trọng khó kiểm soát giá sữa là việc vừa qua các DN sữa “thay tên đổi họ”. Tuy nhiên, câu chuyện giá sữa nhập ngoại tại Việt Nam cao bất thường không phải chỉ diễn ra gần đây. Mỗi năm các DN sữa ngoại đều công bố điều chỉnh giá 3- 4 lần mặc cho giá nguyên liệu thế giới tăng hay giảm. Giá bán lẻ trên thị trường Việt Nam cao gấp vài lần giá nhập khẩu đã nhiều lần được báo chí đề cập. Chi phí hoa hồng cho đại lý, nhân viên y tế, tiếp thị, quảng cáo, lợi nhuận khổng lồ được các doanh nghiệp tính hết vào giá bán tới người tiêu dùng.

Thế nhưng các đợt thanh tra giá của Bộ Tài chính không giúp bình ổn được thị trường. Với các công cụ trong tay như cơ quan Thuế, Hải quan, Thanh tra tài chính, Quản lý giá nhưng Bộ Tài chính vẫn bất lực nhìn giá sữa ngoại luôn trong điệp khúc tăng giá. Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho rằng, các sản phẩm sữa dạng bột và các sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ nhỏ năm nào cũng vài lần tăng giá. “Giá sữa vẫn tăng từ trước nay chứ không phải bây giờ mới tăng do có sự thay đổi về tên làm cho các sản phẩm này ra khỏi danh mục bình ổn giá”- đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) quả quyết.

Thực tế trước đây khi buộc các DN ngoại kê khai, đăng ký giá thì hiệu quả cũng không cao. Theo ý kiến của một số chuyên gia, quy định đăng ký giá ở tất cả các khâu trên thị trường từ sản xuất, nhập khẩu, đến đại lý phân phối, bán buôn, bán lẻ là không khả thi trong thực tế. Chỉ tính riêng thị trường sữa công thức cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 30 công ty đang hoạt động với gần 150 nhãn hàng. Đây là một con số rất lớn so với nguồn nhân lực có hạn của bộ máy quản lý Nhà nước về giá tại cả trung ương và địa phương.

(Theo Tiền Phong)