- "Với cách dạy con của nhiều phụ huynh hiện nay, thầy cô có là thánh cũng không thể khiến học sinh ngoan hơn..." Trăn trở của một cô giáo sau nhiều đêm không ngủ. Và cô đã ước "giá mình không làm nghề dạy học thì tốt hơn...".

Cái mà các em gọi là áp lực, thực chất là điều gì? Là việc học quá vất vả, là cuộc sống vật chất và tinh thần chưa đầy đủ hay vì không được thỏa mãn những sở thích cá nhân? Ảnh: An ninh Thủ đô

Lệch lạc

"Lúc này em thấy cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì, chỉ như một bầu trời xám xịt, đen tối. Trong cái nơi mà em gọi là gia đình này, mọi thứ chỉ đều giả dối. Đôi khi em tự hỏi liệu bố mẹ có thực sự yêu thương con như cô hay nói không? Sống trong nhà mà em luôn thấy mình là người thừa, chẳng ai hiểu mình cần gì, muốn gì nữa…"

Đó là những dòng trích từ lá thư dài hơn 8 trang giấy mà tôi nhận được của Nga, cô bé học trò lớp 12. Nếu không tường tận về hoàn cảnh gia đình Nga, chỉ đọc lá thư này, hẳn ai cũng trách những người Nga gọi là cha, mẹ. Nhưng gần 3 năm chủ nhiệm em, tôi hiểu hơn ai hết cái mà Nga đang gọi là khổ, là tủi, là nhục.

Gia đình Nga có 4 anh em, bố mẹ đều không có việc làm ổn định, mẹ làm ruộng, cha thì nay đây mai đó làm thợ hồ, thợ xây trang trải cuộc sống. Dù khó khăn chồng chất, anh chị vẫn gắng gượng cho 4 đứa con ăn học. Nhưng cũng vì cuộc sống quá khó khăn, bố mẹ Nga suốt ngày chỉ lo kiếm tiền, ít khi quan tâm, sẻ chia động viên cuộc sống tinh thần của con cái.

Nhà không có điều kiện nên hễ Nga xin tiền đi sinh nhật bạn này bạn kia, mẹ Nga đều gạt đi ngay. Cô con gái đang tuổi lớn, nhạy cảm, dần dần thu mình lại trước bố mẹ, cho rằng bố mẹ không hiểu mình, không tâm lí, không quan tâm đến mình. Ý nghĩ tiêu cực ấy là nguyên nhân của những hành vi chống đối lại bố mẹ. Lúc nào Nga cũng tỏ ra ương bướng, thậm chí em đã có ý nghĩ về một giấc ngủ không bao giờ dậy nữa…

Bạn cùng lớp với Nga, em Huy cũng đã từng tâm sự với cô: em không biết đi cấy, đó là việc của bố mẹ. Khi tôi hỏi, thế lúc bố mẹ làm việc ngoài đồng, thì em ở nhà làm gì? Huy thành thật: em xem ti vi, chơi game, buồn thì ngủ, em không bỏ đi chơi là may cho bố mẹ lắm rồi. Bố mẹ em chỉ yêu cầu em ở nhà thôi, còn làm gì thì tùy thích.

Đó không phải tâm lí riêng của Nga, Huy mà là của rất nhiều học sinh hiện nay. Hình như các em quen lối sống hưởng thụ, ích kỉ, cách nghĩ một chiều, vô cảm. Đành rằng trong đó có lỗi của những người làm cha, làm mẹ, nhưng sự lệch lạc về nhận thức của các em cho thấy các em đang sống ỉ lại, dựa dẫm, coi việc hưởng thụ là đương nhiên.

Với lối sống ấy, sẽ không bao giờ các em thấy được những giọt mồ hôi trên trán mẹ, không bao giờ biết xót xa trước những nếp nhăn trên mặt cha, và cũng vì thế mà các em sẽ không có động lực chân chính để phấn đấu, cố gắng…

Áp lực từ đâu?

Cách đây không lâu, ở trường cấp 3 nơi đồng nghiệp tôi công tác vừa bị phen náo loạn bởi một em học sinh lớp 11 uống thuốc sâu tự tử. Em pha sẵn 1 chai thuốc sâu với nước, mang lên trường và uống. Trong 3 lá thư để lại cho thầy, cho bạn và cho mẹ, em tâm sự đã quá chán ngán và mỏi mệt với cuộc sống nhiều áp lực. Rất may, nhờ cấp cứu kịp thời, em đã được cứu sống, nhưng những vết sẹo trong tâm hồn em thì không biết đến khi nào mới gột rửa nổi…

Cái mà các em gọi là áp lực, thực chất là điều gì? Là việc học quá vất vả, là cuộc sống vật chất và tinh thần chưa đầy đủ hay vì không được thỏa mãn những sở thích cá nhân?

Một cô học trò khá thông minh đã gặp tôi để xin rút khỏi đội tuyển thi học sinh giỏi vì lí do rất đơn giản, em sợ mình không đủ sức phấn đấu, em sợ mình thất bại sẽ xấu hổ, em sợ làm mất lòng tin của cô… Cái Sợ của em, phải chăng là cái Hèn, là không có bản lĩnh đối mặt trước khó khăn thử thách?

Gần 10 năm trong nghề dạy học, tôi đang chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của thế hệ học sinh ngày nay. Không cần so sánh với thế hệ chúng tôi ngày trước, chỉ cần đối chiếu với học sinh cách đây 5 năm, đã thấy khoảng cách khá lớn.

Phần lớn các học sinh hiện nay giảm sức chịu đựng, không có mục tiêu để phấn đấu, thậm chí có rất nhiều em vô trách nhiệm với cả cuộc sống của bản thân mình. Ngay cả những em học sinh cuối cấp cũng rất mù mờ về con đường tương lai. Các em phó mặc cho bố mẹ sắp đặt, cho thầy cô định hướng, cho số phận đưa đẩy, bởi thực chất nhiều em không thực sự biết mình muốn gì, cần gì?

Giáo dục từ nhà trường chưa đủ


Phụ huynh của những học sinh cá biệt gặp tôi, ai cũng bảo, thôi thì con dại cái mang, tất cả nhờ vào thầy cô. Đành rằng vậy, nhưng có mang được suốt cả đời cho con không?

Nếu chỉ giáo dục từ phía nhà trường thì không thể có hiệu quả, mà cách dạy con của phụ huynh thì xem ra không ổn. Chưa tính đến những phụ huynh bận mưu sinh không để tâm đến con cái, kể cả những phụ huynh có nhiều thời gian cũng chưa thực sự quan tâm đến con theo đúng cách. Em Tuấn, học sinh lớp 12G, THPT LVT, hễ ban ngày bỏ học đi chơi là buổi tối bố em gọi điện đến xin phép cô cho em nghỉ ốm, vì sợ cô giáo chủ nhiệm trừ vào hạnh kiểm của con mình. Hễ em đánh nhau, phụ huynh bao giờ cũng bảo, em bị người khác đánh.

Với cách dạy con như thế, thầy cô có là thánh cũng không thể khiến học sinh ngoan hơn được.

Nhiều đêm không ngủ, tôi đã ước giá mình không làm nghề dạy học thì tốt hơn. Bởi nếu chỉ đơn giản là công việc kiếm tiền nuôi thân, tôi đã có thể im lặng và ngủ ngon trước sự vô tâm, ích kỉ, nông cạn, nhu nhược của học sinh!

Hoàng Thanh
*************************
Chia sẻ ý kiến của bạn và các câu chuyện giáo dục theo email: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm ơn các bạn.