Dưới đây là chia sẻ của TS. Ngô Thị Thuý Hường - giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học, Hoá học và Kỹ thuật Môi trường, trường Đại học Phenikaa về tầm quan trọng của ngành này.

Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội

- Ngành SKMT&PTBV có vai trò như thế nào trong đời sống xã hội, thưa tiến sĩ?

Con người là một bộ phận không thể tách rời và tương tác không ngừng với môi trường, làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, chất lượng và thời gian sống khỏe mạnh của con người. Hành vi của con người trong sản xuất và tiêu thụ tài nguyên, hàng hóa cũng ảnh hưởng tới môi trường và sự phát triển bền vững của xã hội.

{keywords}
 TS. Ngô Thị Thuý Hường (phải) hướng dẫn sinh viên trong giờ học

Để xây dựng và duy trì môi trường sống tốt là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu để giảm thiểu tác động tới môi trường và để hiểu rõ hơn ảnh hưởng của việc phơi nhiễm với các mối nguy trong môi trường đất, nước, không khí và thực phẩm… đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Trong bối cảnh môi trường ngày càng xuống cấp và dịch bệnh gia tăng, chương trình SKMT&PTBV sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu cấp thiết của xã hội về nguồn nhân lực, nghiên cứu đánh giá các nguy cơ nhằm ngăn ngừa hoặc kiểm soát bệnh tật và khả năng bị nhiễm độc gây ra bởi các chất ô nhiễm.

- Hiện nay, nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của ngành này ở Việt Nam ra sao, thưa tiến sĩ?

Ở Việt Nam, ngành Sức khỏe môi trường đã và đang được giảng dạy tại một số ít trường đại học. Tuy nhiên, chương trình đào tạo SKMT&PTBV lần đầu tiên được xây dựng và giảng dạy tại Việt Nam, do các giảng viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này tại trường Đại học Phenikaa đảm nhiệm.

Hiện nay, nguồn nhân lực của ngành này ở Việt Nam đang còn rất hạn chế, do nhu cầu ngày càng cao mà nguồn cung hiện chưa có hoặc không đáp ứng đúng yêu cầu của công việc.

{keywords}
 Sinh viên Phenikaa Uni được học tập, thực hành tại hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại

Cơ hội việc làm hấp dẫn

- Tiến sĩ có thể giới thiệu đôi nét về chương trình SKMT&PTBV? Người học cần đáp ứng những điều kiện gì?

SKMT&PTBV là sự tích hợp của nhiều lĩnh vực khoa học; nghiên cứu tác động của các yếu tố môi trường đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Từ đó, xây dựng môi trường sống an toàn, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của xã hội.

Để theo học được ngành này, ngoài những kiến thức nền về Sinh, Hóa… quan trọng hơn là người học cần phải có tình yêu với thiên nhiên, mong muốn được cống hiến để tạo ra môi trường sống tốt, nhằm bảo vệ sức khỏe con người. Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc trao đổi, hợp tác trong sản xuất và nghiên cứu khoa học không thể thiếu, do vậy, tiếng Anh cũng là yếu tố quan trọng để phát triển nghề nghiệp tốt hơn.

- Sinh viên sẽ được trang bị những gì để đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường trong nước cũng như quốc tế, thưa tiến sĩ?

Như đã đề cập, đây là chương trình học mới tại Việt Nam, được xây dựng bởi các giảng viên giàu kinh nghiệm của Phenikaa Uni và dựa trên các chương trình của các cơ sở đào tạo tiên tiến ở Hoa Kỳ như: Viện Công nghệ Massachusetts; trường Đại học Nam Texas; trường Đại học Ohio... Do vậy, chương trình học sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức hiện đại và cập nhật nhất về SKMT&PTBV như: công nghệ Nano, độc học môi trường, độc học ở người, bệnh truyền nhiễm, bệnh do nghề nghiệp, phương thức sản xuất, tiêu dùng và quản lý tài nguyên bền vững...

Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, thảo luận, làm việc nhóm và quản trị các đề tài, dự án.

Với chương trình học này, sinh viên được phát triển toàn diện, tự tin tham gia vào thị trường lao động sau khi ra trường, hoàn toàn có thể đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế hiện nay.

{keywords}
 Sinh viên Phenikaa tự tin tham gia vào thị trường lao động khi được trang bị toàn diện kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng mềm.

- Cơ hội việc làm cho những sinh viên ra trường như thế nào, thưa tiến sĩ?

Kỹ sư ngành KHMT, chuyên ngành SKMT&PTBV có cơ hội làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau như: chuyên viên/nhân viên/cán bộ quản lý tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về môi trường; các bộ, ban, ngành liên quan; là giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường và viện nghiên cứu; cán bộ quản lý/chuyên viên kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm tại các phòng thí nghiệm và cơ quan xuất nhập khẩu; kiểm nghiệm dược phẩm hay làm việc tại cơ quan liên quan đến Y tế công cộng thuộc Chính phủ và các tổ chức quốc tế…

Đây là chương trình học mới và rất hấp dẫn cho những ai có đam mê, yêu thích sự khám phá và cống hiến cho sự phát triển bền vững của xã hội.

Tố Uyên