Hoại tử chỏm xương đùi

    Hoại tử xương là một tình trạng xương bị thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến tiêu chỏm xương, mặc dù hiện tượng  này có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào trong cơ thể như xương thuyền, xương sên, chỏm xương cánh tay. Tuy nhiên thường gặp nhất là chỏm xương đùi, gọi là bệnh hoại tử chỏm xương đùi. Bệnh này có thể gặp ở 1 bên, đôi khi cả 2 bên, thường gặp ở lứa tuổi từ 30 – 50. Theo Hiệp Hội chấn thương chỉnh hình Mỹ, hàng năm có khoảng 10.000 đến 20.000 người bị bệnh này, chiếm khoảng 10% tổng số trường hợp thay khớp nhân tạo.

    Đa số các trường hợp hoại tử chỏm xương đùi xảy ra sau một chấn thương mạnh như  gãy cổ xương đùi, trật khớp háng. Chấn thương làm tổn thương trực tiếp mạch máu nuôi dưỡng dẫn đến tiêu chỏm xương đùi. Các tế bào xương bị hoại tử do thiếu oxygen và các chất dinh dưỡng. Hoặc do một số nguyên nhân khác như lạm dụng rượu, dùng corticoide lâu ngày, bệnh khí ép (ở thợ lặn, công nhân hầm mỏ), bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh tắc mạch tự phát…

    Bệnh gặp chủ yếu ở nam giới (chiếm khoảng 80%) và tuổi trung bình 40 – 50. Nhưng hiện nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa dần đặc biệt ở nhóm nam thanh niên khoảng 30 tuổi đã có biểu hiện bệnh hoại tử chỏm xương đùi.

    Bệnh thường gặp ở những người có yếu tố nguy cơ thuộc nguyên nhân không do chấn thương kể trên.

    • Trong giai đoạn đầu khởi bệnh, triệu chứng rất kín đáo, người bệnh có thể không thấy triệu chứng gì.

    • Khi bệnh tiến triển nặng hơn, bạn có thể thấy đau vùng khớp háng, đau có thể lan xuống đùi, ban đầu đau khi đi lại, về sau đau cả khi nghỉ ngơi. Giai đoạn muộn khi chỏm xương bị hư nhiều, sẽ làm giảm biên độ vận động của khớp háng. Người bệnh dạng chân rất khó khăn, nhiều người không thể dạng chân để tự bước lên xe gắn máy. Người bệnh có dáng đi khập khễnh, có khi 2 chân so le nhau.Thời gian từ lúc khởi bệnh đến khi mất chức năng khớp háng có thể từ vài tháng đến hơn một năm tùy thuộc từng người bệnh khác nhau. 

    • Có  nhiều trường hợp người bệnh chỉ đau khớp gối mà không đau khớp háng cho nên dễ bị nhầm là bệnh thoái hóa khớp gối. Trong giai đoạn này chụp phim X quang có thể không thấy biểu hiện gì khác thường cho nên người bệnh đi khám bệnh ở nhiều nơi mà vẫn chưa tìm ra bệnh. 

    Chính vì thế người bệnh nên nghĩ đến bệnh hoại tử chỏm xương đùi khi thấy mình nằm trong nhóm nguy cơ cao như đã nêu và kèm theo có biểu hiện đau khớp háng 1 bên hay 2 bên đặc biệt khi ngồi xổm, dạng khép khớp háng, xoay trong xoay ngoài khớp háng, đau khi đi nhiều hay đứng lâu và giảm khi nghỉ ngơi hoặc có biểu hiện đau khớp gối dai dẳng mà chưa tìm ra nguyên nhân tổn thương tại khớp gối. Người bệnh cần đi khám tại các bệnh viện lớn có chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán sớm và điều trị.

    Nguyên nhân có thể  là do chấn thương (gãy xương hoặc do trật khớp) hoặc không do chấn thương:

    • Do chấn thương : do trật khớp hoặc do gãy cổ xương đùi hoặc trật khớp gây chèn ép các mạch máu do tăng áp trong khớp háng. Thông thường hoại tử xuất hiện sau chấn thương khoảng 2 năm và không ảnh hưởng nhiều đến tuổi và giới.

    • Không do chấn thương: phần lớn nguyên nhân gây hoại tử không do chấn thương là do:

    • Uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá: là thủ phạm chủ yếu gây hoại tử chỏm xương đùi sớm ở nam, đây là yếu tố chính làm tổn thương, viêm mạn tính và làm tắc các mao mạch (mạch máu nhỏ) nuôi chỏm xương đùi, dẫn đến các tế bào xương sụn vùng chỏm bị thiếu máu và hoại tử dần. 

    • Dùng corticosteroid liều cao

    • Bệnh Gout

    • Các bệnh về máu: bệnh hồng cầu lưỡi liềm 

    • Bệnh nhân bị ung thư được điều trị hóa chất hoặc xạ trị

    • Bệnh khí ép ( thợ lặn, công nhân hầm mỏ)

    • Bệnh hồng cầu hình liềm

    • Bệnh collagen như lupus ban đỏ

    • Ghép cơ quan

    • Bệnh lý tăng đông và tắc mạch tự phát.

    Trong đó, rượu và việc dùng thuốc corticosteroid để điều trị những bệnh về khớp, chiếm 2/3 nguyên nhân gây hoại tử chỏm xương đùi không do chấn thương.

    Hai thói quen khiến nhiều nam giới Việt hoại tử chỏm xương đùi từ trẻ

    Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi hay gặp ở tuổi 30-50, gần đầy ngày càng nhiều ca mắc và có xu hướng trẻ hóa, dẫn đến hỏng khớp háng ở các mức độ khác nhau.