Chỉ trong một ngày, hai thương vụ trị giá hàng tỷ USD là thông qua việc sáp nhập hai ngân hàng và mua 100 máy bay mới đã gây rung động thị trường Việt Nam. Điều đáng nói, cả hai đều liên quan đến một tập đoàn lớn thành lập từ đầu những năm 90. Tuy ít xuất hiện nhưng qua hai thương vụ này, tập đoàn này đã nổi tiếng trong giới đầu tư cả trong và ngoài nước.
Sovico- cái tên đáng nể
Trong giới đầu tư, cái tên Sovico Holdings đã nổi tiếng với khá nhiều vụ đầu tư lớn trong lĩnh vực khách sạn, bất động sản và liên quan tới nhiều ngân hàng. Tuy nhiên, tên tuổi của một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam này chưa thực sự được biết đến trên diện rộng cho đến khi DN này lấn sân sang lĩnh vực hàng không.
Hôm 25/9, hãng hàng không tư nhân Việt Nam VietJetAir đã ký kết thỏa thuận mua 92 chiếc A320 của hãng Airbus tại Paris trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thương vụ trị giá khoảng 9 tỷ USD của VietjetAir gây chấn động ngành hàng không không chỉ trong nước mà cả quốc tế và nó được xem như một cú bứt phá mạnh mẽ muốn vươn rộng hơn ra các thị trường quốc tế của hãng hàng không giá mới vài năm tuổi đời này.
Thông tin ban đầu cho thấy, số tiền khổng lồ dùng để mua 92 máy bay (sẽ được giao cho VietJetAir trong vòng 8 năm) và thuê 8 chiếc nói trên chủ yếu sử dụng vốn tài trợ từ các ngân hàng nước ngoài.
Cũng giống như đại đa số các hãng hàng không giá rẻ khác, VietJetAir dùng tiền vay để tài trợ cho đội bay của mình. Tuy nhiên, quyết định trang bị thêm 100 máy bay cùng với số tiền bỏ ra rất lớn cho thấy thực lực cũng như vị thế của các ông chủ VietJetAir quả là to lớn.
Mới chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2011 và đã bất ngờ ước lãi khoảng 120 tỷ đồng trước thuế trong 7 tháng đầu năm 2013; dự kiến IPO, niêm yết trên TTCK nước ngoài trong vòng 18-36 tháng tới này.
Cho tới thời điểm hiện nay, thông tin đầy đủ về cổ đông VietJetAir chưa có nhưng giới đầu tư đã biết đến tập đoàn tư nhân Sovico Holdings có vai trò là cổ đông cổ đông lớn của hãng hàng không này. Và như thế, thương vụ của VietJetAir là một sự bất ngờ về vị thế của tập đoàn Sovico.
Cùng ngày với thương vụ “chục tỷ USD” nói trên, giới đầu tư còn đón nhận thông tin Đại hội cổ đông bất thường Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) đã thông qua các văn kiện quan trọng để sáp nhập vào HDBank.
Thông tin về vụ sáp nhập này đã được nói đến nhiều và đã được NHNN chấp thuận từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, đại hội của DaiABank hôm 25/9 mới là câu trả lời cuối cùng của cổ đông của ngân hàng có vốn điều lệ 3.100 tỷ và mạng lưới gần 70 điểm giao dịch trên cả nước, chấp nhận xóa sổ tên tuổi để sáp nhập vào HDBank. Gần đây, 2 vị trí cao nhất tại DaiABank đều là người từ HDBank và Sovico sang.
Những thương vụ dấu ấn
Sự thành công trong thương vụ mua và thuê 100 máy bay A320 của hãng Airbus cũng là một bước tiến nhảy vọt mới trong lĩnh vực hàng không - một mảng kinh doanh mới mà tập đoàn tư nhân Sovico Holdings mới gia nhập với tư cách là người đến sau này.
Có trụ sở tại Quận Hoàn Kiếm- Hà Nội, Sovico Holdings trước đây được biết đến nhiều hơn khi đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, BĐS, công nghiệp-năng lượng…
Tên tuổi của Sovico từng gắn với những ngân hàng và công ty tài chính như Techcombank, VIB Bank, PVFC Capital; tới vụ mua lại khu resort Furama ở Đà Nẵng; vụ rót vốn vào Khách sạn Hồ Gươm tại Hà Nội, Dự án Ariyana ở Đà Nẵng, Công ty Địa ốc Phú Long (dự án Dragon City với mưc đầu tư trên 1 tỉ đô la Mỹ), Abacus Tower tại Quận 1, TP.HCM… và gần đây là HDBank, DaiABank. Ngoài ra, Sovico còn rót vốn vào những lĩnh vực khác như thủy điện, cao su, giáo dục, thương mại...Với năng lượng, Sovico có một danh mục đầu tư các dự án thủy điện phong phú như: Bình Điền 44MW, Daksrong 18MW, Sơn Tây Quảng Ngãi 18MW, Cụm thủy điện Canan 15MW , 3 thủy điện Nậm Ét - Lào khoảng 500MW cùng đầu tư với EVN , Công ty điện lực EVN Cambodia... Hợp tác cùng International Power - Anh Quốc đấu thầu Nhiệt điện Nghi Sơn.
Nhưng cho tới thời điểm này, có lẽ cái tên Sovico Holdings được biết đến rộng rãi trong cộng đồng gắn liền với thương hiệu VietJet Air - hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam đang trụ vững và phát triển mạnh mẽ. Và đây dường như cũng là thương hiệu có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực trong lĩnh vực hàng không nhờ vào sự quyết liệt trong khâu đầu tư cũng như đảm bảo mục tiêu “giá rẻ” nhưng vẫn đảm bảo thu được lợi nhuận ngay từ những năm đầu tiên bước chân vào thị trường.
Sovico có những bước đầu phát triển tại Liên bang Nga từ cuối thập kỷ 80 với các ngành hàng như máy móc thiết bị , sắt thép, nguyên liệu, hàng tiêu dùng, điện tử, may mặc…
Tuy nhiên, sự khác biệt của Sovico trong hơn hai mươi năm qua có vẻ là tính thận trọng, chắc chắn, với các thương vụ quốc tế lớn và chưa từng nếm mùi thất bại. Giờ đây có lẽ không còn phải là khách sạn, bất động sản, tài chính ngân hàng với sự tham gia vào Techcombank, VIB Bank, HDBank và gần đây là thương vụ mua lại công ty Tài chính Societe General, sát nhập DaiABank nữa, mà có thể chính ở cái tên VietJet Air, ở lĩnh vực hàng không. Thương vụ này làm cho Sovico có muốn cũng không thể “kín tiếng” như truyền thống của họ.
Sự chuyển hướng sang lĩnh vực hàng không được xem là một dấu mốc trong quá trình phát triển của tập đoàn này. Nó cũng thể hiện một định hướng chiến lược phát triển mới của Sovico.
Có thể thấy, việc đầu tư vào nhiều lĩnh vực bao giờ cũng gây cho giới đầu tư e ngại. Sự phát triển quá mạnh mẽ đôi khi cũng khiến nhiều người cảm thấy rủi ro. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, những dự án mà Sovico triển khai, trong đó có VietJetAir - một dự án xem chừng mạo hiểm trong một thị trường nặng độc quyền “tồn tại đã khó” - lại rất tích cực.
Hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam hiện còn bay hồi đầu tháng 9 cho biết, DN đã có lợi nhuận 120 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm (thay vì dự kiến lỗ 3 năm) và dự định sẽ IPO và niêm yết ở TTCK nước ngoài trong vòng 18-42 tháng tới. Tới cuối tháng 8 vừa qua, VietJetAir đã nâng thị phần ở thị trường nội địa lên 22%.
Với nhiều doanh nghiệp, việc tập trung vào ngành nghề cốt lõi là cần thiết cho sự phát triển bền vững. Ở chiều ngược lại, sự chuyển hướng, sự bứt phá có thể giúp DN phát triển mạnh mẽ hơn và tạo nên những gương mặt có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tất cả phụ thuộc vào người chèo lái doanh nghiệp, vào cung cách quản trị doanh nghiệp hiện đại và nhất quán. Hơn thế, với Sovico Holdings, có lẽ cũng cần xem xét DN này ở khía cạnh một tập đoàn đầu tư đa ngành tiềm lực.
Mạnh Hà