- Có người treo cả dàn đồng hồ cổ ở cơ quan vì không thể sống thiếu những tiếng điểm chuông quyến rũ.


Đồng hồ để bàn của Pháp được đúc từ đá cẩm thạch trắng nguyên khối, trên là tượng đồng mạ vàng.

Với những người từng sống dưới thời "đồng hồ là của hiếm" thì chiếc máy đo thời gian gắn với một thời xa xưa là thứ quý giá không thể thay thế. Trong suốt một thời gian dài và ngay cả bây giờ, những chiếc đồng hồ treo tường quả lắc hiệu Odo của Pháp đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sông của rất nhiều người Hà Nội.

Chính vì thế, cuộc triển lãm đồng hổ cổ mở trên phố Hàng Đào, con phố từng được mệnh danh là phố Đồng hồ vừa qua đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người mê đồng hồ. Bởi, hiếm khi người ta tổ chức một cuộc triển lãm đồng hồ như thế cho thiên hạ vào xem. Nhiều chiếc đồng hồ trong số này không hẳn là những chiếc đồng hồ quý và đắt nhưng nó lại mang theo mình giá trị của thời gian, của quá khứ, của Hà Nội một thời quá vãng. Những chiếc đồng hồ Odo ra đời từ những thập niên 1930, 1950, 1960...


Đồng hồ cổ ngày càng có nhiều tín đồ.

Một lần nữa, người Hà Nội lại được thấy lại chiếc đồng hồ Odo 36 nổi tiếng một thời. Tôi còn nhớ khi mình còn bé xíu, nhà ông nội tôi ở mặt phố Khâm Thiên đã treo một chiếc đồng hồ Odo trên tường, cũng chẳng biết ông mua nó từ bao giờ nhưng chắc lâu lắm rồi vì mặt kính đã mờ còn cái hộp gỗ bên ngoài trông rất cũ.

Thi thoảng lại thấy ông bắc ghế lên lôi cái đồng hồ xuống để lên dây cót. Sau này, khi ông nội mất và cả gia đình chuyển đi khỏi phố Khâm Thiên, chiếc đồng hồ ấy cũng chẳng hiểu mất đi đâu. Nó đã bị bỏ lại cùng quá khứ tuổi thơ tôi cùng tiếng chuông trải dài suốt những buổi trưa hè yên tĩnh. Với rất nhiều người Hà Nội, thế hệ của ông bà và bố mẹ tôi, đồng hồ Odo như một kỷ niệm đẹp. Khoảng nửa thế kỷ trước, gần như gia đình nào ở Hà Nội cũng đều mơ ước có một chiếc đồng hộ Odo treo trong nhà.


Đồng hồ Odo gắn liền với cuộc sống của nhiều gia đình Hà Nội thế kỷ 20.

Đồng hồ treo tường hay đồng hồ tủ đặc biệt phổ biến ở VN và HN thập niên 1930, đặc biệt là đồng hồ Odo của Pháp như một vật trang trí nội thất sang trọng. Cùng năm tháng, điệu nhạc Westminster phát ra từ những chiếc đồng hồ treo tường Odo đã hằn sâu trong tâm trí hàng vạn người Việt. Ở nhiều gia đình Hà Nội, chiếc đồng hồ Odo được chuyển từ đời này sang đời khác, như một vật gia bảo trong gia đình.

Cho tới tận bây giờ rất nhiều người vẫn mải miết đi tìm những chiếc đồng hồ Odo có niên đại hàng trăm năm hay những chiếc đồng hồ Odo đã đi vào lịch sử như Odo 36, Odo 54... Cùng với đồng hồ tủ và đồng hồ treo tường với đại diện là hãng Odo của Pháp, các nhà sưu tập hiện nay còn mở rộng ra chơi các loại đồng hồ chạy cơ hoàn toàn như đồng hồ để bàn, đồng hồ tượng đồng, đá, Úp ly... của các hãng Junghans, Schatz, Vedette, Jura...


Đồng hồ để bàn mô phỏng Khải hoàn môn của Pháp.

Bên cạnh những chiếc đồng hồ treo tường đẹp mắt, cuộc triển lãm còn đưa người xem đến với những chiếc đồng hồ tủ gỗ với những kiểu cách mang đậm tính nghệ thuật và cổ điển từng gắn liền với những biệt thự Pháp cổ. Nó vượt qua giá trị của những công cụ đo thời gian thông thường khi chứa đựng trong đó tính nghệ thuật, lịch sử hay thậm chí là khuynh hướng kiến trúc của cả một thời đại.

Những cỗ máy thời gian bên trong những chiếc tủ cũng là một công trình nghệ thuật. Trong số này đáng chú ý có chiếc đồng hồ tủ đứng bằng gỗ sồi hiệu Amuf của Đức. Chiếc đồng hồ này sản xuất từ thập niên 40 của thế kỷ trước, đánh nhạc Westminster, 8 gông thép, máy chạy tạ xích.


Đồng hồ để bàn 2 cột đá của Pháp sản xuất cuối thế kỷ 19.

Đặc biệt, bộ sưu tập những chiếc đồng hồ để bàn thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Trong số này có chiếc đồng hồ để bàn hai cột đá với mặt men có xuất xứ từ Pháp đời từ cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất lại là chiếc đồng hồ để bàn bằng đá cẩm thạch trắng đúc nguyên khối có khối lượng lên đến hơn 40kg, mặt men với bức tượng đồng mạ vàng đặt phía trên rất tinh xảo cũng ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 19.

Bên cạnh đó còn có chiếc đồng hồ để bàn làm bằng đá đen và chiếc đồng hồ để bàn vỏ gỗ, mặt men với hoạ tiết đồng được thiết kế theo hình Khải hoàn môn ở Paris cùng ra đời khoảng cuối thế kỷ 19. Những chiếc đồng hồ để bàn của Pháp không chỉ đơn thuần là công cụ đếm thời gian mà còn được thiết kế như những tác phẩm nghệ thuật thực sự mà ai cũng ao ước có được trong phòng tiếp khách nhà mình, bất kể là kiến trúc gì.


Đồng hồ cổ được thiết kế hết sức tinh xảo từ mặt đến tủ.

Khác với những món đồ khác, chỉ những chiếc đồng hồ còn đang chạy được với có giá trị, bất kể nó được sản xuất cách đây 2 thế kỷ hay hàng chục năm trước. Đồng hồ cũng không phải là thú chơi quá tốn kém bởi với nhiều người, một chiếc đồng hồ gắn với những câu chuyện đặc biệt dù chỉ có giá vài triệu đồng cũng là vô giá. Thú chơi đồng hồ cũng rất khác nhau.

Người chỉ thích đồng hồ đeo tay, người thì mê mẩn những chiếc đồng hồ để bàn của Pháp được đúc từ đá cẩm thạch, người lại chỉ thích những chiếc khung gỗ được làm cầu kỳ của những chiếc đồng hồ tủ của Pháp. Đặc biệt có những người chỉ thích nghe tiếng nhạc điểm giờ của những chiếc đồng hồ cổ, một ngày thiếu cái âm thanh ấy là không chịu được. Và thực tế đã có người chơi treo cả một dàn đồng hồ ở phòng làm việc cơ quan vì không thể chờ đến tối mới về nhà mới nghe được thứ âm thanh quen thuộc ấy. Có bác còn mời vợ sang phòng khác chỉ vì bà trót phàn nàn tiếng chuông đồng hồ làm mình mất ngủ.

Bài sau: Chuyện khó tin xung quanh những chiếc đồng hồ cổ

Cận cảnh vẻ đẹp tuyệt vời của những chiếc đồng hồ cổ




























  • Hạnh Phương
    Ảnh: Nguyễn Hoàng