- Gần đây, hàng loạt hộ gia đình kêu trời về tình trạng hóa đơn tiền điện tháng qua bỗng dưng tăng gấp đôi. Nhiều người nghi ngờ liệu có sự nhầm lẫn “có chủ đích” ở đây?

Chị Hằng ở ngõ 139 Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy choáng váng khi hóa đơn tiền điện tháng vừa rồi là 1,2 triệu đồng, tăng gấp đôi các tháng trước. Chị cho biết, khi cầm tờ hóa đơn, thấy số tiền điện tăng vọt chị chỉ nghĩ tháng vừa rồi thời tiết nóng, gia đình dùng điều hòa nên số điện nhảy vọt lên. Song, thấy nhiều người phản ánh cũng bị tình trạng tương tự, xem lại chị mới thấy số tiền này là bất hợp lý bởi gia đình vẫn sử dụng điện bình thường, chỉ thêm cái điều hòa công suất nhỏ nhưng thi thoảng mới bật.

“Nhà có trẻ nhỏ, sợ cháu bị viêm họng nên mỗi ngày gia đình chỉ dám bật điều hòa khoảng 5 tiếng, từ 22h đến 2h sáng. Mà không phải ngày nào cũng bật. Chúng tôi chỉ dùng điều hòa vào những ngày nắng nóng, còn bình thường bật quạt. Như vậy giỏi lắm một tháng cũng mất thêm khoảng 100 số điện nữa chứ không thể tăng gấp đôi so với những tháng trước được”, chị Hằng tính toán.

Trường hợp hóa đơn tiền điện bỗng nhiên tăng gấp đôi không chỉ xảy ra ở một khu vực mà tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội cũng có tình trạng tương tự.

{keywords}
Hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi trước sự ngỡ ngàng của chủ nhà.

Chị Vũ Thị Thủy làm thu ngân cho một quán cà phê trên đường Nguyễn Thị Định (Cầu Giấy, Hà Nội) bất ngờ khi tiền điện tháng này của quán vụt tăng, cao gần gấp đôi so với tháng trước.

“Sau khi tiền điện bị tăng vụt lên 13 triệu đồng (tháng trước là 8 triệu đồng), chủ quán cứ nghĩ do trời nóng nên tiền điện đội lên và bắt nhân viên sử dụng điện thật tiết kiệm, khi không có khách phải tắt bớt thiết bị điện không cần thiết. Tuy nhiên, nhân viên ở quán ai cũng thắc mắc bởi điều hòa và các thiết bị điện khác tại quán vẫn sử dụng bình thường, quán cũng không sử dụng thêm thiết bị điện nào, vậy tại sao hóa đơn tiền điện lại tăng lên gần gấp đôi?” - chị Thủy bức xúc.

Anh Nguyễn Tuấn Linh ở Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho biết, so với những tháng trước, gia đình anh không dùng thêm thiết bị điện nào nhưng tiền điện tháng này cũng tăng gấp, đôi từ 640.000 đồng (tháng trước) lên 1,2 triệu đồng (tháng này) mà không rõ nguyên do.

Trong khi đó, cũng có không ít người khác ca thán bởi tiền điện phải đóng tháng này quá cao so với mức mà họ sử dụng. Thậm chí, có hộ còn rất bức xúc do cả gia đình đi du lịch một tuần liền, không sử dụng tới bất cứ thiết bị điện nào trong thời gian đó, thế mà hóa đơn tiền điện không những không giảm mà tháng này còn bị tăng lên gấp đôi.

Nhiều người còn cho hay, khi đi đóng tiền điện có thắc mắc tại sao hóa đơn tiền điện tháng này lại tăng vọt lên như vậy họ đều được giải thích từ phía đơn vị thu tiền điện, rằng “do trời nóng, điều hòa mở nên tốn điện hơn”. 

{keywords}
Liệu có thêm sai sót trong việc ghi chỉ số công tơ điện? (ảnh minh họa)

Trước đó, anh Nguyễn Tuấn Linh - sau khi phát hiện chênh lệch tiền điện tại văn phòng tháng 6 tăng gấp đôi so với tháng 5 dù điện sử dụng rất ít, đã làm đơn khiến nại lên điện lực quận Ba Đình. Kết quả, sau khi kiểm tra so sánh hóa đơn điện với số điện thực tế, đại diện phía điện lực Ba Đình đã thừa nhận trường hợp của anh Linh là do đội quản lý phường có ghi nhầm và cam kết sẽ trừ các chỉ số ghi sai vào tháng 7.

Tuy nhiên, đa số mọi người dều cho rằng, nếu ghi nhầm, phía nhà cung cấp chỉ có thể nhầm một vài trường hợp chứ không thể có chuyện nhầm đồng loạt, diễn ra tại khắp các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội như vậy.

Anh Nguyễn Văn Đức, một trong những trường hợp nhận được hóa đơn tiền điện tháng này tăng vọt, cho rằng, người dân kiểu gì cũng bị thiệt bởi giá điện hiện nay được áp dụng theo mức lũy tiến và số tiền đền bù sẽ không đúng với thực tế giá lũy tiến.

Để chấm dứt tình trạng “ghi nhầm số điện” của nhân viên điện lực và kiểm soát được tiền điện chính xác nhất, một số người cho rằng nên kiểm tra và so sánh hóa đơn tiền điện hàng tháng, nếu thấy vênh số điện thì phải kiểm tra công tơ điện ngay lập tức. Thậm chí, nên lắp thêm một công tơ điện nữa trong nhà để tiện so sánh số điện hàng tháng giữa công tơ điện trong nhà với công tơ điện ở ngoài cột của phía điện lực. Làm như thế mới mong “sự cố ghi nhầm số điện” không còn xảy ra hàng loạt như hiện nay.

Bảo Hân