Lời khen tốt nhất nên nhằm vào sự cố gắng của trẻ chứ không phải vào kết quả cuối cùng. Và khi chỉ trích trẻ, bạn cũng nên tuân thủ đúng theo nguyên tắc này.

{keywords}

Trong một cuộc nghiên cứu do Đại học Columbia (Mỹ) tiến hành, các em bé mẫu giáo được đặt trước một tình huống: Giáo viên sẽ yêu cầu các em xếp hình Lego thành một ngôi nhà nhưng các em quên không lắp cửa sổ. Sau đó, giáo viên và trẻ sẽ chơi trò nhập vai, tưởng tượng chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo, thông qua việc lồng tiếng cho búp bê. Trong vai búp bê cô giáo, giáo viên nói "Ngôi nhà này không có cửa sổ" và đưa ra ba lời chỉ trích dưới đây:

Chỉ trích cá nhân: "Cô rất thất vọng về em"

Chỉ trích kết quả: "Đó không phải là cách làm đúng, vì các khối Lego không được xếp thẳng mà rất lộn xộn"

Chỉ trích quá trình: "Có lẽ em nên nghĩ một cách làm khác thì hay hơn".

Nhóm nghiên cứu sau đó đã ước lượng cảm nhận của trẻ về sự tự tôn: khi nào thì trẻ cảm thấy mình thông minh, ngoan, giỏi. Chúng sẽ được yêu cầu chấm điểm tâm trạng của mình cũng như chấm điểm sản phẩm là ngôi nhà.

Những trẻ nhận phải lời chỉ trích cá nhân có xu hướng chấm điểm tự tôn thấp hơn, tâm trạng tiêu cực hơn, kém kiên trì hơn. Chúng cũng dễ nhìn nhận "phong độ" kém hơn bình thường này chính là năng lực của mình.

Ngược lại, những đứa trẻ nhận lời chỉ trích về quá trình có điểm số tích cực hơn ở mọi hạng mục. Những trẻ bị chê về kết quả thuộc vào nhóm giữa.

Tiếp đó, trẻ được yêu cầu tiếp tục nhập vai. "Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?". Câu trả lời của trẻ có thể khiến cho những bậc phụ huynh có thói quen chỉ trích cá nhân cảm thấy đắng lòng: "Bạn ấy nên khóc và đi ngủ"; "Bạn ấy nên bị loại".

Trong khi đó, câu trả lời của các bé bị chê về "quá trình" hồn nhiên và tích cực hơn nhiều: "Con có thể làm tốt hơn nếu như có thêm thời gian"; "Con sẽ tháo hết ra và lắp lại để có cửa sổ"; "Con có thể trả lời là nhà vẫn chưa xong mà. Con có thể cắt những ô vuông bằng giấy rồi dán lên tường thành cửa sổ".

Sự khác biệt là rất rõ ràng, phải không?

Một số câu chỉ trích quá trình mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo là "Con nghĩ chuyện gì đã xảy ra vậy?"; hay "Lần sau chúng ta nên làm khác đi như thế nào nhỉ?" hoặc "Con có nghĩ ra cách nào hay hơn thế này không?".

Cách tiếp cận tích cực và có suy nghĩ này sẽ rất có ích trong việc thiết lập mối quan hệ thân thiết, tốt đẹp giữa phụ huynh và trẻ. Những câu hỏi kiểu trên giúp cho trẻ có không gian để tự hình dung ra câu chuyện theo cách riêng của mình, cũng như giúp người giáo viên đánh giá được tính cách và năng lực thực sự của trẻ.

Khi con bạn phân tâm và làm đổ cốc nho khô/hạt điều ra sàn nhà, thay vì mắng trẻ xơi xơi, bạn hãy cố bình tĩnh và hỏi trẻ rằng "Lần sau con có thể làm khác hơn như thế nào?". Câu trả lời của trẻ sẽ khiến tâm trạng bạn tốt hơn rất nhiều, thay vì tiếp tục cáu kỉnh và mắng mỏ trẻ đấy!

Y Lam