- “Không phải sung sướng gì đâu mà tự dưng đi chuyển giới. Đó là một ý nghĩ sai lầm. Mà đó là muốn đi tìm lại con người thật của mình. Bình thường có nhiều người nói là mày bị điên à mà đi chuyển giới, hay nói làm đàn ông không thích sao lại thích làm đàn bà… Chị cũng muốn làm đàn ông cho nó sướng đó chứ...”.

Rào cản chồng chất

Để có thể trở thành người đúng như mình mong muốn, một trong những rào cản khó khăn nhất người chuyển giới phải vượt qua lại chính là gia đình. “Gia đình chị cũng đồng ý, nhưng cũng phải qua một thời gian rất dài, chứ không phải chị nói cái là mọi người đồng ý đâu” – Ánh Phong (quê Quảng Ngãi) cho biết, “Lúc đầu mọi người nhất định không cho phép, nhưng qua mỗi năm mỗi tháng chị về nhà, chị nói về những người chuyển giới, đồng tính và nói về bản thân như thế mọi người mới hiểu hơn”,chị cười và tâm sự.

Sự đồng ý của gia đình chính là động lực lớn nhất động viên người chuyển giới đi tìm lại cơ thể thật sự của mình. Nếu không có sự ủng hộ từ gia đình, người chuyển giới dễ bi quan, chán nản, không dám thực hiện ước mơ. Gia đình cũng là hậu thuẫn cho người chuyển giới khi đối mặt với xã hội. Tuy vậy không phải gia đình nào cũng hiểu và ủng hộ để giúp người chuyển giới thực hiện điều đó.

“Mẹ chị khóc nhiều, chị gái cũng khóc. Rồi bảo chấp nhận thôi chứ sao bây giờ. Bố mẹ thì ai cũng thương con hết, nhưng mẹ chị không cho, mãi sau này mẹ mới đồng ý. Chị bảo là con hạnh phúc khi con làm được điều ấy thì mẹ chị cũng vui. Nhưng sau khi chị chuyển rồi chị nói với mẹ: “Má ơi má, bây giờ má muốn con làm con gái hay làm con trai? Con làm con gái thì con rất hạnh phúc”. Mẹ chị mới bảo: “Thật tâm bây giờ má vẫn muốn con làm con trai hơn là con gái. Nhưng sự việc đã qua rồi. Má lo cho tương lai của con, lúc phẫu thuật bị đau đớn, rồi không biết sau này có bị ảnh hưởng sức khoẻ hay không. Má thương con, lo cho sức khoẻ của con”, chị Phong nói về mẹ bằng lời nói đầy sự dịu dàng, ánh mắt chất chứa mong nhớ với người mẹ đang ở Quảng Ngãi của mình. Nhưng trong lời kể chị vẫn không thể giấu được nỗi buồn sâu thẳm.

{keywords}

Ánh Phong hạnh phúc khi được là chính mình.

“Người buồn nhất vẫn là người mẹ. Trước mặt mình mẹ không khóc nhưng khi chị cố ép nói chuyện với mẹ thì mẹ chị mới khóc. Mẹ sợ chị sau này không có chồng, mà có chồng thì cũng không có con. Không có gia đình. Nhưng mẹ bảo là con cứ sống tốt đi, đừng có làm ảnh hưởng đến xã hội, sống lành mạnh là mẹ vui rồi. Lúc đó thì chị cười vui nhưng quay lưng đi là mẹ khóc”, ánh mắt chị đượm buồn khi kể lại.

{keywords}

Ánh Phong chuẩn bị đi làm.

Ánh Phong  may mắn khi được gia đình ủng hộ đi chuyển giới. Tháng 5/2013 chị đã thực hiện chuyển giới và trở thành một cô gái thật sự. Nhưng nhiều người chuyển giới khác không được may mắn như Ánh Phong, H.A – một người chuyển giới 17 tuổi ở Đông Anh – Hà Nội cho biết, bạn mồ côi từ nhỏ và sống cùng bố mẹ nuôi ở Đông Anh, bố mẹ nuôi rất thương yêu bạn, nhưng khi phát hiện ra bạn là người chuyển giới và đang tìm hiểu cách thức chuyển giới thì bố mẹ nuôi đã đuổi bạn ra khỏi nhà, hiện bạn vẫn đang lang thang ở Hà Nội và kiếm sống bằng nhiều cách khác nhau. Hay như L.L – một người chuyển giới ở TP.HCM đã bị gia đình xích lại ở chân cầu thang và bỏ đói chỉ vì phát hiện ra “nó muốn thành con gái”. Sau đó gia đình bắt L.L đi bộ đội để quên đi “sở thích bệnh hoạn” của mình. Nhưng cuộc sống trong quân ngũ cũng không làm cho cô gái trong thân xác con trai đó sống đúng như mong muốn của mọi người, cuối cùng L.L xuất ngũ với một trái tim đầy chán nản và tổn thương.

Nguy hiểm luôn rình rập

Trước khi thực hiện phẫu thuật thì những người chuyển giới đều phải sử dụng Hoóc môn trong một thời gian dài. Đối với người nam chuyển sang nữ thì phải sử dụng Hoóc môn nữ, đối với người nữ chuyển sang nam thì phải sử dụng Hoóc môn nam. Hoóc môn có nhiều loại như tiêm, uống, dán. Sau khi sử dụng Hoóc môn thì nó gây ra những tác động rõ ràng lên cơ thể, giọng nói... của người chuyển giới. Tuy vậy, một sự thật đáng kinh ngạc là nhiều người chuyển giới ở Việt Nam không thể tìm được một hướng dẫn, sự giúp đỡ về y tế hay những tư vấn cần thiết khi bắt đầu quá trình sử dụng Hoóc môn.

“Em có đọc trên mạng nhưng mà nó cũng sơ sài”, T.* – một người chuyển giới từ nữ sang nam cho biết. “Em tìm thêm trên Youtube, trên các diễn đàn ở nước ngoài. Em thấy có thông tin về một loại thuốc tiêm phổ biến, có cả thuốc uống và thuốc dán nữa. Tìm hiểu hơn 1 năm rồi em quyết định sử dụng. May là ở Việt Nam có sẵn cả thuốc uống lẫn thuốc tiêm, “không cần kê đơn cũng mua được”, giá cũng rẻ nữa. Thuốc em dùng gốc Hà Lan, giá 120.000 đồng, nhưng em tìm hiểu thì ở Mỹ hay EU một ống Hoocmon khoảng 100 đôla, đắt gấp 15 lần. Nên em không nghĩ em dùng được loại thuốc tốt”.

Thế nhưng sự tự tìm hiểu mà không có bất kì một cuộc kiểm tra, tư vấn xem loại Hoóc môn nào phù hợp với T., cách dùng ra sao, nếu có biến chứng phải xử lý như thế nào. Hoàn toàn không có. T. phải mày mò tự sử dụng. “Em mua thuốc uống về dùng thử qua kinh nghiệm của các bạn em đã dùng. Em uống thuốc thì bị mụn nhiều. Em uống hết 3 hộp, khoảng 90 viên trong 2 tháng thì em ngừng. Lần này em có nghe tư vấn của bạn em là sinh viên Y, em đi xét nghiệm, thử nồng độ Hoóc môn, khám gan, thì gan vốn không tốt nên lúc tiêm chỉ tiêm 1ml một liều. Em chỉ dám tiêm 0,5ml một liều mà vẫn có phản ứng (biến chứng) nên em dừng hẳn”. T. kể lại quá trình dùng Hoóc môn của mình. 

“Thuốc tiêm thì cơ thể phản ứng nhanh, ngay lúc tiêm nếu tiêm nhanh đã khó thở, có thể sốc thuốc rồi. Em cũng bị rất nhiều mụn ở lưng, ngực, mặt, cổ, đi xét nghiệm thì thấy gan em không tốt, dễ bị kích ứng khi dùng thuốc”. Nghe T. kể đến đâu chúng tôi toát mồ hôi vì lo sợ đến đấy. Sự liều lĩnh khi tự sử dụng Hoóc môn không qua một hướng dẫn chính thống của cơ sở y tế hay bác sĩ nào rất có thể sẽ gây nên một biến chứng khủng khiếp. Mà tất cả những điều đó chỉ được T. giải thích bằng một lý do:

“Em cũng muốn tìm bác sĩ tư vấn nhưng tìm hiểu thì pháp luật chưa cho phép. Em cũng tìm đến bệnh viện nội tiết thì bác sĩ bảo cái này không được phép, bệnh viện này chuyên điều trị các bệnh đường tiết niệu, chứ không phải nội tiết tố. Bác sĩ bảo em thế”. T. cười.

Đau đớn và quyết tâm

“Trước khi phẫu thuật mình cũng được tư vấn. Ngày trước khi phẫu thuật thì chị được ăn nhẹ, rồi người ta cho chị uống một loại thuốc rất chua và khó uống để rửa sạch ruột”. Ánh Phong hồi tưởng lại quá trình thực hiện phẫu thuật của mình. “Lúc sắp mổ thì mình lo lắng, sợ đau. Mình sợ quá trời. Nhưng may mắn là chị được một bác sĩ rất nổi tiếng ở Thái Lan thực hiện phẫu thuật. Người ta làm rất nhẹ nhàng, nói chuyện ân cần với chị, được một lát thì chị ngủ lúc nào không biết. Khoảng 5 tiếng sau mình mơ màng tỉnh dậy. Mình biết là mình đã phẫu thuật xong rồi”.

 Ánh Phong vừa kể vừa cười giòn giã. “Rồi mình tỉnh dậy thì thấy băng bó hết vùng kín đó, 3 ngày đầu chưa thấy đau. Đến ngày thứ 4, thứ 5 hết thuốc tê thì bắt đầu có cảm giác đau nhức. Cái ống nước tiểu người ta thông qua âm đạo để dẫn nước tiểu, vì lúc này âm đạo mới chưa có dùng được, nó gây ức chế lắm. Lúc mình mắc tiểu lắm mà không tiểu được thì thực ra đã tiểu rồi. Chị phải đeo cái dây đó 7 ngày. Sau 7 ngày người ta rút chỉ, chị cảm giác nó buốt, khó chịu lắm”.

“Chị sợ lắm”, Ánh Phong nói, “Người ta tháo chỉ ra, muốn nhìn “nó” như thế nào mà không dám nhìn. Sợ quá. Vừa muốn nhìn mà không dám nhìn. Rồi bác sĩ tháo băng cho chị nói: “Oh, you’re beautyful” (Ồ, bạn rất đẹp) thì chị mừng ơi là mừng. Đến ngày thứ 8, thứ 9 gì đó chị tập đi, đi từ từ, nhẹ nhẹ từng bước một. Vất vả lắm. Rồi bác sĩ hướng dẫn mình cách “thông” để âm đạo mới không bị bít lại, bác sĩ cho mình 3 cái cây: cây nhỏ, cây trung bình, cây lớn”, kể đến đây Ánh Phong phải ngừng lại một lát để cười.

“Hầu như những người chuyển giới khi đã là con gái rồi thì người ta hay ngại những chuyện thầm kín”, Ánh Phong thổ lộ. “Ví dụ như chuyện người chuyển giới sau khi phẫu thuật bắt buộc mỗi ngày phải tập cơ âm đạo mới 2 lần, giống như mình thủ dâm đó, cho nó quen với bộ phận mới. Nó là nhân tạo mà, nó giống như mình bấm lỗ tai ấy, nếu mình không xâu nó hàng ngày thì nó sẽ bị bít. Chị nói thật hết luôn, vì sao, nói để cho mọi người hiểu, mọi người thông cảm, để mọi người biết người chuyển giới phải trải qua những đau đớn như thế nào chứ không phải chuyển giới là đơn giản", Ánh Phong nói một cách nhiệt tình và đầy tin tưởng.

Ánh Phong khá giống con gái nên không phải thực hiện nhiều phẫu thuật, nhiều người chuyển giới khác có ngoại hình thô nên thường phải trải qua nhiều phẫu thuật như cắt vai, gọt hàm, nâng mí, tẩy lông, hút mỡ,… để làm cơ thể thon gọn và giống nữ tính hơn. Đương nhiên mỗi phẫu thuật như vậy càng làm tăng thêm thời gian đau đớn và phí tổn cho phẫu thuật hơn. Sự đau đớn và tốn kém để trở lại đúng với con người của mình của những người chuyển giới là điều ít người biết đến. Nhiều người tưởng rằng quá trình chuyển giới là dễ dàng, vui vẻ và cho rằng đó là một sở thích hoặc thú vui lệch lạc. Nhưng có biết về những đau đớn và khó khăn họ phải vượt qua để được trở thành chính mình thì mới càng thông cảm và khâm phục người chuyển giới hơn.

“Thời gian này là thời gian đau đớn nhất do vết thương của mình chưa lành hẳn. Tự dưng một vết thương mà mình nong ra thì mỗi lần tập là một lần đau, mỗi lần tập là rơi nước mắt", Ánh Phong kể lại những đau đớn mình phải trải qua một cách bình thản. Dường như những đau đớn đó không đáng kể so với hạnh phúc được là chính mình mà chị đang tận hưởng.

Quá trình chuyển giới đầy đau đớn và nguy hiểm như vậy, nhưng mỗi người chuyển giới trong cuộc đời mình đều khát khao có thể thực hiện nó. Để trở thành một con người trọn vẹn về cả thể xác và tâm hồn. Không thể nói chuyển giới là một sở thích, một ý định nhất thời nếu chúng ta biết cả quá trình chuyển giới diễn ra gian nan, vất vả, người chuyển giới phải đối mặt với hàng trăm vấn đề nảy sinh từ trước cho đến sau khi chuyển giới như thế nào. Có lẽ đã đến lúc cần nhìn lại những nhận định chưa đúng từ trước đến nay với những người chuyển giới nói chung và những ca phẫu thuật chuyển giới nói riêng.

Cái kết có hậu

“Hôm ở Câu lạc bộ Hải Đăng, chị L.D hát một bài rồi chị kể về cuộc đời mình, chị ấy bảo: “Chị rất hối hận khi chuyển giới”, lúc đó chị buồn ơi là buồn. Nhưng L.D nói tiếp là: “Hối hận vì chuyển giới quá muộn”. Chị mừng ơi là mừng. Từ đó chị có ước mơ là đi chuyển giới ngay, càng nhanh càng tốt”. Bây giờ thì Ánh Phong đã thực hiện được ước mơ và chị đang rất hạnh phúc với quyết định của mình.

Lâm Lâm - Thu Phương

* Tên nhân vật đã được thay đổi.