- Việc vận chuyển trái phép sừng tê giác ở Việt Nam có xu hướng tăng trở lại từ năm 2013 đến nay với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, kể cả khi chúng đã bị phía Nam Phi tiêm thuốc độc.
Bà Nguyễn Thị Diệu Huyền, chuyên viên Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm như sừng tê giác, ngà voi châu Phi, tê tê, hổ,... vẫn diễn biến phức tạp.
Số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép sừng tê giác có xu hướng tăng trở lại từ năm 2013 đến nay.Tuy nhiên, các vụ buôn lậu diễn ra nhỏ lẻ với trọng lượng ít. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp bắt giữ 4 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép sừng tê giác.
Thống kê từ năm 2008 đến 6 tháng đầu năm nay, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện và bắt giữ 23 vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác. Số lượng trên 26 khúc, 10 chiếc sừng và gần 140 kg sừng tê giác. Đặc biệt, năm 2012 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 vụ, tịch thu trên 25 khúc sừng tê giác.
Mặc dù đã được tiêm chất độc vào sừng, song, từ năm 2013 đến nay, việc buôn bán sừng tê giác ở Việt Nam vẫn có xu hướng tăng trở lại |
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Huyền, phương thức vận chuyển của các đối tượng buôn lậu sừng tê giác ngày càng tinh vi và phức tạp. Các đối tượng thường mang theo trong hành lý của hành khách nhập cảnh. Đặc biệt, để qua mắt cán bộ Hải quan tại sân bay cũng như đội ngũ chó nghiệp vụ, các đối tượng thường dùng thủ đoạn cắt khúc, bôi tỏi lên toàn bộ khúc sừng, sau đó quấn giấy bạc, giấu trong các vật ngụy trang như bức tượng, lư hương,...
“Có đối tượng tinh vi hơn dùng các vật liệu phản quang che giấu sừng tê giác để đối phó với máy soi của Hải quan, móc nối với một số đối tượng có nhiệm vụ trong sân bay để tuồn hàng ra ngoài”, bà Huyền cho hay.
Bên cạnh đó, bà Teresa Telecky, Giám đốc Bộ phận Loài hoang dã (Tổ chức Humane Society Internatinonal) cho biết, thực tế, tính đến nay chưa có một bằng chứng khoa học nào cho thấy sừng tê giác có tác dụng với sức khỏe con người. Về mặt cấu tạo, sừng tê giác có cấu tạo từ chất sừng, thành phần quen thuộc trên cơ thể động vật. Sừng tê giác không phải thứ gì kỳ diệu.
Tuy nhiên, do sự đổi thổn về sừng tê giác có công dụng chữa được ung thư nên nạn săn bắt tê giác để cắt lấy sừng diễn ra mạnh như hiện nay.
Tại Nam Phi, cơ quan chức năng đã phải sử dụng biện pháp bơm chất độc vào trong sừng tê giác để ngăn chặn nạn cắt sừng tại Nam Phi. Họ dùng chất thường dùng để diệt ký sinh trùng bôi lên da động vật, giờ dùng bơm cao áp bơm trực tiếp vào sừng tê giác với ý tưởng là khi sừng có độc có thể sẽ làm người sử dụng chùn bước, từ bỏ thói quen dùng sừng tê giác.
“Tuy nhiên, sừng bơm độc thì bọn săn trộm không quan tâm. Cần truyền đạt rộng rãi hơn nữa thông điệp này vì tôi thấy ở Việt Nam nhiều sản phẩm sừng tê giác đã bị tiêm độc. Ngoài ra, nhiều sừng tê giác ở bảo tàng đã bị đánh cắp lưu hành trên thị trường”, bà Teresa Telecky nói.
Bảo Hân