Chính phủ của Myanmar đã xác nhận rằng, bà Aung San Suu Kyi và các đồng minh của bà đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra hồi cuối tuần.
Trong khi đó, thế giới bên ngoài đang cân nhắc việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Myanmar trong vài tuần tới. Các đài phát thanh và truyền hình Myanmar thông báo rằng, đảng Liên minh dân tộc vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã giành 40 trong số 45 ghế mà đảng này tham gia tranh cử (kết quả từ 5 khu vực bầu cử ở các vùng miền xa xôi chưa được thống kê).
Bà Aung San
Suu Kyi: Phải
bảo đảm chiến thắng của nhân dân là một chiến thắng có phẩm giá. Ảnh: AP |
Kết quả sơ bộ đưa ra thậm chí còn vượt qua cả những dự đoán lạc quan nhất của một số nhà lãnh đạo đối lập trước cuộc bầu cử. NLD đã giành được sự ủng hộ rộng rãi kể cả khi chính phủ của Myanmar đang theo đuổi những thay đổi bước ngoặt nhằm thay đổi hình ảnh đất nước và thu hút sự đầu tư nước ngoài sau năm thập niên dưới sự lãnh đạo quân sự cứng rắn.
Những cải cách bao gồm cả các biện pháp bất ngờ trong vài tháng qua như phóng thích tù chính trị, dỡ bỏ các hạn chế với Internet và mở cửa kinh tế cho đầu tư nước ngoài.
Tuy giành thắng lợi vang dội, nhưng dù sao đảng của bà Suu Kyi vẫn chỉ chiếm phần nhỏ trong quốc hội Myanmar - nơi phần lớn hơn 600 ghế do các nhân vật có mối liên quan đến chế độ quân sự cũ.
Việc xác nhận các kết quả bầu cử hôm chủ nhật diễn ra chỉ sau ít giờ khi bà Suu Kyi lên tiếng ca ngợi chiến thắng cho đảng của bà là một “chiến thắng của nhân dân” và cam kết sẽ làm việc với các đảng khác để mang sự hòa giải đến với một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Á. Nhân vật từng đoạt giải Nobel Hòa bình phát biểu: “Việc các đảng viên NLD và người ủng hộ hân hoan vào lúc này là điều bình thường. Tuy nhiên, phải tránh hoàn toàn những phát biểu, cách xử sự và hành động có thể gây tổn hại và phiền muộn cho những đảng phái khác cùng người dân. Tôi muốn mọi đảng viên NLD phải bảo đảm rằng chiến thắng của nhân dân là một chiến thắng có phẩm giá”.
Kỷ nguyên mới
Nó cũng xuất hiện vào lúc chính phủ Myanmar tiến hành một trong những cải tổ lớn nhất tới thời điểm này: áp dụng tỉ giá thả nổi có kiểm soát sau nhiều năm cố giữ đồng kyat ở mức cao gây bối rối cho doanh nghiệp nước ngoài. Chính phủ đã đặt mục tiêu giá mới cho đồng kyat là gần với mức giá "chợ đen" và các ngân hàng đang làm theo, khi trao đổi đồng đô la ở tỉ giá mới.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo nước ngoài gần như tránh đưa ra các bình luận ấn tượng về những thay đổi mới nhất đang diễn ra ở Myanmar, cho dù thể hiện sự tán thành với kết quả bầu cử hôm chủ nhật.
Cuộc bầu cử đánh dấu "một bước đi quan trọng trong chuyển đổi dân chủ ở Myanmar và chúng tôi hy vọng đó là một dấu hiệu cho thấy, chính phủ nước này có ý định tiếp tục theo đuổi con đường hướng tới sự cởi mở hơn, minh bạch và cải cách", Nhà Trắng nói trong một tuyên bố. Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell thì cho rằng, thành tựu của phe đối lập ở Myanmar là "bước tiến quan trọng với nước này".
Trưởng đại diện ngoại giao của EU, bà Catherine Ashton nói: "Tôi chúc mừng chính phủ và nhân dân Myanmar về tiến trình bầu cử".
Giờ đây, chú ý đổ dồn vào vấn đề cấm vận và liệu các quốc gia phương Tây sẽ nhanh chóng dỡ bỏ chúng.
Cả Mỹ và châu Âu đều tuyên bố rằng, tổ chức cuộc bầu cử tự do và công bằng hôm chủ nhật là điều kiện tiên quyết để chấm dứt cấm vận kéo dài hai thập niên qua với Myanmar. Các ngoại trưởng EU sẽ thảo luận việc nới lỏng trừng phạt khi họ gặp nhau vào 23/4, một phát ngôn viên của Uỷ ban châu Âu nói.
Cuộc bầu cử ở Myanmar là một phần thành quả mối quan hệ "mới và hợp tác" giữa EU và Myanmar, người phát ngôn của bà Ashton nói cho dù nhấn mạnh rằng, EU cũng còn cân nhắc tới các yếu tố khác, như quyết định thả tù chính trị. Ở giai đoạn này, nới lỏng cấm vận sẽ đồng nghĩa với việc gia tăng viện trợ phát triển và có thể là một số biện pháp dỡ bỏ hạn chế với những ngành công nghiệp nhất định, một quan chức ngoại giao EU cho biết. Các biện pháp trừng phạt bao gồm cả những hạn chế về khai khoáng, xuất khẩu gỗ và đầu tư vào các công ty quốc doanh. Lệnh cấm vận vũ khí của EU thì không chắc sẽ sớm thay đổi.
Australia cũng sẽ cân nhắc nới lỏng một số biện pháp trừng phạt với Myanmar sau cuộc bầu cử hôm chủ nhật, Ngoại trưởng Bob Carr nói. Trong khi đó, vẫn có những người bất đồng tiếp tục phản đối nới lỏng cấm vận. Còn quan chức Myanmar thì khẳng định rằng, họ rất nghiêm túc trong việc thúc đẩy dân chủ.
Phát biểu trước đám đông tập trung ngoài trụ sở của NLD, bà Suu Kyi cho biết, bà hy vọng chiến thắng sẽ đánh dấu "sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới" với Myanmar.
Thái An (theo Wall Street Journal)