Theo các chuyên gia hóa học, việc suy thoái não, dị hình xương sẽ có thể xảy ra sau một thời gian phụ gia, tạp chất từ nồi nhôm dởm bong ra, đi vào cơ thể và tích tụ trong các mô.

“Chuộng”đồ rẻ

Chỉ với giá từ 10.000-30.000 đồng/sản phẩm, nồi nhôm “siêu rẻ” bán tại các chợ trên địa bàn Hà Nội hiện được nhiều người, nhất là đối tượng sinh viên và người có thu nhập thấp chọn là vật dụng để nấu nướng.

Chỉ cần đi một vòng qua một số chợ của Hà Nội như chợ Phùng Khoang, chợ Xanh, chợ Nghĩa Tân và nhiều chợ nhỏ ở ven ngoại thành là có thể dễ dàng mua được những vật dụng từ xoong nồi, ấm đun nước bằng nhôm không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ với giá rẻ bất ngờ... Không chỉ được bày bán tại các chợ, những vật dụng bằng nhôm không nguồn gốc còn theo những gánh hàng rong len lỏi vào tận những làng, thôn ngoại thành. Vật dụng bằng nhôm được bán trôi nổi trên thị trường có giá chỉ bằng 1/5, thậm chí thấp hơn hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Chị Hà – chủ gian hàng chuyên bày bán hàng gia dụng tại chợ Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, quầy của chị có đủ các mặt hàng với đủ loại giá. “Những nồi nhôm do công ty sản xuất có giá từ 50.000 đồng/cái trở lên, đắt nhất khoảng 700-800 ngàn đồng, còn hàng nhôm tái chế giá chỉ 12.000 - 15.000 đồng/cái, chủ yếu do các cơ sở tư nhân sản xuất nên không nhãn mác”.

{keywords}

Vật dụng bằng nhôm được bán trôi nổi trên thị trường tuy có hình thức khá đẹp, nhìn bên ngoài rất sáng và sạch song đều có nguồn gốc từ nhôm tái chế. Những mặt hàng này chủ yếu được sản xuất từ những làng nghề thủ công mà nguồn nguyên liệu từ phế thải được thu gom ở khắp nơi.

Do vậy, chỉ sau vài lần sử dụng, những đồ dùng này có thể bị xám đen lại và nổ lỗ chỗ. Nếu cọ rửa mạnh nước thôi ra có màu đen. Tuy vậy, hiện vẫn có không ít người mua các dụng cụ đun nấu như nồi, xoong, ấm… bằng vật liệu nhôm, với giá rất rẻ tại các chợ cóc, thậm chí còn mua bát, đĩa, thìa… làm từ nhôm tái chế cho trẻ em sử dụng.

Chị Hoài (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, đồ dùng nấu nướng của gia đình chị đều bằng nhôm, từ nồi niêu xoong chảo cho đến cối giã cua. Nồi nhôm nhẹ, mỏng, có thể treo trên tường hay chồng lên nhau không mất diện tích và khi nấu nướng thức ăn rất nhanh chín. Điều đặc biệt, giá thành nồi nhôm lại rất rẻ. Cả bộ nồi nhôm nhà chị gồm 5 chiếc, cộng với cối, chảo, giá cũng rất... bèo, chỉ hết khoảng 150.000 đồng.

"Nhưng tôi thấy rất lạ là sau khi nấu canh cua hoặc canh cá dọc mùng, những chiếc nồi nhôm sáng bóng một cách bất thường. Còn chiếc nồi nào kho cá, kho thịt trong vài lần đã thấy xuất hiện vết rỗ đen nơi đáy nồi", chị Hoài cho biết.

Suy thoái não, dị hình xương vì nhôm tái chế

Nhiều người tiêu dùng khi mua sắm các vật dụng để đựng, chế biến, nấu nướng thực phẩm thường không quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Chỉ cần các sản phẩm kim loại có độ bóng sáng, phẳng mịn, họ sẵn sàng mua mà không biết mối nguy hại sức khỏe tiềm ẩn từ những vật dụng này do kim loại tái chế, pha lẫn tạp chất…

Theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế, hàm lượng chì có trong sản phẩm nhôm tái chế là 7mg/kg, nếu hàm lượng chì vượt quá sẽ là nguyên nhân làm loãng máu, da xanh, hủy hoại hồng cầu. Ở mức độ nhiều hơn chúng sẽ tích tụ trong gan, thận gây ung thư, giảm chức năng gan và nặng nữa thì gây ngộ độc cấp tính...

Các kỹ sư hóa học - Viện Hóa công nghiệp cho biết , trong quá trình tái chế, do nhôm bẩn còn được độn thêm nhiều loại hóa chất, phụ gia nên các tạp chất này rất dễ bị bung ra trong quá trình đun nấu hay cọ rửa, chà xát mạnh, để lại các vết rỗ trên thành xoong, nồi, ấm đun nước… thôi ra làm nước cọ rửa có màu đen bẩn. Việc lưu trữ thức ăn trong nồi nhôm kém chất lượng sẽ rất độc hại vì các hóa chất, tạp chất bẩn sẽ hòa tan vào thức ăn. Sau một thời gian phơi nhiễm, lượng nhôm tích tụ trong các mô cơ thể có thể gây nhiễm độc nặng như suy thoái não, hay dị hình xương.

Đặc biệt, có thể gây ra tổn hại cho hệ thần kinh như mất ngủ, căng thẳng, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ. Nhiễm độc nhôm cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa của con người, ngăn cản sự phát triển của xương và làm giảm mật độ xương, gây thiếu máu, giảm chức năng gan... Các thức ăn mặn, chua sẽ khiến cho quá trình ăn mòn kim loại càng xảy ra nhanh hơn, khiến cho bề mặt nhôm dễ chuyển màu và bị rỗ nhanh chóng.

Khi được đun nóng, nhiệt độ sẽ thúc đẩy sự khuếch tán của các ion kim loại. Đặc biệt, trong một môi trường quá chua, quá mặn hoặc quá kiềm, sẽ gây phản ứng ôxy hóa khử, giải phóng ra ion nhôm. Nếu trong thức ăn có ô nhiễm ion nhôm, các ion nhôm có thể làm cho tế bào thần kinh não bị biến tính, dẫn tới chứng lú lẫn, ngớ ngẩn. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân, người tiêu dùng không nên sử dụng đồ nhôm để đựng thức ăn qua đêm hay để muối dưa, nấu canh chua, nấu đồ ăn mặn, nóng;

Không dùng đồ nhôm gia công không đảm bảo chất lượng, hạn chế dùng đồ nhôm để chế biến, chứa đựng thực phẩm. Bên cạnh đó, để tránh mua phải đồ nhôm kém chất lượng, người tiêu dùng cần lưu ý chọn lựa đồ có lớp phủ của oxít nhôm đồng nhất, ánh sáng phản quang tốt, nên chọn những sản phẩm đã được kiểm định về chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…

(Theo VietQ)