- Khi những phương pháp thông thường không còn giải quyết được vấn đề mới đặt ra cho doanh nghiệp, nhà quản lí cần tìm phương án khác thay thế. Syntegration là phương pháp mới hiện đang phổ biến trên toàn thế giới, nhưng còn khá mới mẻ tại Việt Nam.

Không có một nhà lãnh đạo nào nói với nhân viên rằng vấn đề không thể được giải quyết, nhưng họ sẽ nói vấn đề này không được xử lí bằng những phương pháp thông thường nữa. Vậy những phương pháp thông thường đó là gì? Nhóm và làm việc nhóm, các buổi tọa đàm nhỏ, các cuộc họp lớn, sự kiện ngoài trời và cả những cuộc họp nội bộ thông thường. Rõ ràng, đứng trước những diễn biến khó lường của tình hình kinh tế – xã hội hiện nay, những phương pháp này có thể là quá chậm. Syntegration – phương pháp cho phép một nhóm khá nhiều cá nhân kết nối với nhau để đạt được những hiểu biết sâu sắc, sự liên kết và đột phá trong một khung thời gian nhất định – được các tổ chức trên toàn cầu sử dụng để giải quyết những vấn đề phức tạp.

Syntegration hoạt động như thế nào?

Một Syntegration tiêu chuẩn có từ 30 đến 40 người tham gia, kéo dài trong khoảng 4 ngày (có thể gồm cả ngày cuối tuần nhằm tránh gián đoạn chương trình). Tất cả đối tượng tham gia đều phải đóng góp ý kiến dựa trên tinh thần tự nguyện với mức độ cam kết cao.

Syntegration là sự kết hợp của các quá trình giao tiếp khác nhau, được kết nối năng động với nhau. Thông thường, quy trình chuẩn bị Syntegration bao gồm:

(1) Xác định chủ đề chính cần được giải quyết.

(2) Xây dựng chủ đề chính dưới hình thức thông điệp hành động được dẫn dắt theo các câu hỏi: “Chúng ta phải làm gì để...”. Câu hỏi này là mục tiêu định hướng nhằm bắt đầu quá trình và phương hướng cho giải pháp.

(3) Lựa chọn những ai tham gia là cần thiết để có giải pháp tối ưu cho câu hỏi mở đầu. Có hai tiêu chí cơ bản: thứ nhất, liên quan đến kiến thức của người tham gia; thứ hai, tầm quan trọng của họ trong mối quan hệ với văn hóa doanh nghiệp.

(4) Xác định ngày và địa điểm diễn ra.

(5) Các giai đoạn tiếp theo sẽ theo một quy trình có cấu trúc rõ ràng, có thể điều chỉnh giai đoạn chuẩn bị và thực hiện tùy thuộc vào hoàn cảnh.

{keywords}

Cấu trúc cơ bản của Syntegration. Ảnh: IDG Business Media GmbH

Phương pháp giúp làm chủ những thách thức phức tạp nhất

Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để nhận biết thời điểm thích hợp dùng phương pháp Syntegration?

Trước hết, cần hiểu rõ Syntegration được dùng để những nhà điều hành cấp cao đề xuất những giải pháp tối ưu, toàn diện cho vấn đề, với sự đồng thuận cao từ các bên tham gia. Đó là những thách thức, khó khăn phức tạp nhất mà tổ chức phải đối mặt, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển với tốc độ quá nhanh như hiện nay.

Trên thế giới, Syntegration thường được áp dụng trong một số trường hợp cụ thể như:

• Các dự án đổi mới phức tạp, kết hợp với một liên kết mới mang tính chiến lược.

• Giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, thường có liên quan đến việc cơ cấu lại tổ chức và sắp xếp các ngành kinh doanh.

• Chiến lược tăng trưởng, có liên quan tới sự hợp tác giữa các tổ chức.

• Sự phát triển mô hình kinh doanh mới, định vị chiến lược liên quan đến các vấn đề về nhân sự và tổ chức.

• Hội nhập sau khi sáp nhập, kết nối các nền văn hóa khác nhau, phát triển bức tranh toàn cảnh về tương lai và hội nhập của cả hai công ty trong việc sáp nhập.

• Chuyển đổi cơ cấu tổ chức, liên quan đến vấn đề văn hóa doanh nghiệp và cải cách hệ thống quản lí cùng nhân sự, các quy định quản lí và lãnh đạo cần thiết.

• Những dự án số hóa lớn và phức tạp có liên quan tới sự can thiệp vào cơ cấu tổ chức, quy trình kinh doanh...

Ngày càng có nhiều trường hợp áp dụng Syntegration, dù các thách thức là phức tạp hay đơn giản, chúng được liên kết với nhau hay có thể làm theo cá nhân, chúng thay đổi nhanh chóng hay vẫn tương tối ổn định. Bởi vì yêu cầu về hiệu quả đang được đảm bảo hơn bằng cách chọn đúng người tham gia thảo luận, đây là điều mà Syntegration có thể làm được.

Đồng thời, Syntegration cũng có khả năng tác động tới một số lĩnh vực cùng lúc, ví dụ như hiệu quả công việc, văn hóa tổ chức, quản trị doanh nghiệp. Về mặt công việc, những giải pháp, biện pháp sáng tạo và tối ưu hóa nội dung đang được tạo ra. Về mặt văn hóa, Syntegration mang đến sự đồng thuận, tinh thần đoàn kết và cam kết giữa các cá nhân đóng vai trò chủ chốt – đó là một nền văn hóa dựa trên sức mạnh, niềm tin và sứ mệnh chung. Về mặt quản trị, Syntegration là cơ hội tối ưu để hoàn thiện toàn bộ hệ thống quản trị của công ty. Những điểm mạnh và điểm yếu trong hệ thống trở nên rõ ràng hơn do hình thức giao tiếp đặc biệt này.

Malik SuperSyntegration – mô hình đã giải đáp cho hơn 600 câu hỏi lớn

Nhờ logic điều khiển học, Syntegration có thể mang tới nhiều khả năng không giới hạn hơn trước kia. Một trong những ví dụ điển hình về ứng dụng Syntegration chính là mô hình Malik SuperSyntegration của Giáo sư Fredmund Malik – Chủ tịch Viện Malik, Thụy Sĩ.


{keywords}

GS. Malik và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng 01/2017. Ảnh: TTXVN

Giáo sư Malik được “cha đẻ” của Quản trị hiện đại Peter F. Drucker gọi là “nhà lí thuyết quản lí, quản trị hàng đầu châu Âu”. Ông cũng là người đã phát minh ra công cụ phần mềm Ecopilicy được triển khai rộng rãi tại Hải Phòng từ năm 2012. Bằng việc ứng dụng những kiến thức phức hợp, những giải pháp tiên tiến, sáng tạo hơn, Malik SuperSyntegration chỉ cần hai ngày rưỡi đến ba ngày rưỡi để tìm ra giải pháp tối ưu. Mô hình này đã giúp giải đáp cho hơn 600 câu hỏi từng khiến nhiều doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu thế giới cảm thấy “đau đầu”.

Ngoài ra, không chỉ có Malik SuperSyntegration, trên thế giới đang xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp ứng dụng Syntegration vào công tác quản trị và lãnh đạo.

Doanh nghiệp của bạn đang tìm kiếm các giải pháp tối ưu hơn cho những tồn tại trong tổ chức? Nhiều phương pháp làm việc truyền thống đã không còn tạo ra hiệu quả rõ rệt? Các quan điểm về quản trị và quản lí hiện đại, cùng những phương pháp tiếp cận tiên tiến sẽ được một trong những chuyên gia có ảnh hưởng nhất thế giới về lãnh đạo và quản lí – GS. Fredmund Malik phân tích và trình bày trong buổi thuyết giảng với chủ đề “Cuộc Chuyển đổi Vĩ đại Thế kỉ 21 và chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam” tại Hội nghị thường niên CEO Summit lần thứ 10 do Vietnam Report tổ chức ở Khách sạn Sheraton, Hà Nội vào ngày 18/07/2017 tới đây.

Huyền Đỗ Vietnam Report