Một nhân vật nổi bật của phe đối lập tại Syria cho rằng, quốc gia này “như một quả bom, sẵn sàng phát nổ” khi các cuộc biểu tình đòi tự do và chấm dứt chế độ của Tổng Bashar al-Assad ngày một dâng cao.
Một lần nữa, hàng chục nghìn người Syria đã đổ xuống đường phố tại Deraa để phản đối việc lực lượng an ninh trấn áp người biểu tình tại nhà thờ chính trong thành phố.
Sau những ngày bạo lực gia tăng tại Deraa, các nhà lãnh đạo Syria đã cam kết tiến hành hàng loạt biện pháp cải cách, đáp ứng yêu cầu của người biểu tình. Chính phủ nước này hứa sẽ nghiên cứu và xem xét việc bãi bỏ tình trạng khẩn cấp áp dụng kể từ năm 1963.
Biểu tình tại Deraa Ảnh: Reuters
Bouthaina Shaaban - người phát ngôn của tổng thống đã đổ lỗi cho các thế lực bên ngoài kích động, gây ra bất ổn và phủ nhận việc chính phủ ra lệnh cho lực lượng an ninh bắn vào người biểu tình. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa hành xử của một cá nhân với khát vọng và quyết tâm của Tổng thống Bashar al-Assad trong con đường đưa Syria tới thịnh vượng hơn”, Shaaban nói trong cuộc họp báo tại Damascus.
Theo Shaaban, một ủy ban sẽ được thiết lập để trao đổi “với những người anh em tại Deraa” và đưa ra công lý kẻ phải chịu trách nhiệm do giết hại những người biểu tình. Người phát ngôn của tổng thống còn nhấn mạnh, chính phủ sẽ tăng lương cho người lao động, cải cách chăm sóc y tế, cho phép các đảng phái chính trị cạnh tranh trong bầu cử, nới lỏng hạn chế truyền thông báo chí và thiết lập một cơ cấu mới để chống tham nhũng.
Shaaban đã tuyên bố một kế hoạch cải cách tương tự trong năm 2005, nhưng các nhà phê bình nói rằng, cam kết ấy chưa bao giờ được ban hành và thực hiện.
Các nhóm đối lập đã có phản ứng lập tức sau cuộc họp báo khi cho rằng, ủy ban Deraa không làm gì để đáp ứng mong muốn của người dân.
Một nhân vật nổi bật của phe đối lập khẳng định, các nhượng bộ của chính phủ là không đủ. Haitham Maleh nói: "Chúng tôi giống như một quả bom sắp nổ”.
Nhiều quốc gia đã bày tỏ lo lắng về tình hình bất ổn tại Syria. Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd nói, ông “rất quan ngại” về Syria. Bộ Ngoại giao Australia đã nâng mức cảnh báo đi lại, khuyến cáo người dân xem xét kế hoạch tới Syria vì những nguy cơ biểu tình bạo động, khủng bố và tình hình an ninh khó dự đoán.
Mỹ hôm thứ Năm cũng bày tỏ lo ngại về bất ổn Syria. "Mỹ lên án việc trấn áp người biểu tình”, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói. Ông cho biết, Washington kêu gọi chính phủ Syria kiềm chế và tôn trọng quyền lợi của người dân.
Đức cũng tham gia cùng các quốc gia phương Tây kêu gọi Syria ngăn chặn bạo lực. "Bạo lực cần chấm dứt lập tức. Chính phủ Syria cần đảm bảo các quyền cơ bản của con người và dân sự cũng như quy định của pháp luật”, Ngoại trưởng Guido Westerwelle tuyên bố. “Sự nổi dậy trong thế giới Ảrập cho thấy rằng, ổn định không đến từ bạo lực, mà chỉ thông qua cải cách và đàm phán”.
Cho tới nay, phong trào biểu tình đã lan rộng khắp thế giới Ảrập kể từ cuộc cách mạng của người Tunisia cuối năm trước.
-
Thái An (Tổng hợp từ Reuters, BBC, Telegraph)