"Tắc biên" là hai từ lan truyền nhiều nhất trong giới kinh doanh online những ngày qua. Từ này chỉ việc cửa khẩu Việt - Trung bị đóng cửa trong nhiều ngày liền vì ảnh hưởng của dịch corona.
“Tình hình hiện tại thì các cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn không còn bất cứ một thương nhân nào. Những cửa khẩu khác như Bằng Tường, Lào Cai, Móng Cái đều không có giao dịch. Giới bán hàng online đang rất hoang mang” Hà Phúc Quốc Bảo, người chuyên nhập các mặt hàng Trung Quốc bỏ sỉ cho các shop online chia sẻ.
Theo ông Bảo, các nguồn hàng từ Trung Quốc đều nghỉ tết hết tháng Giêng. Theo thông báo mới nhất từ một số thương lái Trung Quốc giao thương sẽ hoạt động lại sớm nhất ngày 9/2, các nguồn hàng khác có ngày hoạt động trở lại trung bình từ 10-15/2.
Thông báo ngừng giao thương tại Bằng Tường, khu chợ sỉ nổi tiếng của các shop bán hàng online. |
Tuy vậy, ảnh hưởng từ dịch cúm Corona đến việc buôn bán vẫn chưa dễ cảm nhận bởi các shop online đã trữ sẵn hàng từ trước Tết.
“Do Trung Quốc có lịch nghỉ tết âm lịch dài (20/12-8/1 âm lịch) nên các đầu nậu hàng hóa thường trữ sẵn hàng để có thể bán ngay sau Tết. Vì vậy, đa phần hàng hóa vẫn trụ được đến 14/2”, Lê Minh Hiệp, một chủ shop thời trang bán trực tuyến tại Đồng Nai cho biết.
“Shop của tôi đã bắt đầu hoạt động trở lại sau Tết. Tuy vậy, chỉ là bán hàng nhập sẵn trước tết bán đến cuối tháng 2. Nếu đến tháng 3, cửa khẩu vẫn chưa thông, có lẽ sẽ phải nghỉ một thời gian”, Duy Nguyễn, kinh doanh mặt hàng thể thao nói.
Khác với những shop lớn, đầu nậu sỉ, các chủ shop nhỏ lẻ không chuẩn bị hàng hóa trước, đang chịu ảnh hưởng nặng nề và hoang mang tìm nguồn hàng mới để buôn bán.
“Hiện tôi đang cho nhân viên nghỉ thêm vài ngày vì chưa chuẩn bị hàng hóa để bán sau Tết. Có thể trong tuần tới, tôi sẽ nhập hàng nội địa để bán tạm. Tuy vậy, giá cả có thể sẽ không cạnh tranh như trước”, Hoàng Sơn, chủ một shop bán đồ gia dụng tại đường Thành Thái, quận 10, TP.HCM nói.
Ngoài hàng hóa từ Trung Quốc và Việt Nam, nhiều shop đã bắt đầu tìm đến các nguồn từ các quốc gia khác như Nhật, Hàn Quốc và châu Âu để bán thay thế, cầm cự đến khi việc giao thương trở lại bình thường.
Tuy vậy, việc chuyển đổi sang loại mặt hàng khác buôn bán tiêu tốn nhiều nguồn lực của các shop. Bên cạnh các shop bán hàng có sẵn, việc thiếu nguyên liệu sản xuất cũng sẽ bắt đầu ảnh hưởng trong thời gian 1-2 tháng tới.
Các gian hàng từ Trung Quốc trên Shopee, Lazada, Tiki cũng chịu ảnh hưởng từ việc tắc biên. |
“Hồ Bắc, Trung Quốc, nơi bùng phát dịch corona là tỉnh có nhiều nguồn sản xuất nguyên liệu sản xuất. Với ngành may mặc thì đa phần vải đều lấy từ đây. Nếu việc giao thương tiếp tục trì trệ thêm 1-2 tháng nữa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các shop thời trang tại Việt Nam. Hàng hóa sẽ tăng giá khá mạnh”, Anh Dũng, thương lái tại cửa khẩu Bằng Tường, Trung Quốc chia sẻ.
Không chỉ những người bán hàng online tự do chịu ảnh hưởng. Các nền tảng thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee cũng chịu ảnh hưởng. Người dùng than phiền việc sản phẩm họ đặt hàng có xuất xứ từ các shop Trung Quốc qua nhiều ngày vẫn trong tình trạng chờ lấy hàng.
“Tôi đặt ba đơn hàng thì có 2 đơn từ shop Trung Quốc vẫn đang chờ xử lý dù đã qua 1 tuần. Một đơn còn lại thì người bán tại Việt Nam tự hủy vì hàng nhập từ Trung Quốc và chưa được thông quan”, Thành Nhân, người mua hàng trên nền tảng thương mại điện tử Shopee chia sẻ.