- “Hương xã Nam Trung” – tuyển tập văn, thơ, khảo cứu của cố thi sỹ Hồ Khải Đại, tài năng thi ca được nhà thơ Xuân Diệu phát hiện, vừa ra mắt công chúng.

Người chấp bút viết lời tựa, đồng thời tuyển chọn các tác phẩm để in tập thơ - văn này chính là nhà thơ Hồ Khải Hoàn, con trai út của cố thi sỹ, chiến sỹ Hồ Khải Đại. 

{keywords}
Cố Nhà thơ, Chiến sỹ Hồ Khải Đại (ngoài cùng, bên phải) - tài năng thơ ca được nhà thơ Xuân Diệu phát hiện và đánh giá "đó là một tài năng lớn cần bồi dưỡng".

Tác phẩm nhỏ nhắn đẹp đẽ cả về hình thức và nội dung gồm ba phần: phần Văn – 140 trang bao gồm các tác phẩm Hồ Khải Đại khảo cứu về dư địa chí, các danh nhân của mảnh đất Nam Trung, huyện Nam Đàn – nơi cố thi sỹ Hồ Khải Đại sinh ra và lớn lên.

Những địa danh như làng xã Bạch Đường, cánh đồng Đại Trại, bãi mồ Ngô…; những tên người như Tống Tất Thiên, Nguyễn Nhân Mỹ, Tam thế Ngũ Hoàng Hoa, Ngũ Thế Kế Hoa… được tác giả kiến giải dưới góc nhìn đầy văn hóa và trí tuệ cung cấp những thông tin sâu sắc cho độc giả. Nó cho thấy một tình yêu quê hương tha thiết, lòng tự hào về quê hương, bản quán của tác giả đã dày công sức đi tìm hiểu.

Phần “Thơ” được nhà thơ Hồ Khải Hoàn chia làm 2 phần, thơ chữ Hán gồm những bài thơ viết/đề tặng gửi các nhà văn, nhà thơ đã về với tổ tiên, như Xuân Diệu hoài niệm (Nhớ Xuân Diệu); Văn Cao; Nguyễn Đình Thi; Vũ Cao; Khốc Đình Tiên đồng chí (Khóc anh Đình Tiên); Dữ Tào Mạt đối ẩm cảm tác (Cùng Tào Mạt uống rượu làm thơ)…

Thơ tiếng Việt gồm 27 bài, với “Những câu thơ dặn con”, Mặt trời đồng đội, Về những người ngã xuống, Nhớ một cành mai… Những bài thơ đã làm nên tên tuổi của một nhà thơ chiến sỹ Hồ Khải Đại.

Nhà thơ Hồ Khải Hoàn cũng để một vị trí trang trọng trong cuốn sách để gửi đến bạn đọc phần nghiên cứu, phê bình văn học của cha mình: Mấy suy nghĩ từ câu thơ chữ Hán của Nguyễn Du – đó là một góc nhìn mới mẻ, đầy bất ngờ về một tác phẩm Truyện Kiều đồ sộ của một nhà thơ ít “dính dáng” đến phần lý luận, phê bình văn học.

Với những lập luận rất khách quan, với những chứng cứ có logic, có chọn lọc, ông đã phản biện lại những vấn đề mà một số tác giả dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du đã đưa ra trước đây.

Nhà thơ Hồ Khải Hoàn tâm sự: “Trong phòng lưu niệm của cha tôi còn lưu giữ nhiều di cảo chưa thể in được. Tôi sẽ biên tập những tác phẩm này... và chờ đợi. Tôi nhớ mãi những lời dạy của cha tôi: Bất kể thể loại nào - Thơ, văn xuôi, hay ca khúc... các tác phẩm đó muốn hay thì phải chứa đựng tình cảm. Có lần ông bảo tôi, đã làm người thì phải sống tử tế, đàng hoàng. Khi sáng tác cũng phải nghiêm túc, đàng hoàng” .

Trên thi đàn Việt Nam, cái tên Hồ Khải Đại không phải là cái tên quen thuộc với nhiều người. Nhưng với hơn 60 năm gắn bó với nàng thơ, xuất bản 3 tập thơ (Thơ chiến sĩ - 1954; Cây xuân – 1962 (in chung với Võ Văn Trực); Quê hương đồng đội – 1980) và tập thơ gần nhất Mặt trời lãng tử (in chung với Hồ Khải Hoàn, con trai út của mình)… đã phần nào nói lên tầm vóc của một nhà thơ - chiến sĩ Hồ Khải Đại…

Hồ Khải Đại là một trong những nhà thơ lão thành, góp phần xây dựng nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Năm 1957 ông đã cùng với những nhà văn nhà thơ cách mạng khác như Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Tuân... sáng lập nên Hội nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Hồ Khải Đại (1926 - 2015) tên thật là Hồ Xuân Đài; bút danh: Hồ Khải Đại; Hồ Nam.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957; quê quán: Nam Trung, Nam Đàn, Nghệ An; Giải thưởng Văn học Toàn quốc năm 1955; Ba giải thưởng về thơ: Tố Hữu với tập Việt Bắc (Giải Nhất); Xuân Diệu - Ngôi sao (Giải Nhì); Hồ Khải Đại - Thơ chiến sỹ (Giải Ba).

Ông viết những dòng thơ cho con nhưng cũng để răn mình: 

"Những câu thơ nặn đầu cho vừa mũ

Những câu thơ gọt chân cho vừa giày

Những câu thơ bán trời không văn tự

Bơi giữa dòng đời chua ngọt đắng cay...

Con đừng trách những câu thơ ngờ nghệch... của một thời..."

(Những câu thơ dặn con, 1993)

 

Hồ Khải Đại đã từng được Tố Hữu, Xuân Diệu đánh giá rất cao và được xem là một tài năng lớn cần được bồi dưỡng. Tuy vậy, ông không vì thế mà ngủ quên trong chiến thắng, luôn cố gắng nghiên cứu và sáng tạo những ý thơ hồn hậu, mộc mạc nhưng tinh tế, đắm say về cuộc sống, anh em đồng đội, và quê hương, đất nước …

Hồ Khải Đại có nhiều bài thơ được in trên báo Văn nghệ, báo Nhân dân…, được phát trên Đài phát thanh qua giọng ngâm của Kim Cúc, và theo ông, hạnh phúc nhất là được những đồng đội của mình chờ đón đến thời điểm 22 quây quần quanh chiếc radio bé xíu nghe thơ Khải Đại…hay trong chương trình của các đoàn dân công dọc đường 9 khi ấy, luôn xếp thơ Hồ Khải Đại trong chương trình biểu diễn.

Xuân Diệu đã từng đánh giá Hồ Khải Đại là một tài năng lớn cần được bồi dưỡng.

Hơn 60 năm trôi qua, nhà thơ Hồ Khải Đại đã có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp văn thơ cách mạng của nước nhà. Đọc thơ Hồ Khải Đại có thể thấy rõ thơ ông thực sự là thơ của người lính, viết về người lính, và dành cho người lính…

Thái Bình