Sàn nhà, trần nhà sang trọng, những chiếc ghế của nhà thiết kế người Pháp Philippe Starck, phòng ngủ dán đầy áp phích trên tường và ngôi nhà chỉ cách cửa hàng Louis Vuitton trên đường Bond Street, London một đoạn ngắn.

Họ không phải là những sinh viên bình thường.

Những ngôi nhà nằm trên Quảng trường Trevor, London. Những con phố ở khu vực Chelsea và Kensington có những bất động sản đắt đỏ nhất London.

Những căn hộ cho thuê ở khu vực xa hoa nhất London vốn có truyền thống được sở hữu bởi các ông chủ nhà băng.

Tuy nhiên, khi tiềm năng tài chính của họ suy yếu, họ phải nhường lại những vị trí này cho những cậu ấm cô chiêu người nước ngoài đang du học ở thành phố này.

“Tôi chọn chỗ này, sau đó mới hỏi ý kiến bố mẹ” – Sumiro, nam sinh viên 21 tuổi người Indonesia chia sẻ.

Hiện cậu đang sống một mình trong căn hộ 2 phòng ngủ với giá thuê 1.764 USD/ tuần. Sumiro sống ở đây từ khi bắt đầu học đại học hồi tháng 9 năm ngoái.

Cậu cho biết điều thú vị nhất là mình có rất nhiều bạn bè đang sống quanh khu vực này.

Không giống như những sinh viên người Anh điển hình – những người phải chui ra chui vào những căn hộ chật hẹp, mua sắm trong những cửa hàng giá rẻ; con cái của những đại gia siêu giàu được tận hưởng sự tiện nghi của đồ nội thất cao cấp, phòng tập thể dục trong nhà và thuê người dọn dẹp 2 lần mỗi tuần.

“Họ đang tìm một phòng khách sạn” – bà Naomi Heaton, giám đốc điều hành của công ty quản lý quỹ nhà ở trung tâm London LCP cho biết. Hiện công ty này đang giúp những sinh viên tới từ Nga, Trung Quốc và Ả-rập Xê-út thuê nhà trong danh mục đầu tư tài sản tổng trị giá 500 triệu bảng.

“Nhiều người trong số họ có cuộc sống rất sành điệu. Họ đi du lịch khắp nơi trên thế giới bằng vé hạng thương gia. Những yêu cầu của họ giống với yêu cầu của những người thuê văn phòng”.

Nadine, con gái một doanh nhân người Leban đã đưa ra yêu cầu của mình như sau. “Chúng tôi không muốn một căn hộ giống như những sinh viên Anh điển hình. Chúng tôi cần một căn hộ lớn, lịch sự để có chỗ khi bố mẹ và bạn bè tới thăm” – Nadine nói. Năm ngoái, cô đã sống trong một căn hộ giá 2.400 bảng/ tháng ở London.

Số sinh viên nước ngoài giàu có đang ngày càng tăng lên trong khi các công ty trong lĩnh vực tài chính ở Anh lại đang cắt giảm việc làm và ngân sách dưới áp lực từ các cổ đông và chính trị gia.

Cùng lúc đó, sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc và các quốc gia Châu Á khác đang tạo ra một thế hệ những người giàu mới, chủ yếu là trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng và hàng hóa. Năm 2011, lần đầu tiên số triệu phú đô la ở Châu Á đã nhiều hơn cả ở Bắc Mỹ.

Từ đó dẫn đến sự gia tăng đột biến những người ngoại quốc mua các căn hộ tốt nhất ở London.

Dữ liệu của Knight Frank cho thấy giá các bất động sản khu vực trung tâm London đã tăng 44% trong 3 năm qua – tăng gấp đôi so với giá bất động sản toàn thủ đô.

“Sự giàu có của thị trường sinh viên đang mạnh mẽ hơn sự giàu có của thị trường thuê công sở” – bà Heaton nhận xét.

Paris và New York cũng là những điểm đến phổ biến của du học sinh. Hồi tháng 2, nhà tỷ phú phân bón người Nga Dmitry Rybolovlev đã chi 112 triệu USD cho căn hộ đắt nhất New York – một căn hộ trên tầng cao nhất (penthouse) có diện tích bằng 2,5 sân tennis có tầm nhìn ra Central Park. Căn hộ này là để dành tặng cô con gái Ekaterina Rybolovleva của ông.

Chủ cũ của nó là một ông chủ nhà băng – cựu CEO Citigroup Sandy Weill.

Không giống như những sinh viên Anh điển hình phải sống trong những căn hộ chật hẹp, các du học sinh giàu có tận hưởng cuộc sống ở những khu vực xa hoa nhất London

Bà Heaton cho biết những bậc cha mẹ muốn tậu nhà đẹp, có vị trí đắc đạo cho con cái đều chuẩn bị sẵn tinh thần phải trả giá cao hơn các ông chủ ngân hàng. Đôi khi, họ còn trả tiền thuê trước một năm.

Nghiên cứu của LCP cho thấy tỷ lệ nhà được sinh viên quốc tế thuê ở các khu phố xa hoa như Mayfair hay Knightsbridge đã tăng gấp đôi lên 23% trong 6 năm qua tính tới tháng 6 năm 2012. Sinh viên đang trở thành nhóm thuê nhà nhiều thứ 2 sau những người làm việc trong lĩnh vực tài chính (45%) ở những khu vực đắt đỏ này.

“Với tỷ lệ tăng trưởng hiện nay, sinh viên quốc tế sẽ chiếm 50% vào năm 2020” – giám đốc quản lý đầu tư của LCP Hugh Best chia sẻ với Reuters. Ông cho rằng nhiều khả năng khu vực tài chính sẽ bình ổn.

Cắt giảm việc làm của các ông chủ ngân hàng khiến tỷ lệ thuê nhà ở khu vực trung tâm London lần đầu tiên giảm trong 2 năm –  nhà cung cấp các dịch vụ tư vấn bất động sản Savills cho biết hôm 22/6.

LCP cho biết sinh viên nước ngoài ở khu vực trung tâm Westminster phải trả tiền thuê nhà trung bình 28.878 bảng mỗi năm. Ngược lại, một sinh viên Anh bình thường chỉ chi khoảng 3.490 bảng vào năm 2011 – dữ liệu trên trang web Nhà ở cho sinh viên Anh cho thấy.

Khoảng 26% sinh viên ở London là người ngoại quốc, trong đó Ấn Độ, Trung Quốc và Nigeria là những quốc gia có nhiều sinh viên tới Anh nhất tính từ năm 2009 tới 2011 – dữ liệu từ Hội đồng Anh về các vấn đề sinh viên quốc tế.

Các ông chủ ngân hàng đang để mắt tới những ngôi nhà rẻ hơn ở những khu vực ít  trung tâm hơn như Fulham hay Bayswater – ông Matthew Hobbs, người đứng đầu nhóm nhà cho thuê tại văn phòng Kensington của Savills cho hay.

“Thay vì phải chi 1.000 bảng mỗi tuần, họ chỉ phải trả 800 bảng/ tuần. Bạn có thể thuê một ngôi nhà đẹp ở Islington với giá chỉ bằng 80% ở Kensington”.

Bà Heaton cho biết thuê nhà là bước chuẩn bị cho việc mua ngôi nhà đó. Các sinh viên sẽ thuyết phục cha mẹ mua một ngôi nhà ở London khi họ quen với cuộc sống ở đây.

“Đó là chức năng của toàn cầu hóa” – bà nói. “Một thế hệ kiếm tiền, và thế hệ tiếp theo mang nó tới các trường đại học”.

  • Nguyễn Thảo (Theo Reuters)
SOẠN TIN
DT <SBD> gửi 6524
Nhận kết quả điểm thi ngay khi công bố
 
DTG  <SBD> gửi 6724
Nhận gói điểm thi (điểm thi, chỉ tiêu, xếp hạng)
 
DC <mã trường> <khối> gửi 6524
Nhận điểm chuẩn ngay khi công bố
 
XH <SBD> gửi 6524
Để biết thứ hạng của mình so với các thí sinh khác