- Đề án tái cơ cấu kinh tế nêu rõ, DNNN sẽ phải chịu sự áp đặt đầy đủ kỷ cương nhà nước và kỷ luật thị trường, buộc cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

Chiều 21/5, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày với QH đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh.

Kỷ luật thị trường

Sau những thảo luận thẳng thắn ở Thường vụ, nội dung bản đề án không có nhiều sửa đổi.

Đề án tổng thể hướng tới năm 2020 nhất quán 4 mục tiêu: góp phần tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; thiết lập phát triển cân đối hợp lý giữa các địa phương, vùng miền trên cả nước; cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành và toàn bộ nền kinh tế, trong đó, các ngành sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao từng bước trở thành những ngành kinh tế chủ lực của nền kinh tế và góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, củng cố vị thế quốc gia trong quan hệ quốc tế.

Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh. Ảnh: Lâm Hiển

Đề án nêu định hướng chung về tái cơ cấu 3 lĩnh vực thị trường tài chính, đầu tư và doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Cụ thể, đối với thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính, trước hết tái cơ cấu để loại bỏ nguy cơ mất an toàn đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế, đồng thời, tạo điều kiện để hệ thống tài chính phát triển bền vững.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, nội dung trọng tâm là lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động.

Trọng tâm thứ hai là đầu tư công. Theo đó, lĩnh vực này sẽ tập trung đổi mới căn bản cơ chế huy động, phân bố, quản lý và sử dụng vốn đầu tư xã hội. Ở trọng tâm này, đề án định hướng cần mở rộng phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước. Đối với các ngành, lĩnh vực mà các nhà đầu tư tư nhân chưa muốn làm, thì khuyến khích họ làm. Đối với những ngành, lĩnh vực mà các nhà đầu tư tư nhân chưa làm được thì tạo điều kiện và hỗ trợ họ làm.

Trọng tâm thứ ba là tái cơ cấu DNNN mà chủ chốt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Các DNNN sẽ được sắp xếp lại, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính. DNNN sẽ phải chịu sự áp đặt đầy đủ kỷ cương nhà nước và kỷ luật thị trường, buộc cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

Hi sinh tăng trưởng

Đáng chú ý, Bộ trưởng Vinh nêu rõ 3 thách thức cho công cuộc tái cơ cấu này.

Theo đó, nền kinh tế sẽ phải hi sinh tốc độ tăng trưởng để đổi lấy chất lượng tăng trưởng có thể là thách thức đầu tiên mà tái cơ cấu tổng thể gặp phải. Trong những năm trước mắt, tốc độ tăng trưởng có thể không cao như kế hoạch, và có thể thấp hơn so với trước đây.

Thách thức thứ hai: tái cơ cấu có thể tác động không thuận đến một số nhóm người có liên quan, làm phát sinh một số chi phí xã hội cần được bù đắp.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, tái cơ cấu không phải là gói cứu trợ để vượt qua khủng hoảng. Vì vậy, xét trên tổng thể, nó không làm tiêu hao nguồn lực của xã hội. Tuy vậy, đối với tái cơ cấu trên một số lĩnh vực và một số đối tượng liên quan, sẽ đòi hỏi những chi phí nhất định.

Cụ thể hơn, tái cơ cấu kinh tế có thể sẽ làm cho quy mô đầu tư, sản xuất một số ngành, một số vùng thu hẹp lại, các vùng, ngành khác có tiềm năng hơn sẽ được mở rộng và phát triển. Hệ quả là, trước mắt, hàng nghìn dự án đầu tư, nhất là đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, có thể phải đình hoãn, hàng chục nghìn doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể bị thua lỗ.

Trong quá trình tái cơ cấu, nhiều doanh nghiệp yếu kém, sức cạnh tranh thấp phải đóng cửa, giải thể hoặc phá sản. Một số lao động tạm thời bị mất việc, giảm việc làm và phải chuyển đổi kỹ năng lao động. Một số địa phương có thể phải thay đổi lại định hướng và kế hoạch phát triển KTXH với những phí tổn không nhỏ. Vì vậy, cần có giải các pháp cần thiết để bù đắp hợp lý lợi ích chính đáng cho các bên có liên quan, nhất là nhóm những người lao động, nhóm những người yếu thế, dễ bị tổn thương khác.

Thách thức lớn thứ ba chính là thể chế kinh tế thị trường hiện tại của Việt Nam còn ở trình độ thấp, môi trường kinh doanh còn chứa đựng nhiều rủi ro và bất ổn… 

Ngân hàng TƯ độc lập thực thi chính sách tiền tệ

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đọc báo cáo thẩm tra đề án của Chính phủ cho biết, Ủy ban đồng ý với các quan điểm định hướng chỉ đạo và mục tiêu mà đề án nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Lâm Hiển

Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra đối với tái cơ cấu tài chính, cần làm rõ nguồn tài chính thực hiện việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính và phải có các biện pháp cụ thể để tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Tuy nhiên, Ủy ban nhận định rằng, 13 nhóm giải pháp của đề án chưa có sự gắn kết với nhau, cũng như chưa thực sự đồng bộ giữa các đề án tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực và thiếu các giải pháp đối với vấn đề xã hội, môi trường.

Đối với nhóm giải pháp liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu thị trường tài chính, Ủy ban đã đề nghị bổ sung thêm một đề án chung về tái cơ cấu thị trường tài chính và lộ trình phù hợp. Trong đó, cụ thể sẽ tập trung xử lý trước mắt các tổ chức tín dụng yếu kém, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền; quyền lợi và trách nhiệm của chủ sở hữu.

Trong thị trường tài chính, sẽ phát triển song song cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn, trong đó tập trung phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, giảm dần việc huy động vốn đầu tư chủ yếu từ tín dụng ngân hàng. Cùng đó, phải tái cơ cấu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để những dịch vụ này phát triển bền vững, phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dân.

Ủy ban Kinh tế  cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng thương mại nhà nước cần gắn với tái cơ cấu DNNN, tăng cường năng lực giám sát thị trường tài chính, nâng cao vai trò, trị trí của NHNN với tư cách là Ngân hàng Trung ương, nhất là trách nhiệm công bố mục tiêu chính sách, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình.

Đáng chú ý, trong đề án cụ thể này, Ngân hàng Trung ương từng bước sẽ theo hướng độc lập thực thi chính sách tiền tệ nhằm ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ủy ban Kinh tế cũng kiến nghị cần xây dựng Chiến lược nợ Chính phủ và nợ quốc gia mang tính dài hạn, bảo đảm hiệu quả trong đầu tư và khả năng trả nợ hàng năm.

Đối với nhóm giải pháp liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế đề nghị đề án xây dựng hệ thống thể chế với ưu tiên đầu tiên là xây dựng cơ chế quản lý minh bạch của DNNN, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phải cạnh tranh bình đẳng.

Trong đó, DNNN cần sử dụng vốn và tài sản có hiệu quả, giảm dần và loại trừ các chi phí ngoài kinh doanh, công bố minh bạch thông tin định kỳ rộng rãi trước công chúng.

Phạm Huyền