Theo báo cáo của Chính phủ, một trong các vướng mắc khi tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng là tình trạng thiếu hợp tác, thậm chí chống đối từ phía cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại yếu kém.


Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo sơ bộ tình hình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng. Trong đó nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc.

Ngoài sự chống đối từ phía cổ đông lớn của các ngân hàng yếu kém, một số khó khăn khác được nêu rõ như việc chưa hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cho việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và khu vực ngân hàng, đặc biệt là can thiệp, xử lý của Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng yếu kém khi cần thiết.

Thiếu các cơ chế chính sách về miễn giảm thuế, phí để hỗ trợ tổ chức tín dụng trong xử lý nợ xấu và các tài sản đảm bảo tiền vay, các cơ chế chính sách về miễn giảm thuế, phí liên quan đến các giao dịch sáp nhập, hợp nhất, mua lại.

Ảnh minh họa: Bình Minh

Mặt khác, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian với nhiều thủ tục, quy trình. Nhưng thực tế lại đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh để hạn chế tổn thất và ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. 

Giải quyết hợp lý "mâu thuẫn" nói trên là việc không dễ. Do đó, việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém vừa qua chậm hơn so với kế hoạch dự kiến.

Sắp tái cơ cấu 4 ngân hàng

Tuy nhiên, Chính phủ cũng khẳng định việc cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém đã đạt được một số kết quả.

Trước hết, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Khả năng chi trả của các ngân hàng nói trên đã được cải thiện đáng kể. Nguy cơ rủi ro gây mất an toàn hệ thống đã được đẩy lùi.

Trong số 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém phải cơ cấu lại thì có 3 ngân hàng đã được hợp nhất, đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại đối với Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong và Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà Hà Nội.

Với 4 ngân hàng còn lại, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo khẩn trương xây dựng phương án tái cơ cấu phù hợp. 

Lập công ty xử lý nợ xấu

Xử lý nợ xấu là một trong những nội dung quan trọng của tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015. 

Quá trình này đã đạt được một số kết quả. Chẳng hạn, cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ nếu xét thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ.

Đến ngày 30/6/2012 có 36,5 ngàn tỷ đồng dư nợ tín dụng được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ. Giải pháp này đã giúp giảm bớt áp lực trả nợ, lãi phạt và tăng khả năng tiếp cận vay vốn ngân hàng đối với khách hàng vay.

Trong 8 tháng đầu năm 2012, số nợ xấu được các tổ chức tín dụng xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro là gần 8 ngàn tỷ đồng, báo cáo ghi rõ.

Về việc thành lập công ty quản lý tài sản để xử lý nợ xấu, báo cáo Chính phủ cho hay, Thủ tướng đang trực tiếp chỉ đạo xây dựng đề án, trình Bộ Chính trị, Chính phủ, trong đó tập trung xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản. 

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng khác xây dựng phương án và thực hiện tái cơ cấu trên các mặt: lành mạnh hóa tài chính, bao gồm xử lý nợ xấu và tăng vốn điều lệ, cơ cấu lại danh mục hoạt động, đổi mới và nâng cao hiệu lực quản trị nội bộ…

Ngoài ra, sẽ nghiên cứu hoàn thành sửa đổi, bổ sung các quy định an toàn trong hoạt động ngân hàng; chỉ đạo giải quyết nợ xấu trong khuôn khổ công ty quản lý tài sản được thành lập và hoạt động theo phương án đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ngọc Lê