- Trên cả nước, có lẽ chưa có một cây cầu nào trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày khánh thành đã xảy ra 8 vụ lật xe chở container tại cùng một vị trí. Đó là cầu vượt Cát Lái – điểm đầu của đại lộ Đông Tây, P. An Phú, quận 2, TP.HCM.
Tai nạn liên tiếp, khắc phục nửa vời
Chiều 13/5, chúng tôi có mặt dưới chân nhánh A của cầu vượt Cát Lái. Dòng xe nối đuôi nhau qua cầu liên tục. Trong số các phương tiện vượt cầu, có rất nhiều xe tải nặng và xe đầu kéo chở container.
Cách chân cầu vài chục mét, một tấm biển báo ghi rõ vận tốc tối đa qua cầu là 30km/g. Một vài gờ giảm tốc nhỏ trên mặt đường không làm cho các xe giảm bớt tốc độ.
Đường lên nhánh A cầu vượt Cát Lái với biển báo tốc độ 30km/h |
Các xe tải nặng vẫn rồ ga, tăng tốc lên cầu. Trước khi lên cầu, thêm một biển báo nữa cảnh báo về tốc độ nhưng chẳng mấy hiệu lực đối với các bác tài.
Được hơn 50m, đến vòng cua khá gắt. Các bác tài ôm sát bên trái theo đúng làn qui định. Thùng container hơi chếch về bên phải…Tiếp tục, hết xe này đến xe khác vẫn một cách lên cầu ào ạt như vậy.
Một tài xế trẻ hồn nhiên trả lời: “Xe nặng cần lấy trớn để lên dốc; hơn nữa, chậm một chút vào cảng là kẹt lại hàng giờ. Phải tranh thủ thôi anh ạ! Hôm nào xui lắm gặp CSGT bắn tốc độ phải giảm tốc thì xem như hôm ấy về nhà tối mịt…”.
Khúc cua trên nhánh A của cầu vượt Cát Lái khá gắt. Nơi đây đã từng xảy ra 8 vụ lật xe chở container. Có chiếc rơi container xuống mặt cầu. Có chiếc cả thùng cả xe nằm sõng soài nhưng dường như những hình ảnh này không làm các bác tài lo sợ.
Được biết, sau khi xảy ra các vụ lật xe, Sở GTVT và các đơn vị liên quan đã đề ra giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này. Hạn chế tốc độ còn 30km/h, lắp camera theo dõi và cử CSGT chốt chặn, bắn tốc độ.
Trên là cầu dưới là Xa lộ Hà Nội. Nếu xe bị lật rơi xuống cầu khó tránh được thảm họa |
Tuy nhiên, các giải pháp trên cũng chỉ là tình thế. Biển báo hạn chế tốc độ đã lắp xong, nhưng camera đến nay vẫn chưa có, còn lực lượng CSGT thỉnh thoảng mới xuất hiện làm nhiệm vụ.
Bởi thế, hiệu lực của giải pháp này chỉ là con số 0, do đến nay, các vụ tai nạn vẫn liên tiếp diễn ra.
Lỗi từ khâu thiết kế
Giải pháp hạn chế tốc độ qua cầu vượt chưa phải là giải pháp căn cơ và tối ưu. Một giảng viên ngành cầu đường của Đại học GTVT phân tích: “Người lái, phương tiện, môi trường và công trình là những tác nhân chính gây ra tai nạn trên cầu. Ở đây, phương tiện và môi trường được loại bỏ. Còn lại người lái và công trình là 2 yếu tố dẫn đến xe lật”.
Được biết, hiện nay giải pháp hạn chế tốc độ của ngành GTVT cho thấy hướng đổ lỗi cho người lái xe là rõ ràng. Thế nhưng, qua tìm hiểu, nhiều tài xế quả quyết thiết kế của cầu có vấn đề mới xảy ra những tình huống không may như vậy (?)
Một trong 8 tai nạn lật xe. Hàng hóa tuôn xuống bên dưới cầu. Nếu cả thùng container rơi xuống chuyện gì sẽ xảy ra ? |
Nhiều tài xế biện minh, xe chở hàng nặng đang lưu thông với tốc độ cho phép 80km/g trên xa lộ Hà Nội khi vào đến đây buộc phải giảm tốc còn 30km, liệu xe có lên nổi không? Và cho dù có lên nổi thì với tốc độ rùa bò như vậy, khả năng chịu đựng của cây cầu được bao lâu?
Thông thường, xe chở container có chiều dài tối đa 12m gồng gánh cả 40- 50 tấn hàng khi vào đường cong vừa cao vừa gắt, tài xế phải hết sức tập trung mới giữ cho xe được cân bằng.
Trả lời trên một tờ báo điện tử, ông Vũ Kiến Thiết - Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 – đơn vị quản lý cầu vượt Cát Lái (PV) thừa nhận: thiết kế độ mở rộng bụng của đường cong trên cầu vượt Cát Lái còn thiếu khoảng 1m so với tiêu chuẩn Việt Nam.
Có thể các cơ quan thẩm quyền đã phê duyệt thiết kế cầu vượt này theo một "tiêu chuẩn đặc biệt" (?) Nếu khắc phục bằng cách mở rộng bụng của đường cong trên cầu vượt này sẽ tiêu tốn kinh phí rất lớn chẳng khác nào xây dựng thêm một chiếc cầu mới ?.
Khi được hỏi chuyện, thượng tá Huỳnh Minh Hùng, phó trưởng công an Q.2 thẳng thắn nhìn nhận: cảnh sát không thể xử lý vấn để tốc độ đối với xe bị nạn.
Ông nói: “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần việc cần lắp thêm máy đo tốc độ cố định nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Do không có thiết bị hỗ trợ nên không có bằng chứng để qui kết lái xe vi phạm. Vì thế việc chỉ phạt các lỗi với khung phạt 250.000đ không đủ sức răn đe tài xế”.
Theo thượng tá Hùng, theo thiết kế tốc độ xe qua cầu là 60km/h. Các xe qua cầu có thể vượt qui định 30km nhưng không thể quá 60km/h mà vẫn bị lật thì phải xem lại thiết kế.
Ông Hùng cho biết thêm, sắp tới quận 2 sẽ có kiến nghị đến khu Quản lý giao thông đô thị số 2 lắp thêm rào chắn để phòng trường hợp xe lật rơi xuống cầu. May mắn trong 8 trường hợp vừa qua chưa có trường hợp nào bị rơi. Nếu có chắc chắn sẽ là thảm họa.
Trần Chánh Nghĩa