- "Mẹ biết gì mà nói" là câu mà không ít phụ huynh đã phải nhận từ chính những đứa con mình chăm nuôi khôn lớn.
Ảnh minh họa |
Sững người vì bị con chê
Chị Thu Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) nhớ đến cảm giác xấu hổ với câu nói ngây thơ của cậu con trai lớp 3 “Nhưng đây là tiếng Anh mà mẹ”.
“Đó là khi con thấy con tìm bố để hỏi bài tập, tôi nói đưa mẹ xem nào thì nó trả lời thế. Phải nói là lúc đó tôi cảm thấy ngượng với con vô cùng, vì sự kém cỏi của mình”.
“Nó “bỉ” mình đấy, phải chấp nhận” – đây là lời khuyên của chị Ngọc Anh (Đống Đa, Hà Nội), một bà mẹ ba con “dày dạn” kinh nghiệm hơn.
“Chuyện đấy cứ nhận luôn, chẳng có gì. Mình coi đấy là điểm yếu của mình, bởi tuổi của mình nó thế. Bọn trẻ con nhà tôi cũng coi đấy là chuyện bình thường. Tôi bảo thế này, nếu mẹ không kém sao mẹ phải đầu tư như thế? Nếu mẹ có tiếng Anh tốt, mẹ đã không mất nhiều cơ hội. Nếu tiếng Anh giỏi mẹ đã không ở đây, đã bay rất xa. Các con phải biết tiếng Anh cần như thế nào, vì mẹ đã phải trả giá cho việc đấy.
Những việc như vậy, không chỉ với tiếng Anh mà có thể còn nhiều chuyện khác nữa, phải nhận ngay là thua con và, phân tích cho con.
Có nhiều gia đình vì bố mẹ kém con mà con trở nên hỗn là không được. Khi con nhỏ, mình mới chỉ cảm nhận đó là nỗi xấu hổ. Nhưng nếu không “chỉnh đốn”, rồi có ngày con sẽ tương ngay một câu “Bố/ mẹ thì biết gì” và trở nên coi thường bố mẹ”.
Lý lẽ của bà mẹ “nói nhiều”
Họa sĩ Mai Hoa (Hà Nội) cho biết chị đã phản ứng cực kỳ gay gắt khi nhận được câu “Mẹ biết gì mà nói” từ cậu con trai cả.
Khi đó hai mẹ con đang tranh luận. Nghe xong câu này, chị Hoa không nói gì, đi ra vườn. Một lúc sau con ra hỏi “Đang nói chuyện sao mẹ đi ra đây?”.
Chị trả lời thế này:
Thứ nhất, nói về bằng cấp con chẳng hơn gì mẹ. Mà nói cho con biết tất cả những năm học phổ thông lúc nào mẹ cũng là học sinh giỏi, mẹ vào thẳng cấp 3. và mẹ là người đầu tiên vào đại học trong lớp. Riêng chuyện học của mẹ không ai dám kêu, con cũng đừng so sánh. Con đã từng thấy ai được cả 10 văn lẫn toán chưa?
Còn nói về trí thông minh con không thể bằng mẹ.
Nói về tài ba, con có chưa? Con không thể bằng mẹ được.
Đấy là tất cả những điều mẹ nói với con. Hiện nay con so với mẹ con chẳng là cái gì.
Nhưng điều mẹ muốn nói với con lại quan trọng hơn. Cho dù mẹ chỉ là một bà nông dân, mẹ không có tất cả những cái đấy, kể cả mẹ không biết thật, con cũng không có quyền nói với mẹ câu đấy. Nếu mẹ không được học, đúng là mẹ không biết. Nếu mẹ không giỏi, đúng là mẹ không biết. Biết hay không là do hoàn cảnh, do chính tố chất của mẹ không bằng người ta.
Nhưng điều đấy không có nghĩa là con được hỗn. Mẹ không biết con sẽ phải góp ý bằng cách khác, không được nói hỗn với mẹ. Có những điều mẹ không biết bằng con nhưng có những điều mẹ biết hơn con.
Con biết không bao giờ là đủ. Nhưng rõ ràng các con thấy có những điều mẹ không biết như con, và mẹ luôn nói rõ ràng với con là mẹ không biết, và mẹ vẫn nghe các con góp ý và không cự lại, như tiếng Anh, công nghệ thông tin… mẹ vẫn trông cậy vào các con. Mỗi người có thế mạnh và thế yếu, nhưng không có nghĩa là với những gì mình mạnh mình có quyền phỉ báng người yếu hơn.
Để so sánh ai giỏi hơn ai, thì mẹ giỏi hơn con 10 thứ, con giỏi hơn mẹ chỉ 1, vậy mà con dám ném vào mặt mẹ cái câu “Mẹ biết gì mà nói”.
Bây giờ chẳng may mẹ là nông dân thất học thì con còn coi thường mẹ đến đâu? Con nhìn bà ngoại đấy, bà chỉ là một bà nông dân, mà mẹ yêu bà đến thế nào. Mẹ biết rằng, bà không giỏi toán giỏi văn bằng mẹ, vẽ đẹp bằng mẹ, không đánh đàn được như mẹ. Thậm chí không hiểu biết xã hội bằng mình. Nhưng đấy là mẹ của mẹ và mẹ vẫn tôn trọng. Con biết không vì bà có vô vàn cái đáng tôn trọng mà mẹ không có. Bà nấu ăn cho các con, không có tuổi trẻ vì chỉ hầu các con. Trí thông minh của bà có thừa chỉ là không được học. Con đừng đánh giá con người qua một hiện tượng…”.
“Đấy, tôi tuôn ra một tràng như thế. Nghe xong, con tái mặt xin lỗi mẹ luôn. Mình lại nói chuyện bình thường, bởi vì con đã hiểu, và nó trông cậy vào mình” – chị Hoa kết luận.
- Ngân Anh