Song song với việc siết lại kỷ luật, kỷ cương với dân, xử nghiêm với người điều khiển, phải siết lại cả kỷ luật, kỷ cương, nghiêm với cả nơi đào tạo, người sát hạch...bạn đọc Nguyễn Đình Hùng (Hà Nội) nhận định và góp kiến.
Ngăn chặn từ đầu nguy cơ tai nạn?
Người lái xe: Không có đạo đức của người lái xe, không có ý thức mình đang điều khiển loại phương tiện có nguồn nguy hiểm cao, không tuân thủ pháp luật, không coi trọng sinh mạng, an toàn của đồng loại. Có bằng lái nhưng không nắm vững về luật lệ, an toàn giao thông, điều khiển phương tiện không thuần thục.
Lực lượng thực thi chức trách liên quan: Người đào tạo, dạy, sát hạch lái xe chạy theo lợi nhuận, nhận đào tạo ồ ạt, thời gian học lý thuyết, thực hành qua loa; tiêu chuẩn sát hạch thấp, cấp bằng dễ dãi.
Người tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật (Thanh tra giao thông, CSGT) chưa làm hết trách nhiệm, xử lý không nghiêm vi phạm giao thông, xử lý không đúng, người đáng phạt không phạt, không minh bạch.... không kiểm soát để ngăn chặn từ gốc vi phạm.
Vụ tai nạn xe Container cuốn hàng loạt xe máy khiến 4 người chết ở Long An |
Hạ tầng giao thông: Nhiều cung đường chưa hoàn thiện, chất lượng đường xuống cấp; hệ thống biển báo, cảnh báo không rõ ràng, không đầy đủ; đường không có làn riêng cho các phương tiện khác nhau, bố trí giao thông không hợp lý.
Phương tiện: Phương tiện xuống cấp, đã quá hạn đăng kiểm nhưng vẫn lưu hành, hoặc được đăng kiểm nhưng thực chất không đảm bảo an toàn khi lưu thông.
Ba vấn đề cần xem xét ngay
Ngay lập tức, các cơ quan chức năng, Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ GTVT, Bộ Công an, Ủy ban liên quan của QH cần tổ chức họp để kiến nghị cấp có thẩm quyền, Chính phủ, QH sớm thông qua các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông, trong đó tập trung vào:
Thứ nhất, cần rà soát ngay lại quy trình đào tạo, cấp bằng lái xe; thời gian học, giáo trình học, thời gian thực hành, quy trình sát hạch, tiêu chuẩn cấp bằng: theo hướng chặt chẽ, tiêu chuẩn cao hơn, chú trọng dạy đạo đức người lái xe, tăng thời gian thực hành.
Nếu TNGT xảy ra, cần phải điều tra, người lái xe được xác định là có lỗi gây ra tai nạn thì bản thân họ phải chịu trách nhiệm tương xứng, nhưng trung tâm đào tạo, trung tâm sát hạch cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.
Tùy theo mức độ, nhẹ thì phải bị cắt giảm chỉ tiêu đào tạo, phải nộp lại khoản phí đã thu để nộp vào quỹ trợ giúp cho nạn nhân TNGT; nếu vụ tai nạn có mức độ nghiêm trọng, nặng thì phải bị đình chỉ dạy, đình chỉ tuyển sinh, đình chỉ hoạt động sát hạch trong một thời gian nhất định để giải trình, để rà soát hoạt động giảng dạy, sát hạch...
Thứ hai, đối với các vấn đề về kỹ thuật, liên quan đến chất lượng xe lưu thông, đến cơ sở hạ tầng giao thông cần tổng kiểm tra trên toàn quốc, rà soát lại quy trình, tiêu chuẩn đăng kiểm phương tiện; rà soát lại trách nhiệm quản lý, duy tu tất cả các tuyến đường.
Khi có vụ tai nạn xảy ra, ngoài xác định vi phạm của người điều khiển, cần xác định tới cùng, nếu có nguyên nhân là do phương tiện không đảm bảo lưu hành, do hạ tầng cung đường, biển báo, bố trí giao thông không hợp lý… thì những cá nhân, cơ quan liên quan như đăng kiểm, quản lý đường bộ…cũng phải chịu trách nhiệm giải trình và phải bị đình chỉ công tác, điều tra, làm rõ, nếu có trách nhiệm trong đó thì phải bị truy cứu tương xứng...
Thứ ba, đối với trách nhiệm của lực lượng thực thi pháp luật cần rà soát lại các quy định, quy trình, chế độ công tác của lực lượng thực thi pháp luật, nhất là của Thanh tra giao thông, CSGT, các lực lượng có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo ATGT. Cần có chế tài, có thưởng phạt rõ ràng, công minh, để tăng trách nhiệm của lực lượng này....
Làm như vậy, lực lượng thực thi pháp luật, thanh tra, CSGT sẽ có động lực, thấy việc mình làm hết trách nhiệm, đóng góp cho xã hội thì giá trị mình thu lại được lớn.
Không xử tận gốc thì còn chết oan
Đơn cử như vụ TNGT thảm khốc ở Long An gây chấn động dư luận vừa qua, hay các vụ tài xế say rượu đâm chết người ở nhiều địa phương gần đây, nếu chúng ta không xử lý tận gốc vấn đề thì những vụ việc tương tự sẽ không thể bị ngăn chặn.
Với những vụ như trên, ngoài người lái xe phải chịu trách nhiệm hình sự tương xứng, thì cần tra lại hồ sơ, làm rõ ai, trung tâm nào dạy nghề lái xe cho anh ta, cấp bằng sát hạch; đoạn đường đó bố trí giao thông thế nào, có biển báo đầy đủ…
Trước mắt, tất cả đều phải bị đình chỉ công tác để giải trình, điều tra làm rõ, và khi đã rõ trách nhiệm rồi phải xử lý nghiêm.
Nếu như quá trình điều tra cho thấy việc đào tạo lái xe này không đủ thời lượng, chất lượng theo như quy định; việc sát hạch, cấp bằng có dấu hiệu hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu cực, thì không chỉ đình chỉ hoạt động của trung tâm, mà phải truy cứu trách nhiệm những cá nhân liên quan.
Trong tất cả các vụ việc, cơ quan cấp trên cần xem xét cá nhân cán bộ Thanh tra giao thông, CSGT phụ trách tuyến đường, địa bàn phải giải trình về việc thực thi nhiệm vụ được phân công có thiếu trách nhiệm, có tiêu cực gì hay không... Nếu có thiếu trách nhiệm, thậm chí tiêu cực, sai phạm thì cần truy cứu trách nhiệm tương xứng.
Song song với việc siết lại kỷ luật, kỷ cương với dân, xử nghiêm với người điều khiển, phải siết lại cả kỷ luật, kỷ cương, nghiêm với cả nơi đào tạo, người sát hạch, cho ra sản phẩm người lái xe, rồi người thực thi pháp luật, người đăng kiểm, người quản lý hạ tầng đường bộ.
Nếu chúng ta không làm được như vậy, nhiều gia đình sẽ còn tiếp tục mất người thân, nhiều người sẽ chết oan khuất như bị tên bay đạn lạc giữa thời bình mà không ai phải chịu trách nhiệm cả.
Cùng hiến kế giảm thiểu các vụ tai nạn thương tâm, mời bạn đọc trong và ngoài nước có thể chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện thực tế... gửi về địa chỉ banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ được lựa chọn đăng tải. Trân trọng! |
Tai nạn thảm khốc: ‘Đánh phủ đầu’ tiêu cực, lập đội test nhanh ma túy
Giải pháp chính để giảm thiểu tai nạn là kiểm soát chất lượng đào tạo và thi bằng lái, ngăn chặn hành vi sử dụng chất kích thích của lái xe.
Nguyễn Đình Hùng (Hà Nội)