Không phải nơi xuất thân của những tỷ phú giàu nhất thế giới, nhưng Đông Nam Á là khu vực có số lượng tỷ phú USD thuộc nhóm lớn nhất hiện nay. Theo thống kê của Forbes, 6 quốc gia trong khu vực hiện có tổng cộng 109 tỷ phú USD với khối tài sản ròng gần 400 tỷ USD.

Số tiền trên lớn hơn hầu hết GDP của các quốc gia trong khu vực này (sau Indonesia và Thái Lan), và tương đương gần 1/8 tổng GDP của toàn khu vực năm 2018.

Trong 10 tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á, sản xuất và tài chính là hai lĩnh vực có nhiều doanh nhân tham gia nhất và giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động tại doanh nghiệp mà họ sở hữu. Sản xuất là nguồn gốc tài sản của 6/10 tỷ phú hiện nay.

Ngoài ra, bất động sản và bán lẻ cũng là lĩnh vực mà nhiều doanh nhân Đông Nam Á đang tham gia kinh doanh.

{keywords}
 

Những ông trùm lĩnh vực sản xuất

Theo dữ liệu từ Forbes, nguồn gốc tài sản của 4 người giàu nhất Đông Nam Á hiện nay đều đến từ lĩnh vực sản xuất nói chung. Trong đó, 2 người giàu nhất là anh em doanh nhân Robert Budi Hartono (anh) và Michael Hartono (em), người Indonesia.

Ước tính, hai vị doanh nhân này đang sở hữu 38,5 tỷ USD tài sản ròng, chia đều cho cả 2, gấp đôi so với 3 năm trước. Trong một thập kỷ qua, gia tộc Hartono luôn giữ vị trí giàu có số một tại đất nước “vạn đảo”.

Toàn bộ tài sản của 2 anh em tỷ phú nói trên nằm tại Djarum, doanh nghiệp ty sản xuất thuốc lá lớn nhất Indonesia, và cổ phần tại Central Asia, một trong những ngân hàng lớn nhất nước này. Sản xuất thuốc lá là lĩnh vực chính giúp gia tộc Hartono tích lũy tài sản và đầu tư vào Ngân hàng Central Asia.

Hiện nay, con cháu của hai vị tỷ phú này cũng tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Một con trai của ông Robert Budi điều hành Djarum, người con khác giữ chức Tổng giám đốc Ngân hàng Central Asia.

Tỷ phú giàu thứ 3 Đông Nam Á là ông Dhanin Chearavanont người Thái Lan với 17,4 tỷ USD. Ông Dhanin là chủ sở hữu Charoen Pokphand Group (Tập đoàn CP) nổi tiếng tại châu Á. Lĩnh vực chính của tập đoàn này là sản xuất thực phẩm và nông nghiệp, gồm chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi.

{keywords}
Ông Michael Bambang Hartono, tỷ phú giàu thứ 2 Đông Nam Á sau anh trai mình. Ảnh: Dimas Ardian/Bloomberg.

Ngoài ra, CP còn tham gia vào lĩnh vực bán lẻ với hệ thống cửa hàng tiện lợi tại Thái Lan. Hai thị trường lớn nhất của CP hiện nay là Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó Trung Quốc đóng góp khoảng 40% doanh thu của toàn tập đoàn. Còn tại Nhật, CP là nhà nhập khẩu thịt gà, thịt lợn lớn nhất hiện nay.

Một ông trùm sản xuất khác là tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, giàu thứ 2 Thái Lan và thứ 4 tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong lĩnh vực sản xuất đồ uống, tỷ phú này là số một tại khu vực. Ông Charoen là người đã chi gần 5 tỷ USD để trở thành cổ đông chi phối tại Sabeco, hãng bia lớn nhất Việt Nam.

Ngoài ra, ông còn sở hữu Thaibev, nhà sản xuất bia lớn nhất Thái Lan, và Fraser & Neave, hãng sản xuất đồ uống lớn nhất Singapore. Tập đoàn của tỷ phú này cũng kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ và bất động sản với chuỗi siêu thị Mega Market (tên cũ là Metro) và TCC Holdings.

Sản xuất cũng là lĩnh vực kinh doanh chính của tỷ phú người Singapore Goh Cheng Liang (sở hữu 9,5 tỷ USD). Phần lớn tài sản của ông Goh nằm ở 39% cổ phần tại Nippon Paint Holdings, hãng sơn lớn thứ 4 thế giới. Hiện tại, con trai ông cũng đang là Chủ tịch Nippon Paint.

{keywords}
 

Đa số tài sản của người giàu nhất Malaysia - Robert Kuok - nằm tại Wilmar International, tập đoàn nông nghiệp có vốn hóa thuộc hàng lớn nhất sàn chứng khoán Singapore.

Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của Wilmar là chế biến và sản xuất mía đường. Đây là lý do ông Robert còn được mệnh danh là “vua đường châu Á”. Tỷ phú này hiện cũng kinh doanh cả bất động sản với chuỗi khách sạn 5 sao Shangri-La và dự án Trung tâm Thương mại World Trade Center ở Bắc Kinh.

Số ít làm giàu từ bất động sản

Là lĩnh vực có nhiều người giàu nhất Việt Nam nhưng tại Đông Nam Á, bất động sản không phải nguồn gốc tài sản của nhiều tỷ phú. Trong top 10 người giàu nhất, bất động sản là nguồn gốc tài sản chính của ông Phạm Nhật Vượng và anh em tỷ phú Singapore Robert & Philip Ng.

Ông Phạm Nhật Vượng hiện xếp ở vị trí thứ 10 tại Đông Nam Á với khối tài sản 8,1 tỷ USD. Phần lớn tài sản của ông Vượng đến từ cổ phần ông nắm giữ tại Vingroup, tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam. Vingroup kinh doanh cả trong lĩnh vực y tế, giáo dục và bán lẻ, mới nhất là sản xuất, nhưng bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Trong khi đó, anh em tỷ phú Robert & Philip Ng là chủ sở hữu của Far East Organization và Sino Group, hai tập đoàn bất động sản lớn nhất Singapore và Hong Kong.

Doanh nghiệp này do ông Ng Teng Fong (cha của của Robert & Philip Ng), người gốc Hoa thành lập. Thập niên 80 của thế kỷ trước, ông Ng Teng Fong nổi tiếng với biệt danh “ông vua của đường Orchard", con phố mua sắm sầm uất bậc nhất tại Singapore.

{keywords}
Anh em Robert & Philip Ng. Ảnh: Asia One. 

Hiện tại, ông Philip Ng (em) quản lý hoạt động của tập đoàn tại Singapore, trong khi ông Robert (anh) và con trai của mình quản lý Sino Group, chi nhánh tập đoàn ở Hong Kong. Khối tài sản của 2 anh em vị tỷ phú này đang sở hữu lên tới 12 tỷ USD.

Ngoài các lĩnh vực phổ biến như sản xuất, tài chính, bất động sản… trong 10 người giàu nhất Đông Nam Á hiện nay duy nhất có tỷ phú Zhang Yong (quốc tịch Singapore) kinh doanh trong lĩnh vực chuỗi nhà hàng.

Ông là nhà đồng sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO của Haidilao International Holding, chủ sở hữu Hai Di Lao, chuỗi nhà hàng lẩu Tứ Xuyên nổi tiếng Trung Quốc.  

Tuy mang quốc tịch và sinh sống tại Singapore, vị tỷ phú này có gốc Trung Quốc và phần lớn hoạt động kinh doanh hiện tại của ông cũng đều ở Trung Quốc.

Hiện tại, ông vợ sở hữu khoảng 58% cổ phần của Haidilao. Theo Forbes, tổng tài sản ròng của vị tỷ phú cùng vợ hiện vào khoảng 13,7 tỷ USD, xếp thứ 5 tại Đông Nam Á và số một tại Singapore.

(Theo Zing)