- "Tôi nghĩ rằng làm triển lãm chỉ để mua vui gia đình, bạn bè, bố mẹ vợ, họ hàng, con cái là điều không cần thiết vì họ thừa biết tôi là ai", Họa sĩ Đào Hải Phong.
Nhiếp ảnh Ngọc Thái tương phản với hội họa Đào Hải Phong
Đào Hải Phong ký tặng vào cuốn sách về triển lãm.
- Nhiều người bất ngờ khi biết rằng anh không học trường mỹ thuật mà tốt nghiệp từ trường Sân khấu điện ảnh và từng có thời gian làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam.
- Người thích mỹ thuật, nói tóm lại là thích vẽ thì từ bé họ đã tiếp cận với vẽ. Ngày xưa tôi rất thích vẽ và rất thích thi vào trường mỹ thuật. Nhưng thời đó cha tôi (họa sĩ nổi tiếng Đào Đức - PV) khi còn làm ở Hãng phim truyện có nói với tôi rằng nếu thích vẽ thì không cứ phải học cụ thể ở trường nào nhưng con nên thi vào trường Điện ảnh để sau này dễ xin việc. Bố ở đó hướng dẫn và sẽ xin việc để con có chỗ mà mưu sinh, tồn tại. Nó chỉ giản dị và khổ sở đến như thế. Và đương nhiên là tôi nghe lời bố tôi.
- Anh học khoa gì ở trường SK-ĐA?
- Tôi học khoa mỹ
thuật thiết kế điện ảnh. Trong khi đó, bố tôi lại ngược lại. Từng học khóa mỹ
thuật của thầy Tô Ngọc Vân trên đồi cọ, khóa mỹ thuật kháng chiến đầu tiên, rất
muốn vẽ nhưng rồi bố tôi lại vào ngành điện ảnh dù không theo học ngành này mà
tự học. Đi theo điện ảnh cách mạng, tham gia bộ phim Chung một dòng sông,
cuộc đời bố tôi chuyển sang hướng khác. Khi đến lượt mình, tôi tự học về điện
ảnh nhưng lại không có duyên với điện ảnh mà chuyển sang mỹ thuật.
Tranh trong xưởng vẽ của họa sĩ Đào Hải Phong
- Cuối cùng thì anh ở Hãng phim truyện VN bao lâu?
- Tương đối dài. Chính thức làm việc từ năm 1989 và mãi 2004 tôi mới thực sự dứt khỏi đó. Trong thời gian ấy tôi làm được tương đối nhiều phim và cũng có một lần đoạt giải thiết kế, đó là Cát bụi hè đường của họa sĩ Khánh Dư. Đây cũng là bộ phim đầu tay của tôi ở cương vị họa sĩ chính. Hồi đó tôi vẫn nghĩ mình xác định làm phim để kiếm sống và để có điều kiện khi xong phim sẽ có thêm một chút kinh tế để làm việc ở nhà. Lúc đó tôi chỉ vẽ những gì mình thích và nghĩ rằng những bạn nào thật thân và quý trọng mình mà muốn có một bức tranh mình vẽ treo trên tường nhà thì đó thực sự là niềm hạnh phúc vô cùng.
Thời gian tôi đi làm thuê cho phim Đông Dương, một nhà thơ thích tranh của tôi và có xin chụp lại một bức để in lên báo Quân đội Nhân dân. Khi báo ra, ở cái tuổi mới ra trường, tôi thấy rất thích thú và phấn khởi. Do vậy tôi có khoe một cậu họa sĩ người Pháp trong tổ thiết kế cho phim Đông Dương. Sau khi xem xong thì thái độ của cậu họa sĩ đó khác hẳn. Cậu ta đòi tôi dẫn đến xưởng vẽ của mình và hỏi mua tranh của tôi. Đó là lần đầu tiên tôi biết được thế nào là mặt của tờ đô la. Ngay hôm đó, tôi mời ông ấy đi ăn và tiêu gần hết số tiền bán tranh. Chỉ còn 30 đô la trong số 100 đô la bán tranh, tôi dùng nốt để mời ông phiên dịch cho cuộc nói chuyện với tay họa sĩ người Pháp. Tôi phấn khởi đến mức ngồi vẽ đến 3h sáng. Lúc đó tôi tự hỏi: hay là con đường chính của mình phải là hội họa mà đầu tiên mình chỉ tưởng là chơi thôi.
"Cân bằng" là một trong những triển lãm đông nhiều người xem nhất từ trước đến nay tại HN.
- 2004 mới chính thức dứt khỏi Hãng phim truyện, ở thời điểm đó anh cũng đã có kha khá cuộc triển lãm rồi...
- Thực ra tôi đã không làm phim từ năm 1996 rồi. Từ năm 2003-2005 gần như tôi không còn thời gian cho bất cứ công việc nào phát sinh nếu không có sự sắp xếp trước đó nửa năm. Thời điểm đó rất nhiều gallery nước ngoài mời tôi triển lãm tranh và các triển lãm đều được thực hiện cuốn chiếu.
- Lần cuối cùng anh giới thiệu tranh của mình ở VN là trong một cuộc triển lãm nhóm năm 2002, gần 10 năm sau người hâm mộ mới lại được xem tranh của anh trong cuộc triển lãm mới đây tại HN với chủ đề Cân Bằng. Tại sao lại lâu như vậy?
- Có hai lý do. Thứ nhất, tôi bận với những cuộc triển lãm ở nước ngoài. Thứ hai, tôi vẫn cứ bị mặc cảm rằng triển lãm ở VN mà tự mình đứng ra làm thì tôi vẫn luôn có cảm giác rằng nhiều cuộc triển lãm diễn ra chỉ để làm vui lòng bạn bè, họ hàng theo nghĩa như một dạng tân gia, một kiểu mừng thọ. Và quan trọng nhất, tôi phải nói thẳng là tôi cảm thấy công chúng VN không mua tranh. Và tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng mình đóng góp một mặt hàng mà tôi không làm được những mặt hàng khác. Tôi nghĩ rằng làm triển lãm chỉ để mua vui gia đình, bạn bè, bố mẹ vợ, họ hàng, con cái là điều không cần thiết vì họ thừa biết tôi là ai. Tôi không có ý định làm triển lãm trừ khi có những cuộc nhóm làm triển lãm cho một cái quỹ nào đó vì một cuộc tử tế nào đó thì tôi đóng góp 1-2 tranh vào.
- Ngoài lý do là là có mục đích tử tế, anh tham gia triển lãm "Cân bằng" lần này tại HN còn là vì nó có sự tham gia của họa sĩ Lê Thiết Cương với tư cách là giám đốc nghệ thuật?
- Lê Thiết Cương
là một người bạn, triển lãm cùng nhau từ khi chúng tôi còn được gọi là "hai
thằng". Chơi với nhau từ khi còn trẻ, đến nay tôi và Cương vẫn song hành trên
con đường nghệ thuật. Mỗi người có một quan niệm, đi theo một con đường riêng
nhưng cùng có một điểm chung là sự tử tế. Cương đang làm một việc là muốn cho
công chúng nhìn những giá trị thật. Tôi cũng bị mang một cái tiếng là họa sĩ có
tranh bị copy rất nhiều. Có người nói, ông toàn triển lãm ở nước ngoài nên tôi
toàn phải xem tranh copy của ông. Tôi hiểu trong câu đùa giễu cợt đó cũng có sự
triển trách. Cũng có người nói rằng hay ông nghĩ chúng tôi không đủ tiền nên ông
không triển lãm tranh trong nước và chỉ có người nước ngoài mới có tiền để mua
tranh của ông. Vẫn là câu đùa nhưng tôi biết trong đó có bao nhiêu phần trăm suy
nghĩ thật của họ.
Các bức tranh anh trưng bày lần này đều chưa từng được công bố trước đó.
- Vậy anh có muốn chứng minh hay phản bác điều gì khi đồng ý tham gia cuộc triển lãm tranh lần này không, khi 15 bức tranh xuất hiện trong "Cân bằng" đều chưa từng được công bố trước đó?
- Đó là 15 bức tranh được thực hiện ở những năm khác nhau. Là những tranh mà tôi nghĩ mình có quyền giữ lại cho mình. Bởi tôi quan niệm tài sản của họa sĩ phải là tranh chứ không phải là khi đến nhà người ta thấy chỉ toàn là đồ đạc. Do vậy tôi tự cho phép mình hàng năm giữ lại những bức tranh mình yêu thích. Tôi không có ý định làm một bộ sưu tập quá lớn mà là để dùng cho một cuộc nào đó cảm thấy hữu ích mà muốn tham gia.
Thông qua 15 bức tranh này tôi muốn người xem thấy được những giai đoạn chuyển tiếp, sự thay đổi trong sáng tác của mình. Như một người bạn tôi có nói, sự thay đổi giống như vân tay của con người vậy. Vân tay của cô thiếu nữ khi 15 khi trưởng thành vẫn vậy. Đến khi 70 tuổi, tay của cô ấy sẽ khác, da nhăn nheo nhưng vân tay vẫn vậy. Khi hỏi một họa sĩ có thay đổi phong cách không thì người hỏi hoặc là không biết gì hoặc là đang hỏi một họa sĩ không bao giờ có phong cách cả. Tôi không thay đổi phong cách vì phong cách không bao giờ thay đổi được. Và những người luôn thay đổi phong cách là những người chưa bao giờ có phong cách.
- Cuối cùng thì những người yêu tranh của anh tại HN cũng đã có hội được xem tranh của anh sau gần 10 năm trong một cuộc triển lãm đúng nghĩa. Anh cũng biết là ngay đầu phố Bà Triệu nhà anh người ta bày bán tràn lan rất nhiều bức tranh chép các tác phẩm của mình. Anh có thấy rằng mình hơi tàn nhẫn với công chúng trong nước khi anh thường xuyên mang tranh của mình tới nhiều nơi trên thế giới trong khi cơ hội để người yêu hội họa xem những tác phẩm gốc của anh lại không nhiều?
Đào Hải Phong nói chưa biết khi nào mới có cuộc triển lãm tiếp theo tại VN
Câu hỏi đó thực ra vừa đúng lại vừa sai. Đúng ở lý thuyết. Tôi đi rất nhiều. Nếu hỏi đây là triển lãm lần thứ bao nhiêu của anh Đào Hải Phong thì thực sự là tôi không nhớ để mà trả lời ngay. Nhưng sai ở đây, mà sai nên hiểu trong ngoặc kép là công chúng Việt Nam chưa quen với việc đến một phòng triển lãm. Công chúng của hội họa vẫn là công chúng hẹp chứ không đông đảo như công chúng trong các lĩnh vực ca nhạc, thời trang... Trong đống card của những người đã từng sở hữu tranh của tôi ở nước ngoài tôi không thấy có ông nào làm công nhân hay nói thẳng ra là những việc không qua đại học cả. Đó là những luật sư, hoặc thấp nhất cũng là trưởng phòng của một ngân hàng hay Chủ tịch Hội đồng quản trị... Tuy nhiên tôi vẫn chưa chạm được đến những triệu phú ở nước ngoài mà chỉ chạm được đến những công chức có thu nhập ổn định ở nước ngoài. Cũng phải nói thật là tranh VN vẫn còn rất rẻ. Do vậy nếu ai nói rằng tranh của VN bán được rất nhiều tiền ở nước ngoài thì là sai.
Người VN mình
không nghèo nhưng tại sao mình lại mang những thứ tử tế của mình ra nước ngoài
để bán rẻ cho họ. Tôi dẫn chứng, người VN mình mua những chiếc xe ô tô, đeo
những chiếc túi mà nói thật đến một giám đốc ngân hàng hay người thiết kế của
chính nhãn hiệu đó cũng không dám sờ đến. Đó là một sự phi lý và mâu thuẫn.
- Có một thực
tế là ở VN nhiều người có thu nhập cao ở VN lại không hiểu biết nhiều về hội
họa, và họ không có nhu cầu bỏ tiền mua những bức tranh đắt tiền? - Câu hỏi này đúng
ở chỗ là có lẽ vì một phần họ không có dịp tiếp cận với hội họa. Triển lãm lần
này cũng khiến tôi bất ngờ là có khá nhiều người thành đạt nhưng lần đầu tiên
đến với sự kiện. Điều đó làm tôi có cảm giác sự kiện này cũng mở ra cho mình cơ
hội nhìn nhận công chúng mình ở một khía cạnh tươi đẹp hơn để các họa sĩ chuyên
nghiệp khỏi phải lấn bấn chuyện phải trông vào các sự kiện ở nước ngoài, các nhà
tài trợ nước ngoài hay những người buôn tranh nước ngoài. Tại sao công chúng ở
VN lại không nghĩ rằng chúng ta cũng có những thứ mà nước ngoài còn không có.
Hiếm có họa sĩ nào được người hâm mộ săn đón như anh.
Trung Quốc là đất nước mà tôi rất kính nể về văn hóa, về hội họa và gần đây có những thương gia của họ mua tranh của tôi. Tôi chợt nghĩ ra một điều rằng họ tìm đến và mua thứ mà họ không có. Tôi sinh ra ở mảnh đất này và tự cho mình là một cái cây, và mình phải ra một thứ quả có hương vị để người ta biết đến hội họa Việt Nam. Họ giữ một bức tranh của VN, họ sẽ giới thiệu rằng đây là một bức tranh của họa sĩ VN, điều đó làm mình rất hãnh diện. Khi thấy họ trân trọng như vậy thì tôi thấy buồn là tại sao người VN thờ ơ với điều đó.
Hạnh Phương - Ảnh: HB, Tuấn Đào
Phần tiếp theo: "Tôi
không muốn làm người giàu nhất ở nghĩa địa"!