Thời tiết giao mùa khiến nhiều người bị cảm cúm. Và có thể dịch bệnh cũng đang tấn công văn phòng làm việc của bạn. Kịch bản hay xảy ra là một ngày đẹp trời thức dậy, bạn thấy mình đau đầu, sốt và sổ mũi.
Câu hỏi đấu tranh lúc đó là: Liệu có nên đi làm hay không?
Tại sao nhiều người ốm vẫn cố đi làm?
Theo khảo sát tại Mỹ, có đến 69% những người được hỏi nói rằng họ vẫn đến công ty khi bị ốm. Đối với một số người, đó là vấn đề tiền bạc. Không phải công ty nào và không phải mọi trường hợp, người lao động cũng nhận đủ thu nhập khi họ không đi làm vào ngày nghỉ ốm.
Một số công ty thực hiện đúng chế độ ngày nghỉ trong năm, nhưng họ không phân biệt ngày nghỉ phép và ngày nghỉ ốm. Do đó, một số người có thể muốn tiết kiệm ngày nghỉ để đi du lịch dài, họ phải cố gắng đến công ty dù hơi ốm một chút.
Cuối cùng, có những người đến văn phòng vì trách nhiệm. Nếu họ nghỉ việc, sẽ không có ai làm thay việc cho họ và đôi khi công ty sẽ gặp vấn đề. Trách nhiệm có lẽ là động cơ cao quý nhất để kéo một người ốm tới văn phòng thay vì đặt họ nằm lại trên giường, với đệm, gối, và thuốc sẵn trên bàn.
Nhưng đó là một suy nghĩ sai lầm.
Ốm là ốm thế nào?
Bây giờ, phải nói rõ ràng rằng: Có sự khác biệt giữa bị ốm thực sự và cơn mệt mỏi khi thời tiết chuyển mùa. Việc bạn hơi đau họng, cảm cúm nhẹ hoặc bị đau đầu mạn tính có thể được giải quyết bởi một viên thuốc không kê đơn không được coi là ốm.
Ốm ở đây có nghĩa là một tình trạng đủ tồi tệ, để bất cứ ai nhìn vào bạn, với suy nghĩ bình thường đều nghĩ rằng bạn nên ở nhà. Ví dụ, cảm cúm nặng, với đờm không còn là màu trắng, đau họng kèm ho, rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng như tiêu chảy và một triệu chứng thường thấy: sốt.
Một loạt các căn bệnh nặng hơn có thể khiến bạn ốm như viêm xoang, viêm tai, viêm họng liên cầu khuẩn… Nhưng dù bạn có bị ốm vì lý do gì đi chăng nữa, đây là 3 lý do tại sao bạn nên nghỉ ở nhà:
1. Bạn chỉ tự làm khổ mình, đi làm khiến bệnh nặng hơn và lâu khỏi
Bản thân việc bị ốm đã khiến bạn khó chịu rồi, đặt thêm các gánh nặng công việc và cuộc sống lên trên vai mình vào những ngày này sẽ khiến bạn mệt mỏi hơn nữa. Đi làm khi bị ốm là tước đoạt quyền nghỉ ngơi của cơ thể, khiến bạn khó hồi phục hơn.
Có thể vì thế mà bạn sẽ kéo dài thời gian ốm hơn mức cần thiết và vẫn phải nghỉ những ngày sau đó khi không cố được nữa. Thay vì đi làm khi ốm, bạn có thể nghỉ ngơi ở nhà một ngày để bệnh nhanh khỏi hơn và đi làm trở lại vào những ngày sau đó.
2. Bạn sẽ làm việc dưới năng suất và dễ dàng mắc lỗi
Thật khó để có thể tập trung toàn bộ vào công việc khi đầu bạn thì đang đau còn mũi thì phải đang cố gắng lắm mới hít thở được. Theo một cuộc khảo sát năm 2014 tại Mỹ, các nhân viên nói rằng bị ốm khiến năng suất lao động của họ giảm xuống chỉ còn 60% so với bình thường.
Và ngay cả khi bạn nghĩ rằng đi làm với 60% năng suất còn hơn nằm nhà với 0%, hãy tính toán đến cả những rủi ro nằm trong 40% năng suất sụt giảm.
Trên thực tế, nếu bạn cố gắng giải quyết các vấn đề quan trọng khi bị ốm, bạn có nguy cơ lớn mắc phải các lỗi ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Hậu quả của nó có thể là uy tín của chính bạn, của cả phòng hay thậm chí cả công ty bị giảm sút.
Vì vậy, lựa chọn tốt hơn vẫn là ở nhà trong những ngày này và tạm gác lại công việc đã.
3. Đồng nghiệp và sếp cũng khuyến khích bạn ở nhà khi bị ốm
Tưởng tượng xem sẽ thế nào nếu bạn cứ ho và hắt hơi ở văn phòng? Không ai muốn bị lây và mọi người sẽ giữ khoảng cách với bạn. Ngay cả khi bạn cố gắng đi làm vì trách nhiệm với công ty hay vì không muốn ai phải làm thay mình nữa, thì đồng nghiệp của bạn cũng thích bạn ở nhà hơn.
Trong thực tế, hầu hết đồng nghiệp đều sẵn sàng làm thay việc cho bạn, ngay cả những đồng nghiệp khó tính nhất. Họ chọn vất vả một chút chứ không muốn lây bệnh rồi phải nằm nhà vài ngày.
Còn sếp bạn thì sao? Tất nhiên rồi, với nguy cơ bạn có thể lây bệnh cho cả văn phòng và khiến không chỉ một mà đến cả chục nhân viên sụt giảm năng suất, sếp cũng muốn bạn nghỉ.
Sếp nào cũng thích người trách nhiệm, nhưng bạn phải biết có trách nhiệm một cách hợp lý. Vì vậy, hãy nghỉ ngơi ở nhà nếu bạn bị ốm, đặc biệt là những bệnh truyền nhiễm.
Nghỉ ngơi vừa giúp bạn thoải mái hơn, vừa giúp bạn phục hồi đủ nhanh để trở lại công việc mà không lây nhiễm cho bất cứ đồng nghiệp nào của mình.
Theo GenK