Điều quan trọng nhất cần biết về phán quyết ngày 26/10 dành cho Silvio Berlusconi vì các tội gian lận thuế là đây không phải lần đầu tiên cựu Thủ tướng Italia bị kết án tù.


Silvio Berlusconi.

Trong hai thập niên ông đối đầu với hệ thống tư pháp, trùm truyền thông giàu có này đã ba lần bị kết tội, vì nhiều tội danh, từ khai man tới hối lộ một thành viên cảnh sát thuế. Mỗi lần, ông đều thành công trong việc làm lật ngược hoặc hủy bỏ các tội danh đó.

Cũng chẳng có nhiều lý do để tin rằng lần này là khác biệt. "Khi người Mỹ thấy tin Berlusconi bị tuyên bố có tội và bị kết án 4 năm tù giam, họ liền hình dung ra một chiếc xe loanh quanh ở góc sẵn sàng đưa ông đi trong trang phục tù nhân", trích lời Alexander Stille, tác giả cuốn Sack of Rome, một cuốn tiểu sử về cựu Thủ tướng Italia. "Nhưng nếu bạn biết bất cứ điều gì về hệ thống tư pháp Italia, thì bạn sẽ thấy rất khó có khả năng ông ấy sẽ phải ngồi tù trong tương lai gần, hoặc có thể là mãi mãi".

Berlusconi đã bị kết tội, cùng với ba người khác, vì dùng các công ty bên ngoài để mua bản quyền các bộ phim Mỹ rồi bán lại chúng cho đế chế truyền thông của mình với giá cao hơn, và rót lợi nhuận vào một quỹ bí mật. Đối tác làm ăn lâu năm của ông, Fedele Confalonieri, và hai bị cáo khác được tha bổng. 

Cựu Thủ tướng Italia nhận bản án nặng nhất: 4 năm tù giam - giảm xuống một năm theo quy định ân xá - cùng với một lệnh cấm giữ chức vụ công trong 3 năm. Tuy nhiên, không án phạt nào có hiệu lực cho đến khi Berlusconi sử dụng hết các kháng cáo, một tiến trình mà có thể sẽ mất nhiều năm.  

Về mặt chính trị, phán quyết mới nhất dành cho Berlusconi nhiều khả năng là một viên đá nữa thêm vào khối đá ngày càng lớn đang đè lên sự nghiệp chính trị của ông. Kể từ khi ông rời khỏi vị trí Thủ tướng để dọn đường cho Thủ tướng đương nhiệm Mario Monti, Berlusconi sống một cuộc đời im ắng hơn. Nhưng đảng Nhân dân Tự do của ông đã bị ảnh hưởng bởi một loạt bê bối tham nhũng liên quan đến các nhân vật cấp cao. Hai ngày trước khi phán quyết dành cho Berlusconi được công bố, tỷ phú truyền thông này nói ông sẽ không ra tranh cử vị trí Thủ tướng trong cuộc bầu cử dự kiến vào mùa xuân tới. 

Nhưng sau khi rút lui, Berlusconi sẽ vẫn là một chính trị gia quyền thế nhất ở Italia. Mặc dù ông đã từ bỏ chức Thủ tướng, ông vẫn là một thành viên của Quốc hội - và như vậy ông sẽ có một tấm thẻ về miễn trừ luật pháp - và là chủ tịch đảng lớn nhất, ông có quyền phủ quyết trên thực tế đối với bất kỳ một sự lập pháp nào. Ông tiếp tục làm chủ một thị phần truyền thông lớn ở Italia, gồm 3 trong số 4 đài truyền hình tư nhân, và ông là một trong những người giàu có nhất đất nước.

Mặc dù con đường trở lại nắm quyền đang thu hẹp, vẫn có một cơ hội tốt để Berlusconi tiếp tục đóng một vai trò chi phối việc bổ nhiệm những chức vụ quan trọng khi cơ quan lập pháp tiếp theo nhậm chức. 

Thanh Hảo (Theo TIME)