Bất cứ khi nào xảy ra một vụ đâm chém, bắn giết hay thảm sát hàng loạt, có tới 98% nguy cơ thủ phạm là một người đàn ông. Tại sao lại như vậy?
Hình ảnh Elliott Rodger trong một đoạn video đăng tải trên Youtube trước khi gây án. Ảnh: Time |
Không có bất kỳ sự chắc chắn tuyệt đối nào khi nói đến những kẻ sát nhân hàng loạt, nhưng vẫn có vài điểm gần đúng về chúng. Ai đó sẽ sử dụng thuật ngữ "thanh niên bất mãn" để mô tả thủ phạm. Ở đâu đó cũng sẽ có nhật ký của chúng, chẳng hạn trong blog, tài khoản cá nhân trên các trang mạnh xã hội như Facebook, Tweeter hay YouTube, hoặc các mẩu suy tưởng nguệch ngoạc trong máy tính cá nhân. Và kẻ sát nhân, chắcn chắn tới hơn 98%, là đàn ông.
Tất cả những đặc điểm trên đều đúng trong một vụ thảm sát gần đây nhất, xảy ra hồi cuối tuần trước, khi Elliott Rodger, một chàng sinh viên 22 tuổi tại Cao đẳng thành phố Santa Barbara, giết chết 6 người và làm bị thương 13 người khác trong một vụ đâm chém và xả súng, trước khi tự vẫn.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao nam giới thường là những kẻ gây ra các vụ thảm sát đẫm máu? Hiện vẫn thiếu những lời giải thích thấu đáo về sự thống trị của phái mạnh trong nhóm tội phạm "quái vật" này. Tuy nhiên, các chuyên gia tội phạm học và các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số nguyên nhân khả dĩ nhất. Chẳng hạn như, hoóc môn testosterone nhen nhóm sự gây hấn; con trai mất nhiều thời gian hơn để trở nên chín chắn, trưởng thành so với con gái.
Và giống như ở phái yếu, não trước của phái mạnh cũng không phát triển bao myelin quấn quanh sợi thần kinh hoàn chỉnh cho tới tận cuối lứa tuổi 20 và thậm chí đầu lứa tuổi 30. Não trước là nơi cư trú của các chức năng điều hành, như kiểm soát xung thần kinh, phản ánh hay nhận thức về các hậu quả. Trong trường hợp của nam giới, những người dễ trở nên hiếu chiến, điều đó sẽ dẫn đến nhiều năm hành xử tồi tệ.
Thêm vào đó còn có các yếu tố xã hội: các trò chơi điện tử, phim ảnh, sách báo bạo lực và xu hướng chung của mọi xã hội về việc biến người đàn ông thành thợ săn hay chiến binh.
Địa vị cũng có ảnh hưởng nhất định trong vấn đề này. Nam giới thường bảo vệ địa vị của họ trong bất kỳ bộ lạc, cộng đồng hay xã hội nào một cách hung hãn và bất kỳ mối đe dọa nào đến vị trí đó cũng "đánh" trực diện vào bản sắc và lòng tự trọng của họ.
Chúng ta dễ dàng quan sát được trong những thời kỳ suy thoái rằng, khi mất việc là điều khốn khổ đối với cả 2 giới, đàn ông nhiều khả năng hoàn toàn "gục ngã" vì tình trạng đó hơn. Khi không còn vai trò của người lao động và khả năng kiếm tiền, đàn ông thường cảm thấy vô dụng và thôi thúc phải trả thù. Điều này dẫn đến không ít vụ án mạng, trong đó nạn nhân bị sát hại ở nơi làm việc là các ông chủ, chỉ vài tháng trước khi giáng chức hoặc sa thải thủ phạm.
Candice Batton, giám đốc Trường Tội phạm học và Luật hình sự thuộc Đại học Nebraska (Mỹ), từng nhận định trên tờ NPR sau vụ xả súng kinh hoàng ở xưởng đóng tàu chiến Washington năm 2013: "Một số nghiên cứu ủng hộ ý tưởng rằng, đàn ông nhiều khả năng có những quy kết tiêu cực nhằm đổ lỗi cho bên ngoài hơn so với phụ nữ, chẳng hạn như 'nguyên nhân các vấn đề của tôi là do ai đó hoặc lực lượng nào đó ngoài tôi'. Điều này chuyển biến thành sự tức giận và thù địch đối với những người khác. Trong khi đó, phụ nữ nhiều khả năng có những quy kết tiêu cực nhằm đổ lỗi cho bản thân, như 'nguyên nhân các vấn đề là sai lầm nào đó của tôi. Tôi đã không cố gắng đủ mức và không đủ tốt đẹp'.
Đây là lí do tại sao khi phụ nữ ra tay giết chóc, hành động thường diễn ra theo cách kín đáo hơn, chẳng hạn như dìm chết đuối hay làm ngộp thở. Trong khi đó, đàn ông có xu hướng trở nên điên cuồng, xả súng vào chốn đông người và nguyền rủa cả thế giới. Điều đó tất nhiên cũng làm tăng số nạn nhân của sát thủ là nam giới".
Vụ việc của kẻ sát nhân trẻ tuổi Rodger là minh chứng sống động về các nhận định trên. Trong nhật ký là các đoạn video đăng tải trên Youtube, những lời huyênh hoang hé lộ, Rodger căm ghét những phụ nữ không bao giờ đánh giá hắn đủ sức hấp dẫn với họ.
Tuấn Anh (Theo Time)