Từ đầu tháng tới giờ, không ít lần tôi bắt gặp trên báo chí và trên facebook hình ảnh các bé ngồi thẫn thờ hay nước mắt giàn giụa vì nhớ nhà, nhớ mẹ khi tham dự các khóa hè ở dạng như học kỳ quân đội, chúng em là chiến sĩ...
Kèm theo đó là những dòng tâm sự chan chứa yêu thương mà các bố, các mẹ dành cho con, động viên con cố gắng, thấy được thế giới rộng lớn và có nhiều trái ngang hơn vòng tay mẹ, mong muốn con tự lập, trưởng thành sau khi nếm trải học kỳ thêm nếm này…
Nhưng tôi thì nghĩ rằng tại sao mà phải khổ thế? Con tôi, không đời nào tôi bắt như vậy.
Thật chứ, đọc xong lịch sinh hoạt của một số đơn vị tổ chức, tôi hốt hoảng quá. Trẻ con đang tuổi ăn tuổi ngủ, mà dựng các cháu dậy từ 5h, 5h30 sáng, rồi buổi trưa cho nghỉ có 45 phút, thì quả là quá sức. Trong năm học, các cháu thường cũng không phải chịu một thời khóa biểu gắt gao như vậy.
Ví dụ như cái Lịch sinh hoạt Học kỳ quân đội của một trung tâm lớn như thế này nhé: Buổi sáng: từ 5h - 5h20 tập thể dục sáng; 5h20 - 5h45 vệ sinh cá nhân; 5h45 - 6h00 xếp nội vụ; 6h00 - 6h30 vệ sinh khu ở - khu vệ sinh; 6h30 - 6h45 kiểm tra nội vụ; 6h45 - 7h00 sinh hoạt đánh giá tiểu đội và di chuyển đến địa điểm học tập.
Lịch buổi trưa: từ 11h15 - 12h30 ăn trưa; 12h30 - 13h15 nghỉ trưa; 13h15 - 13h30 vệ sinh cá nhân và tập trung di chuyển đến địa điểm học tập.
Lịch buổi tối: từ 7h - 21h học tập tham gia các hoạt động buổi tối; 21h - 21h30 viết nhật ký (Bắt buộc các chiến sĩ viết nhật ký hàng đêm, đúng 21h30 tắt đèn đi ngủ).
Việc “học tập” trong các học kiểu này có nhiều nội dung mà người lớn đọc xong cũng toát mồ hôi: Các động tác di chuyển trong chiến đấu: đi, khom, bò, trườn, mang súng… Vác đồ hành quân ngày đêm; Bài võ biểu diễn và võ cơ bản để tự vệ bản thân; Báo động trong đêm; Tháo lắp súng; Bài tập, trò chơi đồng đội cứu trợ người bị nạn, cõng bạn vượt rừng…; Bài tập kỷ luật: chống đẩy, đứng lên ngồi xuống, bật nhảy cóc, chạy quanh sân; Chạy vượt chướng ngại vật tại thao trường; Kỹ thuật ném lựu đạn… Bài tập rèn sự dũng cảm: Đội cốc thủy tinh đi qua mảnh chai vỡ…
Tôi thấy ám ảnh với những bức hình các cô bé, cậu bé ngồi thẫn thờ vì nhớ nhà, hay khóc rưng rức lúc gọi điện về nhà hay khi nhận được thư mẹ… Hay thông tin như “Mỗi bữa cơm chỉ có rau muống, thịt và kèm thêm vài lát dưa hấu tráng miệng”…
Cậu nhóc nổi tiếng Nicolas, “con đẻ” của hai nhà văn, họa sĩ nổi tiếng của nước Pháp – Sempé và Goscinny – thuật lại một ngày trong trại hè của mình như thế này:
“Trong trại hè của tôi, hàng ngày chúng tôi đã làm hàng đống việc.
Buổi sáng, chúng tôi dạy lúc 8 giờ. Nhanh, nhanh, phải mặc ngay quần áo, và rồi chúng tôi ra sân tập trung. Rồi chúng tôi tập thể dục, một hai, một hai, và rồi sau đó, chúng tôi chạy đi đánh răng rửa mặt... Sau đó, những thằng trực nhật phải nhanh chân đi lấy đồ ăn sáng và ăn sáng ngon kinh lên được, với rất nhiều bánh mì quết! Khi chúng tôi ăn sáng rất nhanh xong, chúng tôi lại chạy về nhà để gấp chăn màn, nhưng không phải làm như mẹ ở nhà; chúng tôi chỉ gấp khăn trải giường và chăn lại làm tư và chúng tôi xếp lên trên đệm là xong. Sau đó, phải đi dọn dẹp, quét dọn nhà cửa, đi làm các thứ cho ông Genou quản trị trại, và rồi lại tập trung, phải chạy thật nhanh, và sau đó chúng tôi ra bãi biển để tắm. Sau đó, lại tập trung lần nữa và chúng tôi quay về trại ăn trưa... Và rồi cần phải đi ngủ trưa... Trong giờ ngủ trưa, đội trưởng canh chừng chúng tôi và kể chuyện cho chúng tôi nghe. Và rồi lại tập hợp và chúng tôi quay lại bãi biển, chúng tôi tắm, lại tập hợp và chúng tôi về trại ăn tối. Sau bữa tối, chúng tôi lại hát, thỉnh thoảng quanh một đống lửa to, và nếu chúng tôi không có trò gì chơi đêm, chúng tôi sẽ đi ngủ và phải tắt ngay đèn và ngủ...” (trích truyện “Tắm biển” trong cuốn Những kỳ nghỉ của nhóc Nicolas, NXB Hội nhà văn, 2009).
Kỳ nghỉ ở biển là mơ ước của nhiều em nhỏ mỗi khi hè về |
Hồi bé, không ít lần tôi tham gia các trại hè do cơ quan của bố, mẹ tổ chức, lần đầu khi tôi mới chỉ học lớp 2, và lần cuối cùng khi đã học lớp 9 – độ tuổi lớn nhất có thể.
Những trại hè khi đó cũng chỉ có…lịch chơi, như của cậu nhóc Nicolas kia. Sáng dậy không quá sớm, xếp dọn chăn màn, tập thể dục, ăn sáng, ra bãi biển. Về ăn trưa, nghỉ ngơi và tự chơi tới qua giờ quá nắng rồi lại tập hợp đi tắm biển lần nữa. Về ăn tối, sinh hoạt tập thể như hát múa, kể chuyện, chơi trò chơi tập thể (đôi khi có thể trốn lên tận sân thượng của khu nhà ở ngồi tán dóc…), rồi đến giờ thì tắt đèn đi ngủ. Cũng chia các nhóm ra để luyện tập hát hò, thi thố trong buổi liên hoan kết thúc trại hè.
Thế nên, chúng tôi mới có những kỷ niệm nhớ đời như giữa đêm đám con trai trùm chăn trắng kín mít đi gõ cửa phòng đám con gái để… dọa ma, hay giữa trưa trốn ngủ ra đường ngó nghiêng, thăm thú - vô kỷ luật đấy, nhưng phải nói là rất vui và hồi hộp. Các thầy cô phụ trách sẵn sàng “trình diễn” kỹ năng nằm trên biển cho một lũ trẻ con ầm ầm vỗ tay hoan hô…
Chắc là chúng tôi không được học những bài giảng lý thuyết được gọi ra rõ ràng như hiện nay: Kỹ năng tạo thiện cảm với người xung quanh, phương pháp giải quyết xung đột, nghệ thuật thăng bằng cuộc sống, kỹ năng làm việc đồng đội, kỹ năng lãnh đạo, chỉ huy, kỹ năng ra quyết định…
Nhưng chúng tôi có những ngày hè tràn đầy niềm vui, làm quen và cùng sống chung hòa thuận với những người bạn đa phần xa lạ, dù đôi khi cãi nhau, dỗi nhau, tranh luận chí tử về một chuyện vớ vẩn nào đấy, rồi lại làm lành, theo đúng kiểu trẻ con; được ăn, được ngủ theo đúng nhịp sinh học của một đứa trẻ, được tắm biển, kéo co, đá bóng, thả diều ngay trên bãi cát… Chúng tôi có nhớ bố mẹ, nhưng chẳng ai phải phát khóc - vì vui thế cơ mà, và chúng tôi vẫn yêu thương bố mẹ thắm thiết.
Bố mẹ khi cho tôi đi những trại hè như thế, chẳng mong gì hơn ngoài việc con mình có những ngày vui. Gấp chăn gấp màn, ngày thường bố mẹ đã dạy và nhắc nhở cho đến khi tôi tự giác thực hiện. Chỉ cần cầm được cán chổi là tôi đã được hướng dẫn lau nhà, quét nhà, nhặt rau, rửa bát… và được yêu cầu làm những việc này thường xuyên. Bố mẹ cũng luôn để cho tôi bày tỏ ý kiến và quyết định những việc từ nho nhỏ trở đi, như chọn quần áo, chọn mua sách truyện, được quyền từ chối làm một việc gì đó nếu đưa ra được lý do…
Có nề nếp hay không, có tự lập hay không, có hòa đồng hay không, thậm chí có nếm trải vất vả khó nhọc hay không, là do quá trình rèn giũa hàng ngày trong gia đình. Chỉ vài ngày “hành xác” mà mong con thay đổi, kỳ vọng con nhận ra những điều lớn lao, theo tôi là không thể.
Một năm học đã quá mệt mỏi rồi, tại sao không để cho các con có được những ngày vui chơi đúng nghĩa, mà các bậc cha mẹ vẫn luôn muốn con phải học điều gì đó, thậm chí là quá nhiều điều, ngay trong những ngày vốn dĩ được định là “nghỉ”?
Phương Chi