“Công việc của con tôi là tới trường. Vậy tại sao tôi lại không nên thưởng cho con khi đạt điểm tốt? Chính tôi cũng được trả lương cho công việc mà mình làm đó thôi”.

{keywords}

Là một người thường xuyên làm việc với các bậc phụ huynh, tôi từng nhiều lần được nghe lý lẽ đó, và bản thân cũng là phụ huynh của 2 cậu con trai đang tuổi choai choai, tôi cũng hoàn toàn hiểu điều đó. Chúng ta kỳ vọng rất nhiều về con cái khi nói đến tương lai. Chúng ta khát khao tìm ra một cách nào đó để tâm trí trẻ thoát khỏi những trò chơi điện tử “hot” nhất hiện nay, và tập trung vào bài kiểm tra đại số sắp tới. Vì thế, chúng ta hứa hẹn sẽ thưởng tiền mặt hoặc một món đồ chơi mới nếu trẻ đạt kết quả tốt.

Nhưng vấn đề là tiền bạc không thể mua được sự sáng suốt, động lực hay thành công trong học tập.

Thực ra, về lâu về dài, nó còn không thể mua được những điểm tốt. Mặc dù có thể bạn sẽ thấy những cải thiện ban đầu, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sau một thời gian, phần thưởng sẽ làm giảm hứng thú khi thực hiện một nhiệm vụ - một điều trái ngược lại với cái mà chúng ta đang tìm kiếm.

Phần thưởng cũng làm trẻ có thái độ sống “Tôi được gì khi làm cái này?”. Nếu phần thưởng là tiền khi đạt điểm tốt, nó sẽ gửi đi thông điệp: học hành chăm chỉ là để làm giàu túi tiền chứ không phải để làm giàu bộ óc. Nó cũng gây áp lực cho cha mẹ khi cứ phải treo phần thưởng cho con để tạo động lực.

Những đứa trẻ được thưởng khi đạt điểm tốt sẽ bắt đầu có suy nghĩ mình xứng đáng được thưởng khoản tiền đó – một thái độ khiến trẻ mất đi khả năng nuôi dưỡng tình yêu học tập và ý thức trách nhiệm về việc tự học.

Thay vào đó cha mẹ cần giúp trẻ phát triển kỹ năng học tập để thành công bây giờ và sau này.

Đưa ra điều kiện: Hầu như đứa trẻ nào cũng cần sự thúc giục, khuyến khích của cha mẹ để hình thành những thói quen tốt. Hãy áp dụng mệnh đề “khi nào – thì”. Ví dụ, hãy nói với con rằng: “Khi nào con làm xong bài tập về nhà, con có thể chơi”.

Từ chối giải cứu: Nếu con bạn là đứa thường xuyên vịn cớ quên, thì hãy áp dụng Chính sách không giải cứu khi nói đến bài tập về nhà. Hãy nói với con (từ cấp tiểu học trở lên) rằng: “Con đã lớn rồi. Con đủ tuổi để lo chuyện bài tập về nhà của mình. Mẹ sẽ không nhắc nhở con chuyện làm bài tập hay mang vở đến trường mỗi khi con quên nữa đâu. Bây giờ con có ý tưởng gì để khỏi quên không?”.

Nhấn mạnh vào hành động, chứ không phải điểm A: Khi khen trẻ, bạn hãy dùng những từ ngữ khuyến khích tập trung vào sự nỗ lực hoặc hành động dẫn tới kết quả tốt đẹp đó, chứ không phải tập trung vào kết quả. Vì thế, nếu con bạn học rất chăm chỉ mỗi tối để chuẩn bị cho bài kiểm tra sinh học, hãy khen con: “Con đã học hành rất chăm chỉ cho bài kiểm tra. Con nên tự hào về những nỗ lực của mình”. Nếu con đạt điểm tốt, hãy nhấn mạnh vào sự chăm chỉ và cố gắng, hơn là kết quả. Còn nếu con không đạt kết quả tốt, hãy động viên con tiếp tục cố gắng và nhắc nhở con rằng sự kiên trì sẽ mang lại kết quả.

Giúp đỡ nhưng không giúp quá nhiệt tình: Mẫu câu “Mẹ ơi, giúp con” là thông điệp của “Mẹ ơi, hãy làm nó giúp con!”. Hãy nói với con rằng: “Mẹ rất vui khi được giúp con làm bài tập về nhà từ lúc 6h30’ đến 8h, và chỉ sau khi con đã làm hết những bài mà con biết cách làm và con có thể giải thích quá trình suy nghĩ của con với những bài con không thể giải được”.

Khiến việc học trở thành việc của con, không phải việc của cha mẹ: Không phải đứa trẻ nào cũng là học sinh xuất sắc nhất lớp, có thể con đường học tập của trẻ sẽ không giống như của chúng ta hay trẻ sẽ không thực hiện những ước mơ của chúng ta. Vì thế hãy để trẻ chịu trách nhiệm học tập phù hợp với lứa tuổi (đôi khi có thể thất bại). Việc để trẻ tự quản lý việc học hành, bài tập về nhà, điểm số là cách tốt nhất để trẻ chuẩn bị cho việc tự điều chỉnh cuộc sống thăng trầm của mình trong tương lai và trở thành người mà con muốn.

Thành công của trẻ không phải là thứ có thể ra giá. Trao thưởng khi đạt điểm tốt mà không giúp trẻ trau dồi các kỹ năng sống như sự cống hiến và trách nhiệm thì sẽ chỉ khiến trẻ phụ thuộc vào phần thưởng và các yếu tố thúc đẩy bên ngoài. Thay vào đó, cha mẹ hãy tạo cảm hứng yêu thích học tập, trau dồi những thói quen tốt và để trẻ giải quyết vấn đề theo cách của mình.

  • Nguyễn Thảo (Theo NYTimes)

Xem thêm: