Tạm thời gác sang một bên những tranh cãi chưa ai khẳng định được đúng sai về tương lai hay giá trị thật của đồng tiền mã hóa Bitcoin, chúng ta thử trả lời những câu hỏi đơn giản nhất: "Có thể dùng Bitcoin để mua một ly cà phê hay không?".

Câu trả lời là không, trừ phi người mua người bán cố tình biểu diễn chơi cho vui bởi chi phí cho một giao dịch dùng đồng Bitcoin vào ngày 25/2 là 26,16 USD. Mua một tách cà phê giá 5 USD mà phải chi thêm 26,16 USD tiền phí giao dịch thì hỏng to.

Chi phí giao dịch này thay đổi từng ngày, hiện tăng mạnh vì vào ngày 25/1 chỉ có 7,4 USD. Chưa hết, tính từ khi trả tiền cho tách cà phê bằng Bitcoin đến khi cuộc giao dịch được xác nhận là hợp lệ phải mất chừng 10 phút, đủ để tách cà phê chưa kịp uống đã nguội ngắt.

Cơ chế kỳ lạ

Các tin bài về Bitcoin thường được minh họa bằng một đồng xu màu vàng có chữ B to tướng. Đây chỉ là một hình vẽ tượng trưng còn Bitcoin thật sự chỉ là một dãy gồm số và chữ.

Khi dùng Bitcoin để mua một món hàng, thông tin về giao dịch này được cập nhật vào một cuốn sổ cái ghi lại tất tần tật mọi giao dịch mua bán như thế từ ngày Bitcoin ra đời cho đến nay. Chẳng lạ gì đến ngày 21/2, kích cỡ tập tin này đã lên đến 321 GB, cứ vài ba ngày tăng thêm 1 GB. Ổ cứng một chiếc laptop thông thường chỉ chừng 500 GB.

Nếu bất kỳ ai cũng được quyền ghi vào sổ cái này thì còn gì là giá trị của Bitcoin.

Trước khi một giao dịch được xác nhận để ghi vào sổ cái, những thợ đào với những dàn máy tính cực mạnh tranh nhau giải những bài toán ngày càng phức tạp để giành quyền cập nhật - khi cập nhật thành công họ được thưởng Bitcoin - là động lực để họ ngày đêm miệt mài đào.

{keywords}
Bitcoin là đồng tiền mã hóa, thường được minh họa bằng một đồng xu màu vàng có chữ B. Ảnh: Investing.com.

Chính cái cơ chế kỳ lạ này đẻ ra những hiện tượng kỳ lạ: mua tách cà phê bằng Bitcoin nhưng không muốn chờ lâu, người mua cứ trả tiền phí giao dịch thật nhiều, giao dịch của họ sẽ được thợ đào ưu tiên xử lý trước.

Chỉ chừng đó cũng đã có thể kết luận những người chủ xướng Bitcoin đã không thành thật khi rao giảng Bitcoin giúp chi phí sử dụng đồng tiền giảm mạnh như lúc nó vừa mới ra đời. Họ cũng không thành thật khi khoe Bitcoin sẽ đối xử với mọi người bình đẳng như nhau chứ không phân biệt khách hàng sộp, khách hàng nghèo.

Chưa từng thấy một dịch vụ thanh toán nào cho người trả thêm tiền được chen ngang, lấn ra đầu hàng như Bitcoin. Vì cơ chế phí càng cao, càng sớm được xử lý nên có nhiều giao dịch phải chờ đến 16 giờ hay hơn nữa mới được xác nhận.

Tiêu tốn điện khủng khiếp

Các “thợ đào” Bitcoin đang sử dụng một lượng điện lớn kinh khủng. Theo một nghiên cứu của Đại học Cambridge, tổng năng lượng Bitcoin đang tiêu thụ mỗi năm ước tính chừng 120 TeraWatt giờ, còn cao hơn lượng điện nhiều nước như Hà Lan, Philippines, Bỉ, Áo hay Israel đang tiêu thụ. Tính theo khí phát thải, hàng năm Bitcoin sản sinh ra 36,95 triệu tấn CO2, tương đương với nguyên cả nước New Zealand.

Mỗi giao dịch bằng Bitcoin gây hại cho môi trường tương đương 680.000 giao dịch bằng thẻ Visa hay bằng 51.210 giờ xem YouTube. Ước gì những nhà hoạt động cho môi trường đang cổ xúy việc cấm dùng bao bì nylon, ống hút nhựa cũng vận động cấm giao dịch bằng Bitcoin bằng những phong trào mạnh mẽ tương tự.

Thử tưởng tượng toàn bộ năng lực tính toán dùng để đào Bitcoin được chuyển qua để xử lý các bài toán cần kíp của nhân loại; thử tưởng tượng lượng điện khổng lồ đó dùng để biến nước biển thành nước ngọt cho dân ở các vùng khan nước. Việc lãng phí năng lượng cho hoạt động tính toán để đào Bitcoin có thể dẫn tới những hệ lụy không thể thấy hết.

Chẳng hạn, theo nhiều báo cáo, Trung Quốc có lượng thợ đào Bitcoin nhiều nhất thế giới và họ đang tận dụng nguồn thủy điện giá rẻ của nước này. Liệu việc đó có tác động gì đến dòng chảy của các con sông có hạ nguồn ở các nước Đông Nam Á là điều không thể loại trừ.

{keywords}
Lượng Bitcoin trên thế giới chỉ có giới hạn. Ảnh: NDTV.com.

Còn thêm một lãng phí của Bitcoin nữa chưa thấy báo chí đề cập. Theo nguyên tắc cứ 10 phút, các giao dịch bằng Bitcoin sẽ được gom thành một khối (block) để xử lý. Để tránh việc ai cũng có thể tùy tiện chỉnh sửa các block này, người ta quy định mỗi block mới khi thêm vào sổ cái sẽ có một đoạn mã kết nối nó với block trước - từ đó mới có khái niệm blockchain (chuỗi khối kết nối nhau).

Thợ đào dùng máy tính để tìm ra đoạn mã này và sẽ được thưởng 6,25 Bitcoin cho mỗi block xử lý xong; nếu nhiều máy xử lý xong cùng lúc, việc trao Bitcoin sẽ như kiểu xổ số.

Nếu thợ đào cứ tính toán cho block cũ đã xử lý xong, kết quả không được mạng lưới chấp nhận và xem như công sức bị lãng phí. Vì thế thợ đào phải mất chừng 1 phút để tiếp nhận block mới - xem như 10% năng lực của cả mạng lưới bị hoang phí vào việc chờ.

Bitcoin là sản phẩm gây hại cho môi trường lớn nhất từ trước đến nay

Có lẽ ít ai biết hiện thế giới đã đào được hơn 18,6 triệu đồng Bitcoin trong khi con số Bitcoin tối đa có thể tạo ra là 21 triệu. Đó là bởi số Bitcoin được thưởng bị cắt còn một nửa cứ sau 210.000 lần thưởng; ngày xưa cứ 10 phút có 50 Bitcoin được tạo ra đến năm 2017 còn 12,5 Bitcoin và nay chỉ còn 6,25 Bitcoin.

Hiện nay mỗi ngày có 900 Bitcoin được tạo ra. Người ta tính toán thợ đào ngày càng vất vả, chi phí đào ngày càng cao nên lượng điện tiêu thụ, lượng khí thải CO2 ngày càng tăng bởi mức thưởng cuối cùng bị cắt giảm chỉ còn 0,000000011641532 Bitcoin.

Lúc đó, đồng Bitcoin cuối cùng, thứ 21 triệu, sẽ được đào vào năm 2140 và sau đó chuyện đào không nhằm để được thưởng Bitcoin nữa mà có lẽ để nhận phí giao dịch. Vì thế phí giao dịch cũng sẽ tăng chứ không giảm theo quy mô như nhiều người tưởng.

Tất cả yếu tố khách quan này có thể giúp chúng ta kết luận Bitcoin là sản phẩm gây hại cho môi trường lớn nhất từ trước tới nay. Nó là sản phẩm đầu cơ chờ lên giá chứ không thể dùng vào các giao dịch thông thường nên sẽ không bao giờ trở thành một đồng tiền đúng nghĩa.

(Theo Zing)