Tại sao người ta sẵn sàng giết chết đồng loại của mình chỉ vì những điều hết sức nhỏ nhặt? Vì đạo đức xã hội xuống cấp, vì các giá trị chân chính đang bị đảo lộn.
Những ngày trước đây, dư luận bàng hoàng trước tin báo chí đồng loạt đăng tải: 1 bác sỹ ở Bệnh viện huyện Vũ Thư, Thái Bình bị em trai 1 bệnh nhân đâm chết sau khi cấp cứu không thành công bệnh nhân này.
Phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn
Việc vi phạm pháp luật, đạo lý của kẻ phạm tội không có gì phải bàn cãi. Rồi đây anh ta sẽ phải đền tội trước pháp luật cho những gì mình đã gây ra, nhưng từ sự việc trên tôi xin đề cập đến một lĩnh vực hoàn toàn khác, đó là sự xuống cấp của đạo đức xã hội.
Tại sao gần đây có những nghề, những quan hệ truyền thống gia đình vốn được coi là cao quý, bền chặt của xã hội lại xảy ra nhiều sự việc không hay như thế? Nào là học sinh đánh thầy cô giáo, lái xe vi phạm tông cảnh sát giao thông, rồi người nhà bệnh nhân đâm chết bác sỹ, cha đẻ hiếp dâm con gái, vợ thiêu chồng, chồng giết vợ, giết con... Vô vàn những điều nhức nhối mà ta có thể thấy trên báo chí hàng ngày.
Vì mất 1 con chó người ta sẵn sàng đập chết, đốt xác không thương tiếc kẻ ăn trộm. Vì 1 vụ va chạm giao thông, 1 cái nhìn vô tình hoặc bâng quơ cũng có thể dẫn tới án mạng. Có thể nói chưa bao giờ những người tử tế lại cảm thấy cuộc sống bất an đến vậy.
Tôi luôn băn khoăn và tự hỏi: Tại sao lại thế? Và tự đi tìm câu trả lời cho mình:
Thứ nhất, trong quá trình phát triển kinh tế đã có sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn.
Trong khi đa số dân chúng còn trong cảnh ăn bữa nay, lo bữa mai, ốm đau vào viện không có tiền chữa bệnh, không hiếm người nhìn thấy chết mà bất lực, không có tiền để đóng học phí cho con... nhưng nhìn ra xã hội xung quanh, thấy đầy rẫy những cảnh xa xỉ và bất công.
Tháng trước mảnh ruộng của người nông dân được trả đền bù có 500 ngàn/m2, tháng sau khi có quyết định phê duyệt dự án (tất nhiên phải chạy chọt, lobby) người ta đã bán mấy chục triệu đồng/m2. Rồi từ những đồng tiền kiếm được đại loại thế, người ta vung vinh đi ăn phở triệu đồng/ bát, đi xe ô tô tiền tỷ, bỏ hàng chục tỷ vào những thú chơi xa xỉ và coi đó như điều tất nhiên mà mình được hưởng thụ từ thành quả lao động?
Đám tang bác sĩ Phạm Đức Giàu, ở Bệnh viện huyện Vũ Thư, Thái Bình bị em trai 1 bệnh nhân đâm chết |
Hay mấy ca sĩ giỏi tạo scandal khoe cơ thể, lộ phim sex, mặc váy ngắn nhảy nhót, được truyền thông hùa theo nhiệt liệt tung hô, trở thành "thần tượng" của những teengirl, teenboy có thể nhận cát sê 1 đêm diễn bằng lương 1 năm của người công nhân trong khu công nghiệp...
1 cầu thủ bóng đá khi thành danh có thể nhận tiền lót tay hàng tỷ đồng khi chuyển nhượng. Lương mỗi tháng hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, còn lương của những người đã đạo tạo nên họ thì sao?
Đành rằng những so sánh đó đều là khập khiễng, nhưng nếu đặt ta vào vị trí của những con người lao động nông thôn, những công nhân trong các khu công nghiệp với cuộc sống bần hàn ráo mồ hôi là hết tiền, chiếm phần đông trong xã hội kia, thử hỏi ta sẽ nhìn cuộc đời xung quanh với con mắt thế nào?
Chắc chắn không phải là một màu hồng xán lạn và sẽ phải đặt câu hỏi: Vì sao cũng là kiếp người mà "chúng nó" lại sướng hơn mình nhiều thế?
Thứ hai, tiêu cực len lỏi vào mọi ngóc ngách của của sống.
Vẫn còn có những nhà giáo mô phạm, đáng kính, nhưng những tiêu cực từ chạy lớp, chạy trường, biếu xén cô giáo, dạy thêm, học thêm vô tội vạ đã trở thành căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục, làm phụ huynh và học sinh nhìn thầy cô giáo với con mắt khác mà sự tôn kính đã suy giảm phần nhiều.
Vẫn còn có những bác sỹ tốt tận tâm với nghề, nhưng thử hỏi có ai trong chúng ta khi vào viện hoặc có người nhà ốm đau mà không phải dấm dúi phong bì, phong bao cho bác sỹ để được khám sớm, khám kỹ, để được mổ sớm, để tiêm không đau...
Có ai không biết việc lái xe khách, xe tải phải nộp mãi lộ mọi trạm CSGT trên các tuyến đường mà họ đi qua? Có ai không biết việc những nông dân thấp cổ bé họng thường hay bị chèn ép ở các vùng thôn quê?
Sự lung lay những giá trị
Tất cả những việc trên chúng ta đều biết, thậm chí biết rõ đến mức "thấm nhuần" và chính chúng ta lại coi đó như một tất yếu của cuộc sống. Điều đó thực sự đáng lo ngại bởi các giá trị chân chính bị đang lung lay.
Tại sao người ta lại gọi những hiệp sỹ đường phố là những thằng gàn? Đó là khi cái ác đang lấn át cái thiện, cái xấu xa đang chèn ép những giá trị truyền thống tốt đẹp. Khi mà hàng ngàn điểm 0 (không) lịch sử của các sĩ tử thi đại học được 1 người có trách nhiệm hàng đầu coi là điều bình thường? |
Những con người dễ bị tổn thương nhất của xã hội không có cách để bảo vệ mình, chỉ còn biết xù mình lên như một con nhím, con ong trước cuộc sống. Tại sao người ta sẵn sàng đâm vào cảnh sát giao thông để trốn chạy? Vì cảnh mãi lộ diễn ra hàng ngày khiến người ta luôn nảy sinh ý định chống đối và căm ghét ở trong đầu.
Tại sao học trò, phụ huynh lại có thể đánh thầy cô giáo, có thể chỉ vì người ta không coi đó là thầy mà dạy học cũng chỉ là một nghề để kiếm sống để mưu sinh như bao nghề khác mà thôi.
Tại sao người ta lại gọi những hiệp sỹ đường phố là những thằng gàn? Đó là khi cái ác đang lấn át cái thiện, cái xấu xa đang chèn ép những giá trị truyền thống tốt đẹp. Khi mà hàng ngàn điểm 0 (không) lịch sử của các sĩ tử thi đại học được 1 người có trách nhiệm hàng đầu coi là điều bình thường?
Tại sao người ta sẵn sàng giết chết đồng loại của mình chỉ vì những điều hết sức nhỏ nhặt? Vì đạo đức xã hội xuống cấp, vì các giá trị chân chính đang bị đảo lộn.
Khi những vụ án đau lòng xảy ra, các nhà nghiên cứu tha hồ đưa ra những phán xét và quy chụp, đại loại như do những trò games bạo lực, do đạo đức, do gia đình, do lòng tham, do sự ích kỷ cá nhân...
Tất cả những nguyên nhân đó đều đúng nhưng riêng tôi, tôi lại cho rằng có 1 nguyên nhân sâu xa hơn đó là sự xuống cấp của đạo đức xã hội.
Đất nước ta đã và sẽ tiếp tục phát triển nhưng chúng ta cũng đã và sẽ phải trả giá thêm nhiều cho sự phát triển đó. Hy vọng, những người lãnh đạo có "tầm" có "tâm" với đất nước sẽ chèo lái theo một con đường hợp lý để trên con tàu Việt Nam đang tiến về phía trước, để mọi người đều có quyền hy vọng vào 1 tương lai tươi sáng hơn.
Đức Toàn