- “Em cũng đi xin việc ở nhiều chỗ rồi, hầu hết là em bị loại”, T. chia sẻ, “Chỉ có duy nhất một chỗ nhận em, là KFC”, T. cười cười nói.

Mời em đi về từ vòng... gửi xe

T.* học trường đại học Thương mại ở Hà Nội, là một sinh viên khá. T. sắp ra trường và em muốn tìm việc ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường để tích luỹ kinh nghiệm, khi ra trường em sẽ có nhiều cơ hội hơn. Đó là suy nghĩ của nhiều sinh viên và nhiều bạn đã đi làm ngay từ năm thứ 3, 4. Nhưng với T. thì việc đó thật khó khăn.

“Em cũng đi xin việc ở nhiều chỗ rồi, hầu hết là bị loại”, T. chia sẻ. “Chỉ có duy nhất một chỗ nhận em, là KFC”, T. cười cười nói.

“Người ta đưa ra đủ lý do để không chọn. Có lần người ta gọi em đến phỏng vấn, nhưng nghe giọng em là giọng nữ, lúc ấy em chưa dùng Hormone. Người ta bảo “Chị thấy trên ảnh là con trai (?)”, em bảo em là nữ, thì người ta bảo “Thế hẹn em lần khác”. Còn nhiều chỗ thì ngay từ khi nộp hồ sơ, có lẽ do ngoại hình nên người ta cũng không cần phải đọc mà bảo em về luôn”. T. cười và kể về sự đối xử của những nhà tuyển dụng khi bạn đi xin việc.

Phải chăng sự kì thị và định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người khiến cho họ xét đến ngoại hình và giới tính trước khi xét đến năng lực? T. không hề yếu kém hơn so với những bạn cùng lớp, thậm chí T. còn yêu thích công việc, chăm chỉ và cẩn thận hơn nhiều người. Vậy mà những nhà tuyển dụng sẵn sàng từ chối T. “ngay từ vòng gửi xe” chỉ bởi bạn là người chuyển giới. Dường như là người chuyển giới đã trở thành một trở ngại, một điểm yếu khiến T.vuột mất những cơ hội mà lẽ ra bạn phải có. Nó còn khiến T. trở nên tự ti, khép mình, bạn cho rằng mình không xứng đáng có được công việc mà mình yêu thích.

“Nếu em là nhà tuyển dụng, em cũng chưa chắc sẽ giao việc cho người chuyển giới. Những việc em xin thường liên quan nhiều đến giao tiếp, bán hàng. Trọng về hình thức. Mà có lẽ khách hàng sẽ thấy “phản cảm” nếu nhân viên bán hàng là người chuyển giới. Em nghĩ nhân viên bán hàng là bộ mặt của công ty, mà những người như em, chắc sẽ làm xấu mặt họ”, T. vừa cười vừa chua chát nói.

Sự phân biệt đối xử và từ chối hết lần này đến lần khác đã khiến T. – một sinh viên năng động và tài năng trở nên e dè, thu mình, không dám chọn công việc mà mình yêu thích. Dường như những nhà tuyển dụng đã khiến ước mơ của bạn phải dừng lại. Chỉ bởi vì bạn là người chuyển giới.

Và mại dâm, diễn thời trang hay hát đám ma

{keywords}
Ảnh minh họa

Có một thời ở TP.HCM rộ lên chuyện một số nhóm chuyển giới đi hát đám ma, nhiều tờ báo thời bấy giờ gắn cho họ một nghệ danh mỹ miều: “Pêđê hát đám ma”. Quả thực có nhiều người phản ứng dữ dội với cảnh những người chuyển giới ăn mặc hở hang, uốn éo khiêu gợi khi đi hát đám ma. Nhưng ít người biết rằng, nếu không đi hát đám ma thì họ chẳng biết phải làm gì cả.

P. – một người chuyển giới từ TP.HCM ra Hà Nội cho biết: “Tụi em đi đâu người ta cũng không nhận, xin đi rửa chén người ta cũng không nhận. Người ta bảo ghê tụi Pêđê, không dám chứa. Cũng không biết ai nghĩ ra kêu tụi em đi hát đám ma, một lần đi hát vầy cũng được mấy trăm. Có khi còn được mấy người xem cho thêm tiền. Vậy là tụi em cứ đi làm. Chứ giờ em học hết cấp 2 rồi nghỉ, không có bằng cấp gì, biết đi đâu xin việc. Mà có học cao xin việc chắc gì đã được nhận. Chuyển giới mà, cực lắm anh ơi”.

{keywords}
Người chuyển giới tại đám tang.

Hát đám ma còn đỡ, có nhiều người chuyển giới còn phải đi bán dâm để kiếm sống. Nếu chưa chuyển giới hẳn thì bán dâm cho người đồng tính, nếu chuyển giới rồi thì bán dâm cho người dị tính. P. có bạn cũng là người chuyển giới đi bán dâm, P. kể: “Nó đi khách nhiều lắm, chủ yếu là khách gọi nó vì nó để số điện thoại trên một số trang web. Mà khách mại dâm có nhiều đứa bệnh hoạn lắm, nó tát, nó đánh, nó bắt phục vụ nó đủ kiểu, nó bỏ tiền ra là muốn chơi cho đáng đồng tiền. Khổ lắm anh ơi. Nếu mà xin được việc, dù chỉ là dọn dẹp hay việc gì cực lắm cũng được, chẳng ai muốn đem thân mình ra bán lấy tiền”.

Một số người chuyển giới ở Hà Nội có ngoại hình tốt, giống nữ giới thì có thể làm người mẫu chuyển giới. Những năm trước ở Phố Vọng có nhóm người mẫu Pattaya nổi tiếng mỗi đêm ở café Vọng. Một số nhóm người mẫu chuyển giới trẻ hơn cũng khá nổi tiếng ở nhiều chương trình như nhóm Rubi, Eva,… Hàng đêm, những người mẫu chuyển giới tự tin dưới ánh đèn màu, trên sàn catwalk, họ sải bước và mỉm cười rạng rỡ. Cát xê chẳng đáng là bao nhưng họ vẫn diễn, diễn vì đam mê, vì được là mình thật sự. Nhưng rồi nghề diễn cũng chẳng nuôi sống được họ bao lâu, show diễn ít. Cát xê bèo bọt khiến họ lần lượt phải tìm cách khác nuôi sống mình.

Luật pháp cũng chưa có sự bảo vệ đối với sự bất bình đẳng trong cơ hội việc làm đối với những người chuyển giới. Những nhà tuyển dụng đang có sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính chứ không phải dựa trên năng lực cá nhân. Lý do để họ không nhận nhiều người chuyển giới vào làm thực sự là vì sự kì thị và định kiến chứ chưa chắc đã bởi người chuyển giới không có đủ năng lực làm việc. Sau mỗi cánh cửa cơ hội việc làm khép lại, nhiều người chuyển giới trở nên tự ti, tuyệt vọng hơn, cơ hội làm cuộc sống trở nên tốt hơn bị thấp đi một chút. Điều đó cũng khiến hình ảnh người chuyển giới trở nên xấu hơn trong mắt mọi người, bởi họ phải tìm đến những công việc không được xã hội chấp nhận khác.

Ước mơ nhỏ bé

“Khi nào kinh tế ổn định, em có thể mở một cửa hàng kinh doanh, lúc ấy em nghĩ vì em làm chủ rồi nên giấy tờ không còn quan trọng nữa. Còn khó có ai muốn thuê một người chuyển giới làm nhân viên. Em nghĩ thế.” T. chia sẻ.

Nhưng không phải người chuyển giới nào cũng muốn và có khả năng để “làm chủ” như T. Người chuyển giới cũng bình đẳng như tất cả mọi người, nghĩa là cũng bình đẳng về cơ hội việc làm và đãi ngộ công việc. Nếu như những nhà tuyển dụng chỉ để ý đến giới tính người đến tuyển dụng mà không phải là năng lực của họ thì có lẽ các nhà tuyển dụng sẽ mất đi nhiều nhân viên tài năng. Và nhiều người chuyển giới sẽ cùng đường, phải tìm đến nhiều công việc cực nhục. Hy vọng trong tương lai khi xã hội cởi mở và nhiều người hiểu biết hơn, người chuyển giới sẽ được đối xử bình đẳng trong tất cả mọi mặt, kể cả công việc. Để những người như T. không cần phải mở cửa hàng và làm chủ vì không được nhận nữa.

Lâm Lâm

* Tên nhân vật đã được thay đổi.